Người Ai Cập cổ đại được biết đến với nhiều thành tựu như ướp xác, kim tự tháp vĩ đại, hệ thống chữ viết tinh vi và niềm tin vào thế giới bên kia. Chú trọng tới cái chết và sự sùng kính đối với nhiều vị thần là đặc trưng nổi bật trong nền văn hóa này, vậy ai là thần chết của Ai Cập cổ đại?
Trong khi Osiris thường được coi là thần của thế giới ngầm hoặc thần chết của Ai Cập, các chuyên gia cho rằng, câu chuyện về thần chết không đơn giản như vậy.
Sẽ là sai lầm khi gọi Osiris là thần chết, Andrea Kucharek, người chỉ đạo một dự án tại Đại học Heidelberg ở Đức nghiên cứu các văn bản nghi lễ của Osirian, cho biết.
Một hình minh họa cổ điển từ Papyrus of Ani cho thấy Osiris (trái) và Isis (phải) trên một cuộn giấy có chữ tượng hình từ khoảng năm 1250 trước Công nguyên, trong Vương triều thứ 19 của Vương quốc Mới.
Ông nói: "Thần chết không mang lại hoặc gây ra cái chết mà là ông chủ của những người đã chết. Trên thực tế, thần chết cũng là một vị thần của sự sống, đảm bảo khả năng sinh sản của thực vật, động vật và con người".
Người Ai Cập cổ đại xem Osiris như một vị thần đặc biệt, sau khi ông "chết", cuộc sống của ông đã được hồi sinh theo nghi thức.
Nhiều vị thần Ai Cập có liên quan đến cái chết
Các vị thần Ai Cập khác có liên quan đến cái chết, chẳng hạn như Anubis, Horus, Hathor và Isis. Tuy nhiên, sẽ không chính xác nếu gọi bất kỳ ai trong số họ là thần chết. Anubis đầu chó là một vị thần đặc biệt quan trọng gắn liền với người chết. Emily Teeter, một nhà Ai Cập học và nhà nghiên cứu tại Đại học Warsaw, Ba Lan, cho biết.
Trong thần thoại Ai Cập, Anubis thực hiện lần ướp xác đầu tiên, Laura Ranieri Roy, người sáng lập và giám đốc của Ancient Egypt Alive, cho biết.
Nhà Ai Cập học Martin Bommas, giám đốc Bảo tàng Lịch sử Đại học Macquarie ở Úc, lại cho rằng, người Ai Cập cổ đại không sùng bái thần chết, và do đó họ không tôn thờ thần chết.
John Baines, một giáo sư chuyên về Ai Cập học tại Đại học Oxford, Anh cho rằng: "Có một vị thần Ai Cập cổ đại được gọi là “Thần chết, Vị thần vĩ đại”, nhưng vị thần này cực kỳ hiếm khi được chứng thực và không phải là một vị thần tốt".
Một trong số rất ít trường hợp mà vị thần bí ẩn này được ghi lại xuất hiện trên một tờ giấy cói có niên đại khoảng 3.000 năm trước, đến triều đại thứ 21. Tờ giấy này cho thấy một con rắn có cánh với hai cặp chân người và đầu người, đuôi của nó giống như đầu chó rừng, Françoise Dunand, giáo sư danh dự lịch sử tại Đại học Strasbourg ở Pháp, và Christiane Zivie-Coche, giám đốc danh dự của các nghiên cứu tại École Pratique des Hautes Etudes, cũng ở Pháp, đã viết trong cuốn sách của họ "Các vị thần ở Ai Cập: 3000 TCN đến 395 CN” (Nhà xuất bản Đại học Cornell, 2004).
Chữ viết trên tờ giấy cổ cho biết vị thần này được gọi là "thần chết, vị thần vĩ đại tạo ra các vị thần và loài người". Dunand và Zivie-Coche đã viết trong cuốn sách của họ rằng, có thể người viết vào tờ giấy này đã cố gắng tạo ra "Thần chết, Vị thần vĩ đại" này nhưng không bao giờ thành công.
Tóm lại, trong khi người Ai Cập tôn vinh các vị thần dành riêng cho người chết và ướp xác, nhưng bản thân ý tưởng về một vị thần dành riêng cho cái chết chưa bao giờ có đời sống của riêng nó.