Nếu bạn đã từng tới gần và quan sát thật kỹ Người băng Ötzi (xác ướp tự nhiên 5.000 năm tuổi bị đóng băng ở vùng Anpơ, nổi tiếng với các hình xăm và lời nguyền xác ướp), bạn sẽ nhận thấy có những đốm xanh nhỏ li ti trên da của xác ướp này.
Lúc đầu, chúng xuất hiện như những tinh thể màu xanh kỳ quặc ở trên da của Ötzi khi ông chết do băng giá hoặc do một số vết thương trên cơ thể, nhưng nó thật ra là một khoáng vật có tên vivianite (hoặc quặng sắt xanh) và khoáng vật này được hình thành khá thường xuyên trên các xác chết được bỏ lại ở môi trường giàu sắt.
Khoáng vật vivianite.
Đối với Ötzi, các đốm nhỏ vivianite được hình thành là do xác chết nằm gần những tảng đá có chứa quặng sắt, nhưng một số trường hợp khác sự xuất hiện vivianite còn mãnh liệt hơn.
Theo Chris Drudge ở báo Atlas Obscura, một người đàn ông tên là John White đã được chôn cất trong một chiếc quan tài bằng gang vào trước năm 1861. Vào thời điểm đó, quan tài thường có một cửa sổ bằng kính để người thân có thể nhìn vào bên trong ngay cả khi nắp quan tài đã đóng trong suốt đám tang.
Một thời gian sau khi chôn cất, cửa sổ đó bị vỡ, cho phép nước ngầm tràn vào bên trong quan tài bằng gang và tác động tới cơ thể ông ta.
Hơn một thế kỷ sau đó, White đã được khai quật do biến động đất đai trong khu vực. Đó là một cú sốc đối với tất cả mọi người xung quanh, họ thấy cơ thể của ông chuyển hoàn toàn thành màu xanh với nhiều tinh thể vivianite lớn màu xanh được hình thành trên cơ thể ông và bên trong quan tài.
Hình ảnh của khoáng vật vivianite trên một mẩu xương được chôn vùi trong cát.
Vivianite cũng được tìm thấy trên các hài cốt của binh sĩ Mỹ thiệt mạng trong một vụ tai nạn máy bay ở Việt Nam. Các nhà nghiên cứu đã có thể giải thích được sự xuất hiện của khoáng vật là do các binh sĩ đã gần như được chôn cất ở vùng đất ẩm cùng với những mảnh vỡ máy bay của họ, điều đó cho phép vivianite được hình thành.
Đây chỉ là một vài ví dụ trong rất nhiều trường hợp khác mà các nhà khảo cổ đã chứng kiến sự xâm lấn của khoáng vật trên các xác chết được khai quật.
Có thể nói, tất cả là do phản ứng hóa học của phốt phát (PO43-) với sắt và nước. Trong khi cơ thể chúng ta được tạo thành từ nhiều phân tử khác nhau, điều quan trọng nhất cho việc hình thành vivianite là phốt phát, may mắn thay đó là chất được tìm thấy trên khắp cơ thể người.
"Phốt phát xuất hiện trong xương cứng và răng, giúp gắn kết DNA và RNA, nó được các tế bào sử dụng để lưu trữ và di chuyển năng lượng xung quanh cũng như giúp tổ hợp rất nhiều loại protein", Drudge giải thích.
Vì vậy, khi một người chết đi và bắt đầu quá trình phân hủy, tất cả số phốt phát này rò rỉ ra môi trường xung quanh xác chết.
Nếu môi trường này ẩm ướt và chứa đầy sắt, giống như quan tài của White hay ngôi mộ băng của Ötzi, phốt phát sẽ tác dụng với các phân tử khác để tạo thành khoáng vật vivianite.
Các nhà khoa học đang khai quật một bộ hài cốt.
Khi mới hình thành, các tinh thể này không màu nhưng khi chúng tác dụng với oxi trong không khí, chúng nhanh chóng có màu xanh. Điều đó tạo nên một cảnh tượng kỳ lạ đối với bất kỳ ai tìm thấy các xác chết sau đó.
Sự hình thành của vivianite vừa có thể trở thành tin tốt vừa trở thành tin xấu đối với các nhà khoa học đang cố gắng tìm hiểu về các bộ hài cốt. Ví dụ, sự hình thành vivianite có thể giúp hiểu sâu hơn về thành phần của đất nơi chôn cất và cách thức mà xác chết được chôn cất như thế nào.
Mặt khác, nếu đang nghiên cứu để cố gắng phân tích DNA của xác chết, vivianite có thể là một lời nguyền, bởi nó có thể ngăn cản một phương pháp nghiên cứu thông thường được gọi là chuỗi phản ứng polymerase (PCR).
PCR bao gồm việc thu thập một số mẫu DNA và sao chép chúng ra nhiều lần đủ để các nhà nghiên cứu phân tích. Nhưng khi vivianite đã tổng hợp hết phốt phát, nó có thể ngăn cản phản ứng xảy ra.
Vì vậy, lần sau khi bạn đọc về một nhà khảo cổ phát hiện và thấy những đốm màu xanh, biết rằng nó là vivianite và hi vọng rằng nghiên cứu của đội không bao gồm việc phân tích DNA của hài cốt.
Một điều thú vị nữa, bạn cũng có thể xem xét lại nơi bạn đã chọn để yên nghỉ, nếu đó là một nơi ẩm ướt và giàu sắt.