Ngày 25/10, Viện Khảo cổ học và Trung tâm Bảo tồn di sản di tích Quảng Nam công bố đã tìm thấy dấu vết những kiến trúc đền tháp sâu dưới lòng đất khu di sản thế giới Mỹ Sơn, hé mở về một Mỹ Sơn còn cổ kính hơn quần thể di tích được biết đến.
Trong khuôn khổ chương trình khai quật khảo cổ tại Mỹ Sơn, nhóm chuyên gia đã phát hiện những kiến trúc đền tháp cổ kính bị đổ nát ở phía đông nhóm tháp D hiện nay, nằm sâu dưới 0,9-1,1m so với mặt đất nền khu tháp D.
Tiến sĩ Lê Đình Phụng ở Viện Khảo cổ học, chủ trì nhóm chuyên gia, cho biết các kiến trúc được tìm thấy dưới lòng đất không hề có mối liên quan với các kiến trúc đền tháp trên mặt đất.
Dấu vết đổ nát còn nằm trong tình trạng nguyên vẹn, những dải gạch xếp lớp kéo dài và các khối trang trí còn nguyên trạng cho thấy chúng có niên đại trước các kiến trúc hiện còn. Bước đầu, các nhà khảo cổ nhận định các công trình có niên đại khoảng đầu thế kỷ 9.
Tuy dấu tích để lại ở Mỹ Sơn có niên đại khá sớm, từ cuối thế kỷ 4 đến đầu thế kỷ 5, nhưng từ trước đến nay, các nhà khoa học mới chỉ tiếp cận các công trình kiến trúc thuộc các nhóm tháp B, C và D, đa phần có niên đại từ thế kỷ thứ 10 trở đi.
Các chuyên gia khảo cổ khẳng định kết quả đợt khai quật đã phần nào hé mở một Mỹ Sơn cổ dưới lòng đất, mở ra hướng đi tìm hiểu sâu hơn, toàn diện hơn về di sản thế giới Mỹ Sơn.
Các chuyên gia cũng thu được hơn 445 hiện vật là bộ phận của một công trình kiến trúc bằng đá đã bị đổ. Theo kết luận ban đầu, đây là đế của một tháp đá, quy mô nhỏ và có cùng niên đại với tháp B1 (khoảng cuối thế kỷ 13).
Kết quả khai quật cũng cho thấy, tầng đất tại Mỹ Sơn có đặc điểm dễ trôi trượt, địa hình xoải xuôi, nên hầu hết các công trình kiến trúc bị lún nghiêng về phía lòng suối khe Thẻ, dẫn đến bị sập đổ. Vì thế, theo nhóm khảo cổ, cần phải khảo sát địa tầng xung quanh các nhóm tháp để đưa ra giải pháp kỹ thuật chống nghiêng lún, bảo vệ các di tích hiện còn.
Chương trình khai quật khảo cổ học Mỹ Sơn, được triển khai từ năm 2002 trong khuôn khổ dự án do Quỹ Di sản Thế giới tài trợ kinh phí.