Hai cơn bão Mặt trời đồng loạt tấn công Trái đất

  •  
  • 155

Hai cơn bão địa từ sinh ra do hoạt động của Mặt trời vươn tới Trái đất hôm 14/3 và 15/3 nhưng không gây ra thiệt hại đáng kể.

Bão địa từ xuất hiện khi một lượng lớn hạt mang điện bị đẩy ra khỏi vành nhật hoa (lớp khí quyển ngoài) của Mặt trời. Sự kiện này được gọi là phun trào nhật hoa (CME). Luồng hạt mang điện phóng ra ngoài với tốc độ lên đến hàng triệu km/h. Khi vươn tới Trái đất, chúng tương tác với từ trường bảo vệ của hành tinh xanh, gây ra các cơn bão địa từ và cả cực quang.

 Mô phỏng một vụ phun trào từ Mặt trời với một hành tinh gần đó.
Mô phỏng một vụ phun trào từ Mặt trời với một hành tinh gần đó. (Ảnh: solarseven/iStock).

Các cơn bão đầu tuần này không mạnh và tác động đáng chú ý nhất có thể là khiến mọi người thấy được bắc cực quang ở những khu vực xa hơn về phía nam như New York và Idaho của Mỹ, theo Cơ quan Quản lý Khí quyển Đại dương Quốc gia Mỹ (NOAA). NOAA cho biết, cơn bão hôm 14/3 thuộc cấp G2 còn cơn bão hôm 15/3 thuộc cấp G1, xét theo thang đo bão Mặt trời 5 cấp với cấp mạnh nhất là G5.

Trái đất thường hứng chịu hơn 2.000 cơn bão Mặt trời cấp G1 và G2 mỗi thập kỷ. Các cơn bão mạnh hơn có thể gây hậu quả đáng kể. Thiệt hại gần đây nhất từ một cơn bão địa từ xảy ra vào tháng trước, khi 40 vệ tinh Starlink của SpaceX bị phá hủy. Bão khiến mật độ khí quyển tăng lên ở khu vực quỹ đạo thấp mà vệ tinh đang hoạt động, làm tăng lực kéo khiến chúng rơi xuống khỏi quỹ đạo.

Vệ tinh và thiết bị vũ trụ là những thứ dễ chịu thiệt hại nhất, nhưng tác động của bão Mặt trời cũng có thể cảm nhận trên Trái đất. Cơn bão Mặt trời cực mạnh năm 1989 đã cắt nguồn cung cấp điện của hơn 6 triệu người trong gần 10 tiếng tại Québec và khu vực xung quanh. Nó cũng khiến Sàn giao dịch Chứng khoán Toronto ngừng hoạt động suốt nhiều giờ do máy tính hỏng. Tất cả những điều này xảy ra trước khi Internet phổ biến và một cơn bão tương tự ngày nay có thể gây mất điện trên diện rộng.

Trong một nghiên cứu năm ngoái, phó giáo sư Abdu Jyothi tại Đại học California, Irvine, cảnh báo rằng con người vẫn chưa chuẩn bị cho một cơn bão địa từ mạnh hơn. Jyothi chỉ ra, Internet toàn cầu phụ thuộc nhiều vào cáp dưới biển và các bộ lặp điện tử của chúng có thể bị một cơn bão mạnh phá hủy, dẫn đến "ngày tận thế của Internet". Jyothi cho rằng cơ sở hạ tầng của con người chưa sẵn sàng cho một sự kiện Mặt trời quy mô lớn và chúng ta mới chỉ hiểu rất ít về nguy cơ thiệt hại.

Mặt trời đang gần đạt đến đỉnh của chu kỳ gia tăng hoạt động định kỳ. Giai đoạn Cực đại Mặt trời xảy ra 11 năm một lần và lần tiếp theo dự kiến diễn ra khoảng tháng 7/2025. Hoạt động Mặt trời có thể sẽ tiếp tục tăng cho đến thời điểm đó.

Cập nhật: 18/03/2022 Theo VnExpress
  • 155