Vì sao loài chuột bạch có mặt khắp nơi trên thế giới?

  •  
  • 766

Các nhà nghiên cứu ở Trường đại học Otago, New Zealand, vừa công bố kết quả nghiên cứu trên tạp chí khoa học quốc tế “Báo cáo Khoa học”, cho biết họ đã tìm hiểu DNA lấy từ mẫu vật chuột bạch khảo cổ và phát hiện ra dấu vết cho thấy cách đây 10.000 năm, loài vật này được con người săn bắt trong tự nhiên làm thức ăn, rồi dần dần được thuần hóa và trở thành vật nuôi được nhiều người yêu thích hoặc để làm vật thí nghiệm y học.

Cách đây nhiều năm, Giáo sư Lisa Matisoo-Smith, chuyên gia ngành nhân loại học sinh vật, đã nghiên cứu DNA của các loài sinh vật mà người định cư ở Thái Bình Dương mang theo trên những chiếc thuyền di cư của mình và bà dùng DNA này làm chuẩn để xác định nguồn gốc cư dân cũng như theo dõi sự di cư của họ xung quanh vùng Thái Bình Dương.

Loài chuột bạch ngày nay vốn được người dân ở vùng Andes, nay là Peru thuần hóa.
Loài chuột bạch ngày nay vốn được người dân ở vùng Andes, nay là Peru thuần hóa.

Tiếp thu kết quả nghiên cứu của Giáo sư Matisoo-Smith, các nhà khoa học khác trên thế giới đã tìm hiểu nguồn gốc loài chuột bạch, từ đâu mà chúng đến được những hòn đảo ở vùng biển Caribe.

Theo giáo sư Matisoo-Smith, loài chuột bạch ngày nay vốn được người dân ở vùng Andes, nay là Peru, thuần hóa. Không chỉ là nguồn thức ăn quan trọng, chúng còn được sử dụng trong các buổi tế lễ tôn giáo và sau đó được vận chuyển và mua bán khắp vùng nam Mỹ.

Vào khoảng năm 500 sau Công nguyên, chuột bạch được đem đến các hòn đảo vùng Caribe theo con đường buôn bán thương mại. Ban đầu, các nhà nghiên cứu cho rằng chuột bạch ở vùng Caribe đến từ Colombia, một trong những địa điểm ở Nam Mỹ nằm gần Caribe nhất. Nhưng qua nghiên cứu DNA cổ đại của những xác chuột bạch tìm thấy ở một số địa điểm khảo cổ ở Caribe, Peru, Colombia, Bolivia, châu Âu và Bắc Mỹ, họ phát hiện ra rằng chuột bạch ở Caribe không xuất phát từ Colombia mà từ Peru.

Điều ngạc nhiên hơn nữa là xác chuột bạch tìm thấy ở cao nguyên Colombia thuộc những loài chuột bạch hoàn toàn khác. Điều này cho thấy việc thuần hóa chuột bạch đã được con người thực hiện cả ở Peru và Colombia hoàn toàn độc lập với nhau.

Thông tin di truyền cùng với điều kiện khảo cổ cũng cho thấy qua mỗi giai đoạn, chuột bạch lại được sử dụng vào các mục đích khác nhau. Giáo sư Matisoo-Smith giải thích: “khi đó và đến tận ngày nay, chúng vẫn là nguồn thức ăn quan trọng ở nhiều vùng ở Nam Mỹ và ở những nền văn hóa bắt nguồn từ Nam Mỹ. Con người đã đem những con chuột này còn sống đến những hòn đảo xa xôi để trao đổi lấy những hàng hóa khác. Chuột bạch được người Tây Ban Nha đem đến châu Âu vào cuối những năm 1500, đầu 1600, sau đó đến Bắc Mỹ vào đầu những năm 1800 để làm thú cảnh. Trong thế kỷ XIIX, chuột bạch bắt đầu được dùng làm vật thí nghiệm y học vì chúng có nhiều đặc điểm sinh học giống với con người, từ đó bắt đầu xuất hiện cụm từ “dùng làm chuột bạch” trong công tác nghiên cứu. Tất cả những loài chuột bạch ngày nay, những con được bán để làm thịt ở Nam Mỹ và Puerto Rico, và những con được dùng cho thí nghiệm y học, đều có nguồn gốc từ chuột bạch đã được thuần hóa ở Peru xưa kia”.

Vì sao chuột bạch được coi là thú cảnh ở một số nơi trong khi lại là nguồn thực phẩm ở một số nơi khác thì có lẽ là do quan niệm từ lâu đời ở mỗi nơi về cái gì có thể làm thức ăn và cái gì không.

Chuột bạch từng được coi là thú cưng ở một số nơi.
Chuột bạch từng được coi là thú cưng ở một số nơi.

Giáo sư Matisoo-Smith nói rằng nghiên cứu đã chứng minh lịch sử của chuột bạch phức tạp hơn so với những gì chúng ta từng nghĩ và cũng gợi ý cho những nghiên cứu khác về quá trình thuần hóa, di chuyển và phân bố các loài động vật có vú. Việc tìm ra nguồn gốc của chuột bạch vùng Caribe đã giúp chúng ta hiểu về các mạng lưới giao thương của con người trong 1.000 năm qua.

Qua phân tích DNA của những con chuột bạch cổ đại, chúng ta hiểu rõ hơn lịch sử giao thoa xã hội loài người trong hàng nghìn năm xuyên suốt ba châu lục. Kết quả nghiên cứu này còn góp phần dự báo tính đa dạng di truyền của chuột bạch và mối quan hệ của con người với loài vật nuôi quan trọng này.

Cập nhật: 26/06/2020 Theo Dân Trí
  • 766