Hoạn quan quyền lực ngang hoàng đế, tàn bạo nhất lịch sử Trung Quốc

  •  
  • 4.407

Ngụy Trung Hiền được coi là hoạn quan nổi tiếng nhất và mạnh nhất trong lịch sử Trung Quốc, quyền lực sánh ngang hoàng đế và những người dám chống lại đều nhận kết cục thảm khốc.

Theo Ancient Origins, Ngụy Trung Hiền sống trong khoảng thế kỷ 16 – 17, dưới nhà Minh ở Trung Quốc. Hoạn quan này phục vụ dưới thời Hoàng đế Minh Hy Tông (1620 – 1627).

Nhân vật Ngụy Trung Hiền trong phim truyền hình Trung Quốc.
Nhân vật Ngụy Trung Hiền trong phim truyền hình Trung Quốc.

Ngụy Trung Hiền là nhân vật rất có tầm ảnh hưởng thời nhà Minh, vốn là triều đình phong kiến bị lũng đoạn bởi các thái giám.

Ngụy Trung Hiền sinh năm 1568, tên thật là Ngụy Tiến Trung, người Túc Ninh tỉnh Hà Bắc, Trung Quốc. Thời trẻ, Ngụy Trung Hiền máu mê cờ bạc, ăn chơi trác táng.

Vì thua hết tiền, nợ nần chồng chất, ông bị chủ nợ chửi mắng, đánh đập thậm tệ. Ngụy Trung Hiền cảm thấy hổ thẹn, phẫn uất cùng cực mà quyết định tự thiến rồi thay tên đổi họ là Lý Tiến Trung, trốn đến Bắc Kinh và được tuyển vào cung năm 1589.

Ở hậu cung, Ngụy Trung Hiền rất thông minh, giỏi "nịnh hót" nên được Khách Thị, vú nuôi của vua Hy Tông thương yêu và nâng đỡ. Quãng thời gian này giúp Ngụy Trung Hiền tạo ra mối liên kết chặt chẽ với Minh Hy Tông, khi đó vẫn đang là hoàng tử.

Quyền lực ngang Hoàng đế

Nguy Trung Hiền (áo đỏ, mũ vàng) luôn tháp tùng Hoàng đế trong buổi lên triều.
Nguy Trung Hiền (áo đỏ, mũ vàng) luôn tháp tùng Hoàng đế trong buổi lên triều.

Cơ hội của Ngụy Trung Hiền đến vào năm 1620, khi hoàng đế Minh Quang Tông đột ngột qua đời. Chu Do Hiệu, tự Minh Hy Tông trở thành Hoàng đế Trung Hoa ở tuổi 15.

Nổi tiếng là kẻ mưu mô, gian xảo, Ngụy Trung Hiền nhanh chóng chớp lấy thời cơ tiến thân. Mối quan hệ gần gũi với Hoàng đế Hy Tông đưa Ngụy Trung Hiền đạt đến đỉnh cao quyền lực, giống như một vị vua không ngai.

Hy Tông còn trẻ tuổi, không suy xét kỹ lưỡng, phong Ngụy Trung Hiền chức Bỉnh bút Thái giám đứng đầu 24 nha hoạn quan, được ở gần hầu cận Hoàng đế, phê đáp tấu chương, truyền đạt thánh chỉ.

Ngược lại, Hoàng đế hoàn toàn khoanh tay rũ áo, chỉ biết suốt ngày chơi bời, không ham chính sự. Đặc biệt, ngay từ nhỏ, Hy Tông đã thích thú với việc chạm khắc gỗ, nên Minh Hy Tông suốt ngày chỉ biết khắc chạm, vẽ lên gỗ, nghệ thuật điêu khắc gỗ của Hy Tông rất khéo và tinh xảo.

Ở thời điểm đỉnh cao danh vọng, Ngụy Trung Hiền nắm mọi quyền lực trong triều, từ Đông Xưởng, Tây Xưởng, Nội Xưởng đến khống chế việc triều chính, đưa người thân tín vào nắm các vị trí quan trọng.

Các triều thần nhà Minh khi đó chỉ còn cách bái lạy thái giám quyền lực, một mặt vì sợ bị thanh trừng, mặt khác hy vọng rằng lòng trung thành sẽ được đền đáp xứng đáng. Các quan lại còn tranh nhau nhận Ngụy Trung Hiền là cha nuôi, ông nội.

Chỉ một nhóm các triều thần, được biết đến với tên Đông Lâm là dám ra mặt chỉ trích bè lũ Ngụy Trung Hiền. Nhóm người này mang tư tưởng tiến bộ, muốn cải cách toàn diện đất nước.

Tàn sát những người chống đối

Ngụy Trung Hiền (đội mũ quan) bức hại phái Đông Lâm.
Ngụy Trung Hiền (đội mũ quan) bức hại phái Đông Lâm.

Nắm quyền lực trong tay, Ngụy Trung Hiền ngày càng hách dịch, tàn nhẫn. Ông ta cài cắm mật vụ khắp nơi, khuyến khích tố cáo những người chống đối. Những ai không theo phe hoạn quan này đều bị loại ra khỏi chính quyền. Ngụy Trung Hiền còn buộc thuộc hạ cướp bóc của dân để cống nạp cho Ngụy Trung Hiền.

Ở nhiều nơi khác, những người ủng hộ phái Đông Lâm đều bị đánh đập tàn bạo, thậm chí bị tay sai Ngụy Trung Hiền giết hại thẳng tay, không qua xét xử.

Ngụy Trung Hiền bắt Uông Văn Ngôn, người phái Đông Lâm, dùng nhục hình tra khảo ép cung, tạo khẩu cung giả sát hại những người trong phái với tội danh bao che, tham ô, hối lộ…

Những người đứng đầu phái bị bắt, tra tấn tới chết. Họ phải chịu mọi cực hình tàn khốc. Sau khi bức hại người của phái Đông Lâm, Ngụy Trung Hiền huênh hoang tự xưng là "Cửu thiên tuế". Vụ án oan của Đông Lâm làm cho dân chúng nổi dậy ở khắp nơi như Giang Âm, Tô Châu…

Năm 1626, một tuần phủ Chiết Giang là người đầu tiên xây đền thờ cho Ngụy Trung Hiền. Khắp nơi dưới triều Minh sau đó đều lập đền thờ.

Ai đi qua nơi thờ tự Ngụy Trung Hiền cũng phải lạy 5 lạy, hô to "Cửu thiên tuế". Tại thời điểm ấy, Trung Quốc chỉ có Khổng Tử mới được lập đền thờ.

Trong triều, Ngụy Trung Hiền thảo ra chỉ dụ, xưng "Trẫm và thần", buộc các quan lại phải tuân theo.

Hoàng đế Trung Quốc Minh Hy Tông sớm qua đời ở tuổi 21.
Hoàng đế Trung Quốc Minh Hy Tông sớm qua đời ở tuổi 21.

Lũng đoạn triều đình như vậy nhưng quãng thời gian thống trị của Ngụy Trung Hiền không kéo dài dược lâu. Năm 1627, Hy Tông ngự giá cùng Ngụy Trung Hiền đến Tây Uyển xem dân phu đào hồ, không may bị rơi xuống nước.

Dù được cứu kịp thời nhưng hoàng đế lại sinh trọng bệnh. Biết mình khó qua khỏi, lại không có con trai kế vị, Hy Tông triệu em trai là Tín vương Chu Do Kiểm nhập cung để bàn chuyện kế vị.

Ngày 30/9/1927, Minh Hy Tông qua đời khi chỉ vừa 21 tuổi. Chu Do Kiểm nối ngôi, tự Minh Tư Tông.

Ngụy Trung Hiền biết thân biết phận nên muốn xin từ chức về quê, nhưng không được Minh Tư Tông chấp nhận.

Nghe theo triều thần, Hoàng đế nhà Minh ra lệnh đày Ngụy Trung Hiền đến Phụng Dương. Đi được nửa đường, Hoàng đế lại ra lệnh bắt lại Ngụy Trung Hiền với cáo buộc mưu phản.

Ngụy Trung Hiền khi đó biết mình cùng đường, quyết định tự sát thay vì đối mặt với phiên tòa xét xử và bản án tử hình.

Ngụy Trung Hiền sau đó bị phanh thây, đem bêu trước làng ở quê nhà để thị uy.

Hoạn quan là những người không thể thiếu trong lịch sử phong kiến Trung Quốc. Họ thường là người thân cận, được hoàng đế tin dùng, nên dễ dẫn đến lộng quyền, nắm đại quyền, thậm chí có thể phế bỏ hoàng đế. Loạt bài này sẽ kể lại chuyện về những hoạn quan khét tiếng nhất trong lịch sử Trung Quốc.
Cập nhật: 05/12/2017 Theo Dân Việt
  • 4.407