Hủ tục đám cưới ma ám ảnh ở Trung Quốc

Đám cưới ma - Tập tục quái lạ
  •   3,56
  • 19.046

Để phục vụ cho những gia đình có nhu cầu kiếm vợ cho nam nhân đã chết, tội phạm sẵn sàng cướp mộ thậm chí giết người sống để có "cô dâu ma" đem bán.

Lởn vởn quanh các nghĩa trang, bãi chôn cất ở Trung Quốc, chẳng phải thế lực siêu nhiên mà là những kẻ trộm tử thi đi mai mối. Truyền thống cổ xưa từ đời Tống thế kỷ thứ 13 gần đây bùng phát trở lại, khiến những kẻ cướp mộ hoành hành.

Hủ tục đám cưới ma

Hầu hết nền văn hóa trên thế giới đều có mối quan tâm tới người quá cố cô độc, không có người thân bên cạnh. Tại các vùng quê hẻo lánh miền Bắc Trung Quốc, nhiều người vẫn tin rằng việc một chàng trai chưa vợ phải sang thế giới bên kia mà không có phụ nữ nào bên cạnh là điềm xấu. Việc này mang đến nhiều xui xẻo cho gia đình nam nhân quá cố và hồn ma anh ta sẽ ám ảnh cả nhà. Để tránh điều đó, các thành viên trong gia đình phải tìm một cô dâu ma để kết hôn với chàng trai đã chết, mang lại sự bình yên cho gia đình.

Người Trung Quốc tin rằng đám cưới ma sẽ giúp gia đình họ yên ổn.
Người Trung Quốc tin rằng đám cưới ma sẽ giúp gia đình họ yên ổn. (Ảnh: matrixleaks).

Đám cưới ma có nhiều mức độ khác nhau. Hình thức cơ bản là các tượng cô dâu ma bằng đất sét hoặc bạc chôn cạnh thi thể nam quá cố. Tuy nhiên, theo truyền thống, đám cưới ma "tốt nhất" phải có xác chết của một cô gái thực thụ. Thi thể nữ đào lên từ mộ đã chôn cất, được gia cố cho mặc quần áo sạch sẽ và cải táng cùng người đàn ông. Chính vì nhu cầu này, nhiều kẻ hám lợi bất chấp pháp luật, đạo đức ăn cắp các thi thể đã được mai táng.

Quy định của chính phủ

Chính phủ Trung Quốc đã chính thức cấm hủ tục đám cưới ma năm 1949. Nhưng cùng với sự giàu có của đất nước, truyền thống này lại tiếp tục thịnh hành trở lại. Các tỉnh phía bắc Trung Quốc như Sơn Tây, Hà Nam, Thiểm Tây xảy ra hơn 30 trường hợp trộm tử thi chỉ trong vòng 3 năm qua. Tất cả đều liên quan đến việc phục vụ các đám cưới ma.

Tuy nhiên, chính phủ nước này cho phép các công ty mai mối làm cầu nối liên hệ giữa những gia đình có con trai và con gái qua đời để họ tự sắp xếp việc hôn sự cho người quá cố. Việc này nhằm bù đắp cho chính sách một con có hiệu lực tại Trung Quốc trong suốt 30 năm qua. Mặc dù thế, các công ty mai mối vẫn không đáp ứng đủ nhu cầu của khách hàng.

Nạn trộm cắp thi thể

Hủ tục đáng sợ là nguyên nhân dẫn đến nạn tội phạm trộm thi thể.
Hủ tục đáng sợ là nguyên nhân dẫn đến nạn tội phạm trộm thi thể. (Ảnh: weirdasianews).

Lợi nhuận cao từ các tử thi mới trung bình khoảng 15.600 USD/ cô dâu ma đã khiến nhiều kẻ mờ mắt. Năm 2011, một người đàn ông bị bắt vì giết vợ bán thi thể cho đám cưới ma. Năm 2014, 4 người đàn ông bị bắt vì bán hơn 10 thi thể với giá gần 40.000 USD. Thậm chí, các tử thi đã phân hủy cũng bán được với giá khoảng 760 USD. Trong khi đó, hình phạt dành cho tội trộm thi thể chỉ là 3 năm tù giam.

Bởi chính quyền không thể ngăn chặn được nạn trộm tử thi, các gia đình Trung Quốc đã tự nghĩ ra nhiều cách để bảo vệ người thân đã mất của họ. Thay vì chôn cất trên các sườn núi xa xôi, họ xây mộ ngay bên cạnh nhà. Những người khác thì bọc mộ bằng bê tông. Gia đình có điều kiện sẽ xây hàng rào, lắp camera an ninh và thuê nhân viên bảo vệ tuần tra hàng ngày.

Không chỉ ở Trung Quốc

“Đám cưới ma” giữa hai người đã khuất.
“Đám cưới ma” giữa hai người đã khuất.

Trung Quốc không phải là nền văn hóa duy nhất thực hiện truyền thống “hôn nhân ma”. Trong Chiến tranh thế giới thứ Nhất, một thực tế tương tự đã được áp dụng ở Pháp, vì những phụ nữ mất chồng chưa cưới trong chiến tranh vẫn muốn kết hôn với họ.

Bốn mươi năm sau, tập tục này lại được vận dụng, với tên gọi là “hôn nhân sau khi chết”, từ một vụ vỡ đập bi thảm dẫn đến việc một phụ nữ cầu xin được phép kết hôn với vị hôn phu đã chết trong vụ tai nạn. Kể từ đó, tập quán trên đã được bảo vệ theo luật hôn nhân của Pháp và được chấp nhận vì nhiều lý do khác nhau.

Các nền văn hóa khác cũng đã áp dụng phong tục lạ lùng kể trên, đáng chú ý là ở một số bộ tộc thuộc Sudan. Tại bộ tộc Nuer, thông thường em trai của chú rể sẽ thay thế vị hôn phu đã chết, phải làm lễ đính hôn, làm lễ cưới với “vợ của anh trai mình” như người chồng thực sự của cô ấy. Do đó, nếu bất kỳ đứa con nào ra đời từ sự kết hợp giữa em trai của chú rể quá cố và người vợ, những đứa trẻ đó sẽ được coi là con của người đàn ông đã chết, chứ không phải của em trai còn sống.

Cập nhật: 01/12/2020 Theo VnExpress/GDTĐ
  • 3,56
  • 19.046