Lựa chọn bạn giao phối: sự trung thực đem lại hiệu quả tốt hơn

  •  
  • 1.243

Trong thế giới động vật, màu sắc lấp lánh hay hành động phô trương cầu kì giống như những quảng cáo nhằm thu hút bạn giao phối. Nhưng những quảng cáo đó thực sự hứa hẹn điều gì, và có thể tin được bao nhiêu phần trăm trong đó? Các nhà nghiên cứu tại Đại học Yale (Mỹ) cho rằng khi con đực buộc phải quan tâm tới sự sinh tồn của thế hệ con cái, khi đó, tín hiệu mà nó phát ra là hoàn toàn trung thực và đáng tin cậy. Con đực dành nhiều sức lực của nó để quan tâm tới con con hơn là chăm chút cho vẻ ngoài hấp dẫn.

Việc con đực phô bày những đặc tính ưu việt nhất của mình nhằm thu hút con cái không phải là điều gì mới mẻ. Và người ta cũng biết rằng con đực có thể “ăn gian” trong những chiêu quảng cáo tiếp thị bản thân đó. Ở đây, điều đáng bàn mà Natasha Kelly, cử nhân về sinh thái và sinh vật học tiến hoá tại Đại học Yale, tác giả của nghiên cứu này đưa ra là lập luận xác đáng về yêu cầu trung thực trong việc phô trương nhằm đảm bảo chức năng làm bố của con đực.

Màn trình diễn của con công đực nhằm thu hút bạn giao phối. (Ảnh: iStockphoto/Jennifer Daley)
Cái đuôi hình quạt lộng lẫy của con công đực hay điệu bộ lịch thiệp quyến rũ của một anh chàng trong quán bar giống như những chiêu tự quảng cáo. Việc trưng diện để quyến rũ bạn tình tiêu hao không ít năng lượng. Khi đã sử dụng quá nhiều năng lượng vào việc duy trì vẻ ngoài thật hấp dẫn, năng lượng dành cho việc quan tâm tới con con sẽ ít đi. Chỉ có những loài mà con đực không cần phải bận tâm về chăm sóc con con thì việc con đực có tốn công phô trương thế nào cũng không ảnh hưởng gì đến duy trì nòi giống.

Nghiên cứu trước đây gợi ý rằng, trong những hoàn cảnh nhất định, con đực có thể “tiếp thị gian” về kĩ năng nuôi nấng con cái nhưng chúng vẫn thành công trong việc sinh sản.
Trên trang trực tuyến Proceedings of the Royal Society B, mô hình mới trong nghiên cứu này kiểm nghiệm mức độ đáng tin cậy của những tín hiệu giao phối của con đực khi chúng phải chăm sóc cho con con - một khía cạnh bị bỏ qua trong nghiên cứu trước đó.

Ở nhiều loài, con cái có trách nhiệm phải nuôi con; vì vậy, mặc dù con đực có thể nhưng chúng không phải làm việc đó. Các nhà nghiên cứu tại Đại học Yale tập trung nghiên cứu những loài mà con cái không thể nuôi con và con đực buộc phải làm công việc đó để duy trì nòi giống. Ví dụ điển hình của trường hợp này là giống cá gai (stickleback fish).

Suzanne Alonzo, tác giả cấp cao của nghiên cứu, trợ lý giáo sư khoa sinh thái và sinh vật học tiến hoá, Đại học Yale cho biết “Công trình mới này cho thấy khi con đực buộc phải chăm sóc con con, sự phô diễn của chúng sẽ cho thấy một cách đáng tin cậy liệu chúng có thể chăm sóc con con được tốt hay không.”

“Trong trường hợp này, con đực đứng yên lặng trong một góc có thể hứa hẹn về khả năng làm bố tốt hơn.”
Kelly cho biết.

Nghiên cứu này được Quỹ khoa học quốc gia Mỹ và Đại học Yale tài trợ.

Tham khảo:

Kelly et al. Will male advertisement be a reliable indicator of paternal care, if offspring survival depends on male care? Proceedings of The Royal Society B Biological Sciences, 2009; DOI: 10.1098/rspb.2009.0599

G2V Star (Theo ScienceDaily)
  • 1.243