Sinh viên IT loay hoay định hướng nghề nghiệp

  •  
  • 923

Tìm hiểu lĩnh vực trong tương lai ngay từ khi còn trên ghế nhà trường giúp sinh viên là chủ động hướng đi trong tương lai và sẵn sàng làm việc ngay khi ra trường. Tuy nhiên, thông tin cần thiết đến với họ lại quá ít ỏi. 

Chỉ còn vài tháng là Nguyễn Tiến Cường, sinh viên năm 4 tại Đại học Công nghệ - Đại học Quốc gia Hà Nội, sẽ tốt nghiệp. Chàng trai xứ Lạng này muốn trở thành một lập trình viên tại Hà Nội và tự trang bị cho mình hành trang gồm một bảng điểm tương đối “đẹp” và kinh nghiệm làm thêm tại công ty FSoft. Tuy vậy, Cường vẫn băn khoăn sẽ lấy gì là “võ ruột” của mình khi chính thức bươn trải.

Ở trường em được học rất nhiều thứ, dăm bảy ngôn ngữ lập trình, vài ba nền tảng khác nhau. Nhưng các công ty phần mềm đang sử dụng phổ biến loại ngôn ngữ nào, nền tảng nào, dạng ứng dụng nào thì không có luồng thông tin chính thức nào cả”, Cường chia sẻ. “Điều đó gây khó khăn vì sinh viên không thể thành ‘chuyên gia’ trong mọi lĩnh vực hay thông thạo mọi thứ”.

Sinh viên IT thông thạo công nghệ phổ biến dễ xin việc hơn. Ảnh: H.H.

Những lo âu của Cường cũng giống với hơn 800 bạn sinh viên đến từ nhiều trường đại học khác nhau tham gia trong buổi Hội thảo Công nghệ và Việc làm ngành IT do Đại học Công nghệ - Đại học Quốc gia Hà Nội và Trung tâm Đào tạo Hà Nội Aptech tổ chức tối 15/5. Thực tế, thuật ngữ “ngành IT” chứa đựng nhiều công việc và những chuyên môn khác nhau, từ quản trị mạng, lập trình viên, thiết kế hệ thống, bảo mật và an ninh mạng… Công nghệ thông tin cũng là nhóm ngành có tốc độ phát triển nhanh chóng. Nếu chỉ tiếp thu những kiến thức trong trường học thì không thể “nhập cuộc” ngay khi ra trường.

Trao đổi với sinh viên trong buổi hội thảo, ông Trương Xuân Nam, giám đốc Trung tâm Đào tạo Hà Nội – Aptech, cho biết sinh viên CNTT thực sự phải tham gia một cuộc đua ngay từ khi xác định nghề nghiệp mới có thể nắm bắt được công nghệ mới.

Thời điểm trước mắt, các bạn lập trình viên có thể chọn ngôn ngữ ASP.NET, Java Script và kiến thức phát triển ứng dụng trên nền web, nhưng trong tương lai sự lựa chọn đó sẽ thay đổi”, ông Nam nhận xét. Khó khăn trong tiếp cận thông tin về những công việc đang “hot” diễn ra với hầu như toàn bộ các lĩnh vực khác như quản trị mạng, phần cứng,…

Bên cạnh việc thiếu thông tin định hướng nghề nghiệp, điểm yếu của sinh viên mới ra trường được các chuyên gia đánh giá chủ yếu là thiếu kỹ năng làm việc, cụ thể là khả năng làm việc theo nhóm, thuyết trình bảo vệ ý tưởng, giao tiếp... Đây cũng có thể là nguyên nhân của việc doanh nghiệp IT “than vãn” thiếu nhân lực dù mức độ tăng trưởng nhân lực ngành này tại Việt Nam đạt đến 30% trong những năm gần đây, theo thống kê của công ty TMA Solutions.

Thiếu hụt nhân sự IT là hiện trạng chung của nhiều nước, điều đó mở ra cơ hội lớn cho các bạn trẻ theo học CNTT. Tuy nhiên, đây cũng là ngành có sự thay đổi nhanh chóng. Hướng phát triển nguồn nhân lực CNTT có chất lượng là phải có được ‘cầu nối’ để sinh viên cận được công nghệ tiên tiến, chương trình đào tạo xây dựng trên nền tảng thực tiễn và có trọng tâm”, Giám đốc TT Hà Nội Aptech kết luận.

Theo VnExpress
  • 923