Nhà khoa học bắt được "cá hóa thạch sống" cực hiếm thấy

  •  
  • 801

Một con cá "đen như hắc ín, có vảy bọc thép và miệng đầy răng" được nhà khoa học bắt trên sông Choctawhatchee.

Cá hóa thạch sống với màu sắc hiếm thấy bị bắt trên sông Choctawhatchee.
Cá hóa thạch sống với màu sắc hiếm thấy bị bắt trên sông Choctawhatchee. (Ảnh: FWC)

Trong bài đăng trên Facebook vào hôm 22/6, Viện nghiên cứu Cá và Động vật hoang dã Florida (FWC) cho biết con vật như bước ra từ bộ phim viễn tưởng Công viên kỷ Jura được các nhà khoa học tìm thấy trong lúc đi thuyền thám hiểm sông Choctawhatchee ở phía tây Florida, cách thành phố Tallahassee khoảng 160 km.

Sự khác thường của sinh vật khiến nhóm thám hiểm phải dừng lại và cố gắng bắt sống nó để kiểm tra. Họ kết luận đó là một con cá vây tia mũi dài Lepisosteus osseus mắc chứng "hắc tố hóa". Nói cách khác, sinh vật này là một loài cá đã được biết đến nhưng mang màu sắc dị thường.

Theo Daily Star, cá vây tia mũi dài thường "có màu ô liu rám nắng, với những đốm nâu trên khắp cơ thể", nhưng mẫu vật trên sông Choctawhatchee lại có màu đen rất hiếm thấy.

Chứng hắc tố hóa khiến con cá vây tia có màu đen khác thường.
Chứng hắc tố hóa khiến con cá vây tia có màu đen khác thường. (Ảnh: FWC)

FWC giải thích rằng bệnh hắc tố hóa hay nhiễm hắc tố - đặc trưng bởi sự tích tụ quá nhiều melanin - đã khiến màu da và vảy của con cá sẫm lại. Hội chứng này tương đối hiếm ở động vật và không được quan sát thấy thường xuyên. Sau khi kiểm tra, con cá vây tia đã được thả trở lại tự nhiên.

Cá vây tia Lepisosteus osseus được mệnh danh là "hóa thạch sống" vì đã hiện diện trên Trái Đất từ khoảng 100 triệu năm trước. Ngày nay, chúng sinh sống chủ yếu tại các con sông và dọc theo bờ biển phía đông Bắc Mỹ và Trung Mỹ. Loài cá nguyên thủy này thường dài từ 0,7 đến 1,2 m khi trưởng thành, nhưng một số mẫu vật có thể đạt 1,8 m.

Cập nhật: 06/07/2022 VnExpress
  • 801