Những ngộ nhận kỳ quặc trong khoa học

  •  
  • 7.116

Lịch sử khoa học của loài người ghi dấu không ít sai lầm. Phải mất một thời gian dài những quan niệm sai lầm mới được nhận ra. Tuy nhiên, chính những sai lầm ấy đã trở thành tiền đề cho các thành tựu phát triển khoa học về sau.

Bất ngờ với những ngộ nhận kỳ quặc trong lịch sử nghiên cứu khoa học

"Soi" hộp sọ để xác định cá tính

Vào thế kỷ 19 có một lý thuyết khoa học rất thịnh hành, đó là khoa tướng sọ. Theo đó, người ta có thể phát hiện ra những năng lực về trí tuệ và cá tính của con người thông qua hình dáng của hộp sọ cùng với những khối u, cơ và những điểm bất thường của nó.

Năm 1809, người sáng tạo ra lý thuyết này là Franz Joseph Gall đã thiết lập một bản đồ bộ não, định vị rõ ràng 27 cơ năng của não như sự kiêu hãnh, lòng tốt, tình yêu, năng khiếu tính toán, sở thích quyền lực, năng khiếu mô phỏng, khuynh hướng sát nhân...


Các phần trên bộ não từng được "quy hoạch" và gắn tên theo các tính cách của con người.

Cộng đồng khoa học tỏ ra rất quan tâm đến lý thuyết này, còn công chúng thì hâm mộ đến điên cuồng. Người ta đua nhau mở hàng loạt văn phòng thực hành khoa tướng sọ, đo đạc bộ não để đánh giá các nét cá tính hoặc năng lực của đối tượng.

Khi ấy, Gall được xem là một trong những nhà giải phẫu học nổi tiếng nhất, người đã đi tiên phong trong việc lưu ý là bộ não chứa đựng những cơ quan chuyên biệt, được định vị một cách chính xác và có khả năng đáp ứng với những chức năng tinh thần khác nhau. Theo ông, mỗi cơ quan tạo ra một áp lực nào đó lên hộp sọ và in dấu vết lên đó.

Ngày nay, người ta dễ dàng nhận ra sai lầm của Gall vì không thể đánh giá năng lực của một người dựa vào hộp sọ. Nhưng mặt khác, cần ghi công của ông trong việc xác định rằng, mỗi vùng trong não của chúng ta có liên quan đến một chức năng riêng biệt nào đó của cơ thể.

Tinh trùng của... các bà

Giữa thế kỷ 18, một cuộc tranh cãi dai dẳng đã diễn ra trên 100 năm giữa phái "vi động vật" và phái "trứng". Theo đó, phái “vi động vật” cho rằng, các vi động vật đang ngọ nguậy trong tinh dịch là những cái phôi cực nhỏ thuộc riêng về người cho và chỉ cần khu trú một thời gian trong bụng người mẹ để phát triển.

Còn phái "trứng" thì chủ trương ngược lại. Theo họ, bào thai đã hình thành trước trong trứng của người mẹ và trỗi dậy dưới sự tác động của tinh dịch để lớn lên. 


Vì nhìn thấy tinh trùng trong con chó cái, Georges Louis Lectere cho rằng: tinh trùng là yếu tố di truyền mà cả giống đực và giống cái đều có như nhau.

Điều có thể thấy rõ là cả hai phái đều không giải thích được lý do tại sao trẻ sinh ra thường giống cả cha lẫn mẹ chúng. Vì thế, quả banh lại nằm trong sân của những người theo thuyết biểu sinh, trong đó có nhà khoa học Georges Louis Lectere.

Đối với họ, đứa con là sản phẩm của chung cha mẹ, xuất phát từ sự pha trộn giữa tinh dịch của cha và... tinh dịch của người mẹ. Cái mà Lectere gọi là tinh dịch của giống cái không phải là trứng mà là chất tiết ra từ buồng trứng, tương tự như tinh dịch của giống đực.

Bằng kính hiển vi, Lectere phát hiện một đám tinh trùng trong bụng của một con chó cái ở giai đoạn tiết dục mà ông mô tả là: "những thân mình cử động có đuôi" và cho rằng đó chỉ có thể là những con tinh trùng của phái nữ. Do đó, ông đã đưa ra một kết luận: Tinh trùng hiện diện cả trong cơ thể của đàn ông lẫn đàn bà!

Nói đúng ra, ngay từ khi ấy, Buffton đã nắm được những yếu tố của một câu trả lời chính xác, nhưng phải chờ một thế kỷ rưỡi sau, nhà giải phẫu học người Đức là Oskar Hertwig mới tìm ra sự thật: Sự thụ tinh là sự kết hợp giữa một trứng và một tinh trùng.

Vắc xin dại là con dao hai lưỡi

Một ngày tháng 7/1885, bà mẹ của cậu bé Joseph Meister, 9 tuổi đã hoàn toàn tuyệt vọng. Con trai bà bị chó dại cắn với vết thương rất nặng. Bà chạy vội đến nhà Pasteur và cầu xin ông cứu sống Meister.

Lúc bấy giờ, nhà khoa học đã thành công trong khoảng 50 lần thử nghiệm vắc xin phòng bệnh dại trên chó. Nhưng với con người lại là một chuyện khác. Trước tình thế nguy kịch, ông đã quyết định thử nghiệm lần đầu tiên với cậu bé 9 tuổi này. Thật may mắn, Pasteur đã thành công. Và họ biết rằng, vì không cô lập được virus bệnh dại (loại virus không thể nhìn thấy qua kính hiển vi thời đó), Pasteur phải chích lấy tủy sống của những con thỏ bị bệnh dại để điều chế vắc xin.


Đến ngay cả khi qua đời, nhà khoa học Pasteur cũng không nhận ra vắc xin bệnh dại mà ông chế tạo là một lưỡi dao nguy hiệm đối với mạng sống của con người.

Viện Hàn lâm khoa học Pháp nhiệt liệt biểu dương ông và không lâu sau, cả thế giới chấn động về điều này. Viện Pasteur được khánh thành năm 1888, thực hiện tiêm phòng vắc xin phòng dại miễn phí cho hàng chục ngàn người. 

Từ khi Viện Pasteur được thành lập, trên cả nước Pháp, các ca tử vong vì bệnh dại giảm hẳn. Tuy nhiên, cũng từ khi ấy xuất hiện nhiều ca tử vong vì một căn bệnh bí hiểm liên quan đến hệ miễn dịch. 

Lúc bấy giờ, không có một bác sĩ hay nhà sinh học nào cùng thời đại với Pasteur nhận ra rằng, ngoài công hiệu tuyệt vời, vắc xin phòng dại còn có thể gây tai biến. Càng không ai nghi ngờ rằng, những ca tử vong vì căn bệnh bí hiểm kia có liên quan đến các mũi tiêm phòng dại. 

Hậu quả là nhiều tháng sau khi tiêm phòng vắc xin, một số người không chết vì bệnh dại mà chết vì hội chứng Landry, một chứng bệnh nguy hiểm cho hệ miễn dịch do tủy sống của loài thỏ gây ra. Pasteur đã mất trước khi chuyện buồn này được phát hiện, vì vậy, ông không hề biết rằng vắc xin phòng bệnh dại của ông dù cứu nhiều mạng sống nhưng cũng đã làm chết người. 

Mãi đến năm 1932, hội chứng Landry mới được các nhà nghiên cứu ở Viện Pasteur làm rõ.

Theo Khoa học và Đời sống
  • 7.116