Vì sao loài người xuất hiện đầu tiên ở châu Phi?

  •  
  • 363

Tổ tiên của chúng ta xuất hiện đầu tiên ở châu Phi, nhưng vì sao lại ở đó mà không phải nơi khác?

Người hiện đại sống ở khắp nơi trên thế giới và có bằng chứng cho thấy người đứng thẳng (Homo erectus) tổ tiên của chúng ta cũng xuất hiện đầu tiên ở châu Phi. Vậy vì sao chỉ có hậu duệ ở châu Phi của người đứng thẳng mới sinh ra người hiện đại?

Tất cả mọi người trên Trái đất đều có thể truy vết tổ tiên của mình ở châu Phi, nơi người thông minh (Homo sapien) xuất hiện ít nhất 300.000 năm trước.

Nhưng tổ tiên của chúng ta là người đứng thẳng sống ở khắp châu Phi, châu Âu và châu Á, và người heidelberg (Homo heidelbergensis) hậu duệ của người đứng thẳng cũng sống ở khắp nơi như vậy.

Người heidelberg đã sinh ra ít nhất ba tông người ở các nơi khác nhau: người Neanderthal ở lục địa Á Âu, người Denisovan ở châu Á và người hiện đại ở châu Phi.

Vậy thì vì sao người heidelberg lại sinh ra người thông minh ở châu Phi?

Nhà di truyền học dân số Brenna Henn ở Trường đại học California, Mỹ, nói rằng "đây là một câu hỏi vô cùng hóc búa" .Theo bà, để trả lời câu hỏi này, trước tiên chúng ta cần xem xét quá trình tiến hóa đầu tiên của người thông minh.

Một kết quả nghiên cứu đăng trên tạp chí "Thiên nhiên" vào năm 1987 đã đưa ra kết quả tập hợp tất cả DNA ty thể của người hiện đại bắt nguồn từ một quần thể dân số ở châu Phi cách đây 200.000 đến 150.000 năm.

Tuy nhiên, nhà di truyền học Henn và các nhà khoa học khác đặt vấn đề về quan điểm cho rằng chỉ có một quần thể duy nhất tạo ra người hiện đại. Khi người hiện đại bắt đầu xuất hiện, tổ tiên người thông minh của chúng ta đã sống rải rác thành hàng chục quần thể chuyên biệt trên khắp châu Phi.

Châu Phi là một lục địa rộng lớn với hệ sinh thái rất đa dạng, vì thế những quần thể này phải thích nghi để phù hợp với điều kiện cụ thể nơi họ sống.

Trong một nghiên cứu đăng trên tạp chí "Thiên nhiên" vào năm 2023, nhà di truyền học Henn và đồng nghiệp cho biết rất có thể đã có ít nhất hai trong số những quần thể dân cư này là tổ tiên của người thông minh.

Các nhà khoa học cho rằng mặc dù sống tách biệt trong hàng nghìn năm nhưng mỗi quần thể dân cư này vẫn hòa nhập với nhau ở một thời điểm nào đó, tạo ra một quần thể gốc chung mà cuối cùng trở thành loài người chúng ta.

Các nhà khoa học suy luận rằng, đặc điểm đa dạng sinh thái của lục địa Phi sự pha trộn sau đó của nhiều quần thể dân cư đã khiến cho người hiện đại tiến hóa.

Giáo sư cổ nhân loại học Curtis Marean ở Viện Nguồn gốc con người, Trường đại học bang Arizona, Mỹ, nói rằng các nhà khoa học vẫn chưa thống nhất ý kiến về việc liệu một quần thể hay một số ít các quần thể đã tạo ra người hiện đại.

Tuy nhiên, ông cho biết hai giả thuyết này được chấp nhận nhiều hơn so với một giả thuyết mới hơn về liên lục địa Phi.

Giả thuyết liên lục địa Phi cho rằng các tông người tiến hóa cùng một lúc trên toàn lục địa Phi. Giáo sư Marean nói "điều này không phù hợp với bất kỳ thuyết tiến hóa nào". Ông đồng tình với ý kiến của nhà di truyền học Henn rằng diện tích rộng lớn của châu Phi rất có thể đã tạo nên tính đa dạng gene, tạo điều kiện để người hiện đại phát triển nhận thức tiên tiến và khả năng hợp tác xã hội.

Ông nói rằng càng đa dạng gene thì càng có khả năng tiến hóa lên những thứ tốt đẹp. Mặc dù lục địa Âu và lục địa Á kết hợp lại cũng có diện tích vô cùng lớn, nhưng khí hậu ấm áp hơn của lục địa Phi đã tạo điều kiện cho người thông minh.

Những giai đoạn khí hậu lạnh khắc nghiệt xuất hiện cứ 100.000 năm một lần đã làm hạn chế sự tiến hóa của các tông người ở lục địa Á - Âu, còn người thông minh châu Phi mất đi rất ít diện tích sinh sống vào cùng những thời gian đó. Với phạm vi kết nối rộng hơn, người thông minh có nhiều không gian để trở nên đa dạng và tiếp xúc với nhau nhiều hơn, tạo điều kiện để có nhiều dòng gene hơn.

"Nghiên cứu sự tiến hóa loài người là tìm hiểu về quá trình chúng ta biến đổi để trở thành như chúng ta ngày nay. Thật khó hình dung bất cứ thứ gì quan trọng hơn thế" - Giáo sư Marean nói.

Ông nhấn mạnh rằng tất cả những nhận định này mới là lý thuyết và vẫn còn nhiều điều để khám phá, chẳng hạn như (những) quần thể dân cư nào đã tiến hóa thành người hiện đại và ngôn ngữ có đóng vai trò trong sự phát triển nhận thức của người hiện đại hay không. Ông hy vọng các nghiên cứu trong tương lai sẽ trả lời cho những câu hỏi này.

Cập nhật: 29/05/2024 Dân Trí
  • 363