Các nhà nghiên cứu vừa khám phá ra thành phần cấu tạo nên loại khoáng vật có màu hồng được tìm thấy trên Mặt trăng cách đây 5 năm.
Vào năm 2009, nhà nghiên cứu hành tinh Carle Pieters thuộc ĐH Brown (Mỹ) cùng nhóm dự án Khoanh vùng Khoáng vật Mặt trăng của NASA đã phát hiện ra một loại khoáng vật nhôm và magie - được gọi là đá Spinel, có màu sắc đỏ hồng giống như hồng thạch.
Dựa vào việc phân tích thành phần cấu tạo, nhóm nghiên cứu đã tiến hành chế tạo một mẫu đá tương tự trong phòng thí nghiệm, nhằm tìm hiểu về cơ chế và các điều kiện địa chất giúp hình thành loại khoáng vật quý hiếm trên Mặt trăng.
Tinh thể Spinel hồng nằm bên trong khoáng vật plagioclase - là một nhóm khoáng vật silicat thuộc họ feldspar rất phổ biến trên Mặt trăng. (Feldspa là yếu tố giúp Mặt trăng có ánh sáng trắng khi tỏa sáng).
Kết quả chỉ ra rằng, Spinel có liên hệ với loại đá giàu magie cổ, với niên đại khoảng 4,1 tỉ năm, được gọi là Mg-suite, từng được mang về bởi các nhà du hành tàu Apollo.
Đá Mg-suite rất giàu Magie, Kali cùng một số nguyên tố hiếm gặp khác. Loại đá này từng là một phần của Mặt trăng nguyên bản, cho đến khi bị tác động và nghiền nát bởi thiên thạch.
“Đá Mg-suite đại diện cho các hoạt động địa chất, tuy nhiên hiện nay không thấy dấu vết của dung nham trên Mặt trăng”, Tabb Prissel - tác giả đứng đầu nhóm nghiên cứu tại ĐH Brown cho biết.
Để tạo ra loại Spinel hồng này, Prissel đã nung chảy hỗn hợp nhiều loại bột thành phần của đá Mặt trăng, thử nghiệm các mẫu vật ở áp suất khác nhau nhằm biết được hiện tượng của đá khi nằm dưới các lớp vỏ trên Mặt trăng.
Prissel phát hiện ra 2 thành phần hợp lý nhất để tạo nên loại hồng thạch này: loại đá trên lớp vỏ Mặt trăng plagioclase, và loại giống với đá Mg-suite. Ông cho rằng Mg-suite khi tan chảy, hòa lẫn với khoáng thạch vỏ mặt trăng, khi nguội đi sẽ tạo thành đá Spinel hồng.