Tại sao đồ điện tử mới lại có mùi lạ khi mở hộp?

  •  
  • 1.583

Bài viết sẽ lý giải tại sao lại có mùi lạ đặc trưng trên các thiết bị điện tử, xe hơi hoặc đồ nội thất và nó có độc hại với sức khỏe của chúng ta hay không?

Ắt hẳn với nhiều người, mùi lạ sau khi họ bóc hộp một sản phẩm điện tử như điện thoại, laptop đã quá quen thuộc. Thậm chí nhiều người còn cảm thấy thích thú với mùi thơm kỳ lạ đó. Nhưng tại sao lại có mùi kỳ lạ đó và tại sao nó biến mất dần theo thời gian? Bạn sẽ có câu trả lời trong bài viết này từ trang công nghệ Howtogeek.

Nhiều người còn cảm thấy thích thú với mùi thơm kỳ lạ khi bóc một hộp một sản phẩm điện tử.
Nhiều người còn cảm thấy thích thú với mùi thơm kỳ lạ khi bóc một hộp một sản phẩm điện tử.

Mùi kỳ lạ kia cũng giống như mùi của một chiếc xe hơi mới

Mùi một chiếc xe hơi mới không hề xa lạ với nhiều người. Từ các chi tiết linh kiện, nội thất bên trong đều tỏa ra một múi khá lạ. Nó cũng là yếu tố quan trọng xác nhận một chiếc xe có mới hay không. Nhưng hóa ra, nó thực chất là mùi của những hóa chất có thể sẽ gây hại cho sức khỏe của bạn nếu hít phải quá nhiều.

Hãy chú ý, trong một chiếc xe hơi mới có chứa đủ thứ chất kết dính, chất chống cháy và chất hóa dẻo. Những hóa chất này có trong xe của bạn vì những lý do chính đáng nhưng chúng cũng chứa một loạt các hợp chất hữu cơ dạng rắn hoặc lỏng dễ bay hơi (VOCs).

Mùi một chiếc xe hơi mới không hề xa lạ với nhiều người
Mùi một chiếc xe hơi mới không hề xa lạ với nhiều người.

VOC là một dạng hợp chất bay hơi tự nhiên ở nhiệt độ phòng hoặc dưới nhiệt độ phòng. Ví dụ formaldehyd, một hóa chất tạo ra mùi sơn có thể bay hơi ở nhiệt độ phòng. Thoạt nghe điều này có vẻ khá đáng sợ nhưng hầu hết các VOC không độc hại như bạn tưởng. Trên thực tế, hầu hết các mùi tự nhiên đều chỉ là VOC.

Giống như xe hơi, hầu hết thiết bị điện tử cũng có lớp keo, chất chống cháy, lớp phủ bảo vệ và chất hóa dẻo. Những lớp chất hóa học này chứa đầy VOC. Chúng bay hơi ở nhiệt độ phòng và tạo ra một mùi đặc trưng của các thiết bị điện tử mới.

VOC sẽ biến mất sau một quá trình tiếp xúc với không khí

Hầu hết VOC trong các thiết bị điện tử đều bay hơi vào trong không khí mà bạn đang hít thở. Đó là lý do tại sao khi chỉ vừa mở hộp ra, bạn đã có thể ngửi ngay mùi của chiếc máy nguyên vẹn tử xưởng sản xuất.

Quá trình này thường được gọi là off-gassing hay xả khí. Đây là nguyên nhân lý giải tại sao các thiết bị điện tử cũ hay xe hơi cũ không còn mùi lạ này, ngay cả dưới nhiệt độ phòng. Được biết quá trình xả khí này diễn ra ngay từ khi sản phẩm được sản xuất trong nhà máy.

Nhưng tốc độ thoát khí này bị hạn chế đáng kể khi máy được đóng hộp và dán seal. Nói cách khác, tốc độ thoát khí chính là yếu tố quyết định mùi của một thiết bị điện tử có giữ được lâu hay không.

Hầu hết VOC trong các thiết bị điện tử đều bay hơi vào trong không khí mà bạn đang hít thở.
Hầu hết VOC trong các thiết bị điện tử đều bay hơi vào trong không khí mà bạn đang hít thở.

Cách giải thích này nghe có vẻ khá khó hiểu nhưng thực tế lại rất đơn giản. Khi bạn mua một sản phẩm mới về, dù rằng nó có thể đã được sản xuất từ rất lâu và lưu kho trước khi đến tay bạn, chúng ta vẫn có thể ngửi thấy mùi này. Lý do rất dễ hiểu bởi bên trong hộp không có bất kỳ khe hở nào để thông gió. Hộp kín khiến những VOC không thể bay hơi được mà chỉ có thể bám vào các thiết bị điện tử.

Chắc chắn có không ít người ghét mùi của VOC, đặc biệt khi nó bám trên các sản phẩm da hoặc đồ nội thất. Những người ghét VOC thường phải để sản phẩm mới bên ngoài hoặc để cửa sổ mở trên xe hơi để mùi lạ kia bay đi. Hãy nhớ rằng, càng thông thoáng, quá trình thoát khí sẽ càng nhanh chóng. Do đó nếu muốn chiếc điện thoại hoặc laptop của bạn nhanh chóng bay mùi "lạ", đừng bao giờ để nó trong một căn phòng quá kín, không có thông gió.

Tiếp xúc nhiều với VOC cũng không tốt cho sức khỏe của bạn

VOC là một dạng "chất độc" tiềm ẩn và ít khi được chú ý đến. Đó là bởi quy định của chính phủ nhiều nước yêu cầu các nhà sản xuất giới hạn lượng VOC nhất định trên mỗi sản phẩm. Nhưng việc các hãng có tuân thủ quy định đó hay không thì khó ai biết được.

Thực tế khoa học là vậy, đôi khi các chất độc hại cũng có thể coi là "an toàn" nếu được sử dụng với một lượng vừa đủ và ngược lại. Ví dụ như formaldehyd, hóa chất này không thể thiếu được với hoạt động trao đổi chất của cơ thể. Nhưng nó sẽ trở thành chất độc nếu chúng ta ăn hoặc hít phải quá nhiều trong một thời gian dài.

Việc tiếp xúc lâu dài với VOC có thể gây ra nhiều vấn đề với sức khỏe.
Việc tiếp xúc lâu dài với VOC có thể gây ra nhiều vấn đề với sức khỏe.

Nói cách khác, việc tiếp xúc lâu dài với VOC có thể gây ra nhiều vấn đề với sức khỏe của bạn. Đơn cử như tình trạng kích thích cổ họng, mắt, đau đầu và hôn mê. Nguy hiểm hơn nhiều nghiên cứu chỉ ra, việc hít phải mùi hóa chất trong xe hơi, các sản phẩm điện tử, đồ nội thất lâu dài có thể dẫn tới nguy cơ ung thư.

Thông thường một người dễ gặp phải tình trạng này nếu phải sống trong một tòa nhà mới vừa được tu sửa, xây mới không có hệ thống thông gió tốt. Điều này khiến họ thường xuyên hít phải VOC trong thời gian dài.

Tuy nhiên các triệu chứng sức khỏe trên cũng không kéo dài vĩnh viễn. Chúng ta hoàn toàn có thể loại bỏ nó bằng cách nâng cấp hệ thống thông gió, tạo luồng không khí sạch vào nhà hoặc sử dụng các thiết bị lọc không khí.

Cho đến khi bạn không thể ngửi được mùi lạ bám trên thiết bị nữa cũng là lúc quá trình xả khí hoàn tất. Nếu bạn đang lo lắng về việc mùi lạ bám trên thiết bị điện tử lúc mới mở hộp có thể ản hưởng đến sức khỏe thì hãy yên tâm, tác động của VOC chỉ xảy ra nếu bạn tiếp xúc với nó trong một thời gian dài.

Nếu muốn yên tâm hơn nữa, hãy thử bóc hộp các sản phẩm điện tử ở không gian ngoài trời và luôn mở cửa thông thoáng trong lúc mở hộp.

Cập nhật: 28/05/2019 Theo vnreview
  • 1.583