Bộ đôi tàu vũ trụ và tên lửa cao 60 m sẽ đưa 3 phi hành gia lên module lõi của trạm vũ trụ Trung Quốc, chuẩn bị ghép nối với module mới.
Tổ hợp tên lửa và tàu vũ trụ nằm gần tháp phóng. (Ảnh: CGTN)
Tàu vũ trụ chở người Thần Châu 14 đặt trên tên lửa Trường Chinh 2F được chuyển tới bệ phóng ở Trung tâm phóng vệ tinh Tửu Tuyền ở tây bắc Trung Quốc hôm 29/5, theo Cơ quan kỹ thuật không gian có người lái Trung Quốc (CMSEO).
Tàu Thần Châu 14 sẽ chở 3 phi hành gia lên module lõi Thiên Hà của trạm vũ trụ Thiên Cung vào tháng 6 trong nhiệm vụ kéo dài 6 tháng, theo Huang Weifen, trưởng thiết kế mảng hệ thống phi hành gia trong dự án vũ trụ có người lái của Trung Quốc.
Bộ đôi tên lửa và tàu vũ trụ nặng 39 tấn và cao tổng cộng gần 60 m, chậm rãi rời khỏi tòa nhà thử nghiệm lắp ráp cuối cùng và tiến đến tháp phóng sau khi di chuyển 1,5 km trên đường ray được xây dựng đặc biệt để chống rung. Sau khoảng 1,5 giờ, tên lửa và tàu vũ trụ di chuyển tới gần tháp phóng hơn và sàn quay đóng lại.
Tất cả phương tiện và thiết bị ở trung tâm phóng đều trong tình trạng tốt. Nhiều lượt kiểm tra chức năng và thử nghiệm kết hợp trước buổi phóng sẽ được tiến hành theo lịch trình. Zhang Fusheng, trưởng thiết kế hệ thống tàu vũ trụ chở người, cho biết họ sẽ hoàn thành quá trình lắp ráp cuối cùng và tất cả thử nghiệm bao gồm đổ nhiên liệu đẩy. Họ cũng sẽ thực hiện kiểm tra giao diện hệ thống trên quy mô lớn đối với hệ thống tên lửa.
Tổng cộng 6 nhiệm vụ bay vào không gian sẽ diễn ra trong năm 2022 để hoàn thành xây dựng trạm vũ trụ Thiên Cung, tạo thành tổ hợp hình chữ T trong tháng 10 tới. Sau khi phóng tàu vũ trụ chở hàng Thiên Châu 4 trong tháng 5 và tàu chở người Thần Châu 14 trong tháng 6, module thí nghiệm Vấn Thiên sẽ ghép nối với module lõi Thiên Hà trong tháng 7 và module thí nghiệm Mộng Thiên trong tháng 10. Tàu chở hàng Thiên Châu 5 và Thần Châu 15 sẽ bay lên trạm sau đó, đưa 3 phi hành tiếp theo lên làm việc ở trạm trong 6 tháng. Ngoài ra, Trung Quốc cũng lên kế hoạch phóng kính viễn vọng Xuntian (CSST) vào năm 2023.