Chú chó Finley Molloy được ghi vào kỷ lục Thế giới Guinness nhờ ngậm vừa một lúc... 6 quả bóng tennis. Nhưng đây chưa phải kỷ lục đáng nể nhất.
Ắt hẳn đã từng một lần, chúng ta tự hỏi rằng loài động vật nào có miệng lớn nhất (dựa theo kích thước cơ thể)?
Hóa ra, chưa hề có sự đồng thuận khoa học nào về đặc điểm khá thú vị này. Tuy nhiên, dưới đây là một số ứng cử viên nổi bật.
Chú chó Finley Molloy được ghi vào kỷ lục Thế giới Guinness nhờ ngậm vừa một lúc... 6 quả bóng tennis. (Ảnh: BP)
Đầu tiên, phải kể tới các loài thú gặm nhấm như chuột đồng, chuột túi và một số loài khỉ. Trong đó, tiêu biểu là chuột hamster với phần má của nó hoạt động giống như một cái túi, có thể chứa tới 20% trọng lượng toàn bộ cơ thể của con vật.
Miệng của rắn thậm chí còn có thể co giãn nhiều hơn nữa, vì đôi khi chúng ăn trọn một bữa chỉ với một nhát cắn lớn.
Một trường hợp được Live Science đưa tin vào năm 2018, ghi nhận một con trăn Myanmar đã căng miệng đủ rộng để nuốt một con hươu đuôi trắng trưởng thành.
Để làm được điều này, hàm của rắn có cấu trúc được kết nối với dây chằng linh hoạt, chứ không phải với hộp sọ của chúng.
Trăn rắn có thể nuốt trọn con mồi lớn hơn nhiều so với kích thước cơ thể của chúng. (Ảnh: iStock).
Tiếp đến, không thể không kể tới loài động vật có vú lớn nhất hành tinh: Cá voi. Theo đó, cả cá voi xanh và cá voi vây (loài cá voi lớn thứ 2 thế giới) đều có thể căng miệng để nuốt một lượng lớn nước biển, trong đó có chứa nhiều thức ăn như nhuyễn thể, cá...
Theo Alexander Werth, giáo sư sinh học và nhà nghiên cứu cá voi tại Đại học Hampden-Sydney ở Virginia, một con cá voi xanh trưởng thành có khả năng ngậm vào miệng khoảng 26.000 gallon (tương đương 100.000 lít) nước trong một thời điểm.
Bồ nông có cái mỏ khổng lồ, giúp nó dễ dàng săn mồi trên mặt biển, mặt hồ. (Ảnh: JDM)
Bồ nông thì đại diện cho họ nhà chim, khi chúng sở hữu cái mỏ có thể mở rộng để chứa một lượng lớn nước, cũng như thức ăn.
Theo ADW, bồ nông nâu (tên khoa học: Pelecanus mysidentalis) có thể chứa tới 11 lít nước trong mỏ của chúng, lớn gấp 3 lần so với thể tích mà bồ nông có thể chứa trong bụng.
Một giống loài khác có cái miệng khá giống với bồ nông, là cá chình mỏ - hay còn gọi là cá chình bồ nông (tên khoa học: Eurypharynx pelecanoides).
Nó là giống loài sống dưới đáy đại dương sâu thẳm, ở độ sâu khoảng 3.000 mét. Khi cần thiết, miệng của nó có thể mở rộng với diện tích gấp 5 lần cơ thể.
Loài cá Eurypharynx pelecanoides sở hữu cái miệng khổng lồ, gợi nhớ tới mỏ của bồ nông. (Ảnh: Wikipedia).
Theo các tài liệu khoa học, loài cá này có phương thức săn mồi khá giống với cá voi, đó là ngậm một lượng nước lớn trong miệng, sau đó từ từ bơm dần lượng nước thừa ra bên ngoài dựa trên vô số răng sắc nhọn.
Cá chình bồ nông Eurypharynx pelecanoides cũng được tạm coi là loài có cái miệng rộng nhất hành tinh theo danh sách này, mặc cho dáng vẻ kỳ dị của chúng.