Các nhà khoa học phát hiện thấy những chất hạt trong phổi của 15 xác ướp, trong đó có cả tầng lớp quý tộc và các linh mục.
>> Tìm thấy bọc lạ trong xác ướp Ai Cập
>> 'Bùa' đá xanh trong xác ướp Ai Cập
>> Di chuyển 3 xác ướp Ai Cập để kiểm tra ADN
Người Ai Cập cổ đại có thể đã tiếp xúc với không khí bị ô nhiễm – suy đoán được các nhà khoa học đưa ra sau khi phát hiện thấy những chất hạt trong phổi của 15 xác ướp, trong đó có cả tầng lớp quý tộc và các linh mục.
Những chất hạt cực nhỏ có thể gây sưng phổi này cũng có liên quan tới một loạt các căn bệnh hiện đại như bệnh tim, phổi và ung thư. Những hạt này thường có liên quan tới các hoạt động hậu công nghiệp như đốt cháy nhiên liệu hóa thạch.
Nhưng sau khi nghe các báo cáo nói rằng những hạt này được tìm thấy trong các mô xác ướp, thì Roger Montgomerie – một nghiên cứu sinh tại Trung tâm Y sinh học Ai Cập KNH của ĐH Manchester – đã quyết định xem xét kĩ hơn các mô phổi của xác ướp. Công việc của ông là những nỗ lực đầu tiên trong việc xác định và nghiên cứu các chất hạt trong xác ướp Ai Cập.
Xác ướp này được tìm thấy ở Dakhleh Oasis – một vùng xa xôi ở phía tây nam Ai Cập.
Người đàn ông này sống cách đây khoảng 1.800 năm – thời điểm người La Mã chiếm đóng
Ai Cập. Anh ta chết khi mới 20-25 tuổi. Mặc dù nhiều bộ phận của xác ướp đã không còn, song phần xung quanh phổi – nơi mà các chất hạt được tìm thấy – vẫn được bảo tồn tốt.
15 lá phổi của 15 xác ướp mà ông nghiên cứu cho tới thời điểm hiện tại đều cho thấy những chất hạt và mức độ của chúng là không thấp hơn nhiều so với số lượng chất hạt mà ông dự đoán trong lá phổi của con người hiện đại.
“Tôi muốn nói rằng nó ít hơn trong con người hiện đại nhưng không ít hơn quá nhiều” – ông Montgomerie chia sẻ với LiveScience. Trong giới nghiên cứu về Ai Cập, những mô phổi được bảo quản tốt là rất hiếm và việc cho phép kiểm tra nó còn hiếm hơn, vì thế 15 xác ướp được tìm thấy chất hạt là một con số đáng kể - ông Montgomerie cho hay.
Một số xác ướp là những công nhân bình thường, sống ở những khu vực xa xôi hẻo lánh được gọi là Dakhleh Oasis, trong khi những người khác ở tầng lớp cao hơn. Họ là các quý tộc và linh mục.
“Mỗi người tới từ một tầng lớp khác nhau. Dường như nó không được giới hạn trong một nhóm xã hội” – ông Montgomerie cho biết.
Phát hiện này cho thấy người Ai Cập cổ đại có thể đã phải trải qua một loạt những tác động tiêu cực tới sức khỏe.
“Chắc chắn nó sẽ làm tăng khả năng nhiễm trùng phổi và tăng khả năng mắc căn bệnh gì đó giống như viêm phổi” – ông Montgomerie nói.
Các chất hạt và bằng chứng của vết sẹo đã được tìm thấy trong phổi của
Nekht - Ankh – một nhà quý tộc sống cách đây khoảng 3.800 năm ở Rifeh.
Ở đây, mô phổi của người đàn ông này đã được thủy hóa lại, giúp nó có hình dáng
trông thật hơn.
Bệnh phổi đã được phát hiện trước đó trong các xác ướp Ai Cập. Một trường hợp đáng chú ý đã được lưu giữ vào tài liệu trong những năm 70 bởi Eddie Tapp, cũng tới từ ĐH Manchester.
Tapp đã nghiên cứu phổi của một xác ướp 3.800 tuổi có tên là Nekht-Ankh. Mặc dù người này sống đến gần 60 tuổi, song phổi ông ta vẫn có hình dạng xấu và có thể gặp khó khăn về hô hấp - Tapp cho hay.
“Mô phổi dường như đã bị hư hỏng và có nhiều sẹo” – Tapp viết trong cuốn sách “Dự án Xác ướp Manchester” (Manchester University Press, 1979). Trong số các mô sợi có một số kết tụ của chất hạt.
Câu hỏi đang đặt ra cho các nhà khoa học là tại sao chất hạt lại phổ biến đến vậy trong xã hội Ai Cập?
Trong khi đó Ai Cập cổ đại là một xã hội tiền công nghiệp, con người thời đó đã tham gia vào các hoạt động như nấu nướng, gia công kim loại và khai mỏ - tất cả những hoạt động có thể dẫn đến ô nhiễm không khí. Ngoài ra, khí hậu Ai Cập với nhiều sa mạc và bão cát có thể xới tung bất cứ loại hạt nào từ mặt đất vào không khí và con người có thể dễ dàng hít phải.
Hiện tại, ông Montgomerie đã nghĩ ra một thử nghiệm mà ông hi vọng rằng sẽ làm sáng tỏ nguồn gốc của những chất hạt này.
Ông sẽ đốt cháy những nguồn nhiên liệu khác nhau từng được sử dụng bởi người Ai Cập và thu thập muội được sinh ra trong quá trình đốt cháy, rồi so sánh chúng với các hạt trong mô phổi cổ đại.
Ngoài ra, ông cũng thu thập cát từ các địa điểm khảo cổ ở Ai Cập và so sánh chúng với các hạt cát được tìm thấy trong phổi của xác ướp. Ông cho biết cát từ sa mạc bị xói mòn và thường “đẹp và tròn”, trong khi cát sản xuất hoặc khai thác thường là “cát mới, sắc nét và góc cạnh”. Ông nói rằng, ít nhất phải mất 3 tháng mới có thể thu được kết quả từ thí nghiệm của ông.
Nghiên cứu này được trình bày tại Hội nghị Nghiên cứu Ai Cập học thường niên lần thứ 12, được tổ chức tại ĐH Durham, Mỹ vào tháng 3.