Uy lực pháo tự hành PzH 2000 trị giá gần 5 triệu đô của Đức

  •  
  • 1.293

Sau Pháp với pháo tự hành CAESAR, Đức cũng đã quyết định gởi pháo tự hành bọc thép Panzerhaubitze 2000 (PzH 2000) cho Ukraine. Đây cũng là hệ thống pháo hiện đại bậc nhất đang được quân đội Đức sử dụng từ năm 1998 đến nay.

Được biết Đức sẽ gởi 7 hệ thống PzH 2000 đến Ukraine cũng như hỗ trợ huấn luyện. Thông tin này được Bộ trưởng bộ quốc phòng Đức - Christine Lambrecht công bố hôm thứ 7 trong chuyến công du đến Slovakia để gặp gỡ những quân nhân Đức đang đóng tại đây.

PzH 2000 là loại pháo tự hành 155mm
PzH 2000 là loại pháo tự hành 155mm.

PzH 2000 là loại pháo tự hành 155mm được phát triển bởi Kraus-Maffei Wegman (KMW) Rheinmetall Landsysteme dành cho quân đội Đức. Hoạt động phát triển PzH 2000 bắt đầu từ năm 1986 khi Ý, Anh và Đức đã đồng ý chấm dứt chương trình pháo tự hành PzH 155-1 (SP70) hiện có do chương trình này gặp vấn đề về độ tin cậy, khiếm khuyết về thiết kế và vấn đề tài chính. Các công ty quốc phòng Đức đã được yêu cầu gởi đề xuất về thiết kế pháo tự hành dùng nòng dài 52 caliber thay cho 39 caliber theo chương trình cũ. Wegman sau cùng đã được trao gói thầu chế tạo PzH 2000, công ty sau đó sáp nhập với Kraus-Maffei tạo thành KMW.

Hoạt động phát triển PzH 2000 bắt đầu vào năm 1987, nguyên mẫu đầu tiên được công bố vào năm 1993. Quân đội Đức đã đặt mua 185 pháo tự hành PzH 2000 với những chiếc đầu tiên được chuyển giao cho quân đội Đức vào năm 1998, tiếp sau đó là xuất khẩu sang các nước như Croatia, Hy Lạp, Ý, Lithuania, Hungary, Hà Lan và Qatar.

Khẩu pháo này dùng hệ thống ghép khối nổ đẩy (charge) kiểu mô-đun (MTLS)
Khẩu pháo này dùng hệ thống ghép khối nổ đẩy (charge) kiểu mô-đun (MTLS).

Thành phần chính của PzH 2000 là pháo 155mm/L52 nòng dài 52 calibre theo tiêu chuẩn JBMOU do nhà thầu quân sự Rheinmetall thiết kế. Lòng nòng pháo được bọc chrome cho toàn bộ chiều dài 8 m và cả đầu giảm giật. Khẩu pháo này dùng hệ thống ghép khối nổ đẩy (charge) kiểu mô-đun (MTLS), tối đa 6 khối nổ. Nhờ sử dụng nhiều khối nổ đẩy ghép lại, PzH 2000 có thể đạt tầm bắn rất xa như 30 - 36 km với đạn pháo DM121 Boattail hay 40 - 47 km với đạn base bleed (loại đạn nhả khí vào vùng áp suất thấp sau quả đạn khi bay để giảm lực cản) và đến 67km với đạn pháo đẩy bằng rocket M20005 V-LAP. Ngoài ra, PzH 2000 còn có thể bắn được đạn SMArt 155 - một loại pháo thông minh mang theo 2 đầu đạn con sẽ tự giải phóng và bung dù trước khi phóng chính xác xuống mục tiêu bằng cảm biến hồng ngoại và radar sóng mm, chuyên dùng để chống các phương tiện bọc thép. Năm 2013, PzH 2000 đã được thử nghiệm bắn thành công loại đạn pháo dẫn đường tầm xa của Mỹ là M982 Excalibur.

Hệ thống kiểm soát hỏa lực của PzH có thể hoạt động ở chế độ tự động nhờ hệ thống chỉ huy và điều khiển bên ngoài qua kết nối dữ liệu bằng sóng vô tuyến mã hóa. Lúc này một máy tính MICMOS được phát triển bởi EADS (Daimler Chrysler Aerospace) sẽ kiểm soát hỏa lực, dữ liệu đạn đạo được cung cấp bởi máy tính và tháp pháo tự động xoay, điều chỉnh góc, kíp pháo cũng chỉ cần 2 người thay vì tiêu chuẩn 5 người gồm chỉ huy, lái xe, pháo thủ và 2 người tiếp đạn.

Không chỉ vậy, PzH 2000 được xem là hệ thống pháo tiên tiến nhất trên thế giới bởi nó sử dụng hệ thống Multiple Round Simultaneous Impact (MRSI). Hệ thống này cho phép pháo bắn liên tiếp 5 quả đạn pháo lên nhiều tầm cao khác nhau nhưng các đầu đạn có thể đáp trúng vào một mục tiêu gần như cùng thời điểm trong khoảng lệch 1,5 giây.

PzH 2000 là pháo tự hành nạp đạn tự động, nó có thể mang theo 60 quả đạn pháo, được nạp sẵn trên một băng chuyền và 2 người tiếp đạn có thể nạp đầy băng chuyền 60 quả này chỉ trong 12 phút. Pháo thủ chỉ cần nạp bằng tay khối nổ đẩy, phần còn lại như đặt quả pháo lên khay, nạp đạn và thông nòng đều được thực hiện tự động.

Tốc độ bắn của PzH 2000 đạt 3 viên trong 9 giây, 10 - 12 viên mỗi phút, 20 viên trong 1 phút 47 giây. Một khẩu đội 24 pháo PzH 2000 có thể nả 120 quả đạn pháo trong 60 giây.

Có một điều được lưu ý và cũng là thứ mà những người nạp đạn cho pháo PzH 2000 được huấn luyện rất kỹ đó là không có chỗ cho sai sót trong quá trình nạp luân phiên bởi chỉ một thao tác thiếu dứt khoát, họ có thể mất tay. Trong video trên các bạn có thể thấy quy trình nạp đạn tự động của PzH 2000, người nạp đạn sẽ đặt quả nổ đẩy thủ công vào họng pháo và họ chỉ có 5 giây trước khi cửa hậu đóng lại.

Hệ thống pháo có thể đạt tốc độ 60 km/h, tầm hoạt động 420km.
Hệ thống pháo có thể đạt tốc độ 60 km/h, tầm hoạt động 420km.

Hệ thống pháo được lắp trên khung gầm bánh xích với một số thành phần được mượn từ dòng tăng chiến đấu chủ lực Leopard 2, chẳng hạn như bánh xích có thể thay qua lại được. Nó cũng có vỏ thép dày chống được đạn 14,5 mm khi bị bắn trực diện và các loại vũ khí nhỏ, mảnh đạn pháo. Trong trường hợp cần có thể trang bị thêm giáp phản ứng nổ ERA. Để tự vệ, PzH 2000 còn có súng máy MG3 7,62 mm. PzH 2000 dùng động cơ diesel siêu nạp MTU MT 881 Ka-500 cho công suất 1000 mã lực và nguồn phụ để vận hành tất cả các hệ thống trong tình huống động cơ chính hỏng. Hệ thống pháo có thể đạt tốc độ 60 km/h, tầm hoạt động 420km.

PzH 2000 được tham chiến thực tế lần đầu tiên bởi quân đội Hoàng gia Hà Lan vào tháng 8 năm 2006 nhằm vào các mục tiêu của Taliban ở Kandahar, Afghanistan. Những hệ thống PzH 2000 được giao nhiệm vụ pháo kích yểm trợ trong chiến dịch Medusa. Sau đó, PzH 2000 thường xuyên được dùng để hỗ trợ quân đội liên minh ở Uruzgan, Afghanistan cũng như trong trận Chora vào năm 2007.

Cập nhật: 28/11/2024 Tinh Tế
  • 1.293