Robot thám hiểm sao Hỏa hỏng một bộ cảm biến

  •  
  • 949

Sự cố đầu tiên trong nỗ lực thám hiểm sao Hỏa đã xảy ra hôm qua sau khi một cảm biến gió của thiết bị Curiosity ngừng hoạt động.

Một cảm biến gió trên cột của Curiosity hỏng.
Một cảm biến gió trên cột của Curiosity hỏng.

Cơ quan Hàng không vũ trụ Mỹ (NASA) vẫn chưa tìm ra nguyên nhân khiến một trong cảm biến gió trên cột của Curiosity hỏng. Nhưng các chuyên gia kỹ thuật phỏng đoán rằng một số hòn đá trên bề mặt sao Hỏa đã văng trúng cảm biến khi Curiosity đáp xuống hành tinh này vào ngày 5/8. Họ khẳng định đây không phải là sự cố lớn. Nó chỉ làm giảm chất lượng hoạt động thu thập dữ liệu gió, nhưng không ngăn cản hoàn toàn việc thu thập dữ liệu, BBC đưa tin.

Javier Gomez-Elvira, một trong các chuyên gia phụ trách kỹ thuật của Curiosity, hy vọng ông sẽ tìm ra một giải pháp để khắc phục hậu quả của sự cố.

Hệ thống nghiên cứu thời tiết là một thiết bị do Tây Ban Nha đóng góp cho Curiosity. Nó đo nhiệt độ trong không khí và trên mặt đất, áp suất không khí, tốc độ gió, lượng bức xạ cực tím mà sao Hỏa nhận từ mặt trời. Những thông số đó được thu thập bởi nhiều cảm biến của Curiosity, bao gồm hai cảm biến gió trên cột của robot.

Curiosity, tên của robot thám hiểm sao Hỏa, đáp xuống hành tinh đỏ vào ngày 5/8. Một trong những nhiệm vụ của Curiosity là tìm hiểu môi trường của núi Sharp trong giai đoạn núi hình thành. Ngoài ra nó còn phải tìm kiếm bằng chứng về sự tồn tại của vi khuẩn trong quá khứ của sao Hỏa. Nhiều bức ảnh do vệ tinh nhân tạo chụp cho thấy các lớp trầm tích dưới chân núi Sharp có thể chứa nhiều nước, loại vật chất thiết yếu đối với sự tồn tại của sinh vật sống.

Theo VNE
  • 949