Tìm thấy bằng chứng về sự tồn tại của vườn treo Babylon

  •   3,34
  • 20.923

Bí ẩn nhất trong tất cả 7 kì quan của thế giới cổ đại có lẽ là vườn treo Babylon, bởi các nhà khảo cổ chưa bao giờ tìm thấy bằng chứng về sự tồn tại của nó. Và lí do được đưa ra đó là: Vườn treo này hoàn toàn không nằm ở Babylon...

Theo các nguồn tài liệu của Hy Lạp cổ đại, vườn treo Babylon nằm giữa một vùng đất nắng nóng và cằn cỗi, cây cối tươi tốt phủ xuống toàn bộ khu vườn cao gần 23m trông như thác nước đang chảy, các loại cây ngoại lai, hoa cỏ cùng với hương thơm ngọt ngào thoảng qua khu vườn bách thảo được tô điểm thêm bởi các cột và tượng đá cao lớn.

Vị vua của vùng Babylon, Nebuchadnezzar II được cho là đã xây khu vườn treo xa xỉ này cho người vợ của mình, Amytis, và thế kỉ thứ 6 trước Công Nguyên, bởi vì bà quá nhớ cố hương nơi có nhiều núi cây cối xanh tươi của mình ở Media (khu vực nay nằm ở phía tây bắc Iran). Để có thể làm sống dậy một vùng giống như hoang mạc như vậy cần phải có kĩ thuật chăm bón kì công. Theo sự phỏng đoán của các nhà khoa học, hệ thống ống nước, bánh xe nước và các bể chứa đã được sử dụng triệt để mới có thể chuyển được nước từ sông Euphrates gần đó lên đến đỉnh của khu vườn.

Tìm thấy bằng chứng về sự tồn tại của vườn treo Babylon
Vườn treo Babylon theo mô tả

Các tài liệu ghi chép về vườn treo Babylon mà chúng ta biết hôm nay chỉ là bản sao chép lại vào hàng thế kỉ sau khi kì quan này được xây dựng. Nguồn tài liệu đầu tiên có lẽ đã không còn tồn tại. Hàng trăm năm qua, các nhà khảo cổ đã săn lùng tàn tích của khu vườn này. Thậm chí, vào đầu thế kỉ 20, một nhóm khảo cổ ở Đức đã mất đến 20 năm để tìm kiếm dấu hiệu của kì quan cổ đại bí ẩn này, và tất nhiên họ đã thất bại. Không một cổ vật, dấu hiệu, tàn tích của vườn treo được tìm thấy, một câu hỏi đã được đặt ra: Phải chăng kì quan trên sa mạc này đơn thuần chỉ là một ảo tưởng của người tiền sử?

Tuy nhiên, tiến sĩ Stephanie Dalley, nhà nghiên cứu tại đại học Oxford (Anh) tin rằng bà đã tìm thấy bằng chứng về sự tồn tại của kì quan huyền thoại này. Trong cuốn sách sắp được xuất bản của bà có tên “Vườn treo Babylon: vén bức màn bí ẩn của kì quan huyền thoại”, Stephanie khẳng định rằng tàn tích của vườn treo Babylon chưa bao giờ được tìm thấy, bởi vì vườn treo này lúc đầu hoàn toàn không phải được xây ở Babylon.

Tiến sĩ Stephanie đã dành rất nhiều thời gian tìm kiếm khu vườn treo và nghiên cứu các văn bản cổ đại được viết bằng chữ hình nêm. Bà tin rằng nó này đượcb xây dựng ở Nineveh, kinh đô của đế chế Assyrian, cách Babylon gần 483km về phía Bắc; và người cho xây dựng nên kì quan này chính là vị vua quyền năng của Assyrian, Sennacherib, vào đầu thế kỉ thứ 7 trước Công Nguyên, chứ không phải bởi vua Nebuchadnezzar II vào thế kỉ thứ 6 trước Công Nguyên như các học giả vẫn thường nghĩ.

Tiến sĩ Stephanie cũng là học giả nghiên cứu về ngôn ngữ của văn minh Lưỡng Hà, đã tìm thấy bằng chứng này trong bản dịch tài liệu cổ của vua Sennacherib. Theo đó, khu vườn treo là một cung điện có một không hai và là kì quan của tất cả mọi người. Vua Sennacherib cũng có đề cập đến một cái chân vịt bằng đồng thiếc – tương tự như bánh chân vịt được phát minh vào 4 thế kỉ sau đó. Và rất có thể, người xưa đã dùng bánh chân vịt này để lấy nước tưới tiêu cho khu vườn.

Trong các cuộc khai quật gần đây ở Nineveh (gần thành phố Mosul của Iraq ngày nay), các nhà khảo cổ đã phát hiện được một hệ thống ống nước to và rộng, dùng để chuyển nước từ vùng các vùng núi; và đặc biệt trên đó có khắc các chữ: “Vị vua Sennacherib của thế giới… Xuyên qua một khoảng cách rất dài, ta đã có được một nguồn nước chảy thẳng đến Nineveh".

Tiến sĩ Stephanie Dally giải thích lí do về sự nhầm lẫn vị trí của khu vườn có thể là do đế chế Assyrian xâm chiếm Babylon vào năm 689 trước Công Nguyên. Sau khi chiếm đoạt, Nineveh được xem là “New Babylon” (Babylon mới), và vua Sennacherib thậm chí đã đổi tên các cổng thành dựa vào tên các lối vào của Babylon.

Lời khẳng định của tiến sĩ Stephanie không những có thể đánh tan mọi suy nghĩ rằng vườn treo Babylon chỉ là sản phẩm của trí tưởng tượng, mà còn chứng minh được rằng khu vườn này đã bị gọi sai tên và nên được đổi thành vườn treo Nineveh”.

Theo ANTĐ
  • 3,34
  • 20.923