Có lẽ nhiều người trong chúng ta sẽ bất ngờ khi các nhà khoa học vẫn tiếp tục kiếm tìm ra những loài sinh vật mới cho đến tận ngày hôm nay, cuốn bách khoa thư về muôn loài vẫn chưa ngừng được cập nhật. Trong năm nay, rất nhiều sinh vật mới được tìm thấy và không ít trong số chúng là những loài kì lạ với ngoại hình khó hiểu.
Từ sâu thẳm đáy đại dương đến những ngọn cây cao vút ở vùng nhiệt đới, sau đây là danh sách những loài sinh vật lạ lùng nhất được phát hiện ra trong năm 2018.
Được tìm thấy bởi các khoa học gia ở Florida vào tháng 7 vừa rồi, loài cá mập mới này được đặt tên Eugenie Clark theo tên của một nhà nghiên cứu về cá mập nổi tiếng. Tên gọi khác của nó là Cá da trơn Genie, nổi bật với đôi mắt to lớn màu xanh lam sáng trông như mắt của các nhân vật trong phim hoạt hình.
Squalus clarkae. (Ảnh: MarAlliance).
Mặc dù thuộc họ cá nhám, nhưng kích thước của con vật này chỉ dài vào khoảng từ 50 cm đến 60 cm. Tên khoa học của loài cá này là Squalus clarkae, chúng sống tập trung ở Vịnh Mexico và Đại Tây Dương. Những loài cá như vậy thường khó được tìm thấy mà chỉ có thể phát hiện một cách tình cờ, chúng dễ bị đe dọa bởi các hoạt động săn bắt thương mại.
Nhà khoa học biển Mariah Pfleger chia sẻ về phát hiện mới này: “Để bảo tồn những loài cá quý sống ở vùng nước sâu như thế này, trước tiên là phải phát hiện ra chúng sớm nhất và tiến hành đưa vào danh sách các loài cần bảo vệ, trước khi những tay săn cá tóm được và đem bán lấy tiền”.
Một con ong ký sinh đi kèm với hàng gai đâm nhọn hoắc trên lưng được tìm thấy bởi các nhà nghiên cứu đến từ Đại học Bang Pennsylvania và Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên Luân Đôn vào tháng 1 vừa qua.
Dendrocerus scutellaris. (Ảnh: Frost Museum/Flickr).
Dựa vào ngoại hình của con ong mới được phát hiện, các nhà nghiên cứu cho rằng con ong này sống ký sinh và đẻ trứng lên trên cơ thể của vật chủ. Khi đến thời điểm thích hợp để rời khỏi, nó sử dụng hàng dao sắc bén trên lưng để cắt đứt mối kết dính này và bắt đầu sống độc lập.
Con đười ươi mới phát hiện ở Indonesia này được đặt tên riêng cho loài của mình, là loài Đười ươi Tapanuli. Lý do cho việc đặt tên, vì nó là một loài đười ươi hoàn toàn khác, phân biệt rạch ròi với hai loài đười ươi khác có quê hương ở đảo Sumatra, Indonesia. Năm 2001, Đười ươi Sumatra và Đười ươi Borneo đã được công nhận là hai loài riêng biệt.
Đười ươi Tapanuli. (Ảnh: Tim Laman/Wikimedia Commons).
Đầu năm 2018, sinh viên James Askew vừa tốt nghiệp ở Đại học Southern California đã tìm thấy một con đười ươi đực với tiếng hú vang dài và âm vực cao vút, khác rất nhiều so với những con đười ươi khác. Sau thời gian dài tìm hiểu và nghiên cứu về hành vi, thói quen cũng như đặc tính thể chất, anh cùng nhóm nghiên cứu của mình đã kết luận con vật đó thuộc một loài đười ươi hoàn toàn mới.
Tuy vậy, quần thể Đười ươi Tapanuli với số lượng cá thể ít hơn 800 trong khu vực, nó trở thành loài đười ươi quý hiếm nhất trong thế giới tự nhiên. Tình trạng bảo tồn của nó là cực kỳ nguy cấp.
Nhà nghiên cứu Kazuharu Arakawa người Nhật trong khi cạo rửa lớp rong rêu đóng bên ngoài căn hộ của mình - đây là công việc thường ngày của ông nhằm nghiên cứu thế giới vi sinh - thì phát hiện một loài vật mới.
Một con gấu nước, hay Tardigrade. (Ảnh: American Museum of Natural History).
Thật ra con vật mà ông tìm thấy chính là một con gấu nước, hay Tardigrade. Đây là sinh vật cừ khôi với khả năng sống sót rất dai dù ở bất kỳ môi trường khắc nghiệt nào, từ nơi cực kỳ giá lạnh đến nơi có bức xạ rất cao. Với kích thước chỉ vào khoảng 0,8 mm, chúng có tám chân và ngoại hình mũm mĩm như những chú gấu. Đặc biệt, đây là một sinh vật ăn chay.
Các nhà nghiên cứu ở Bỉ đã khám phá ra một loài vật nhỏ bé sống ở Châu Nam Cực, và đặt tên cho nó theo tên một nhân vật trong tác phẩm của Victor Hugo: Thằng gù Quasimodo ở Nhà thờ Đức Bà Paris, bởi chiếc lưng cong của loài vật này.
Epimeria quasimodo. (Ảnh: Cédric d'Udekem d'Acoz).
Họ hàng của Epimeria quasimodo là những con vật giáp xác với màu sắc tươi tắn cùng ngoại hình cong gù, trông giống như phần đầu của những con rồng trong các câu chuyện thần thoại. Khác với tôm hùm, những con giáp xác này không có vỏ ngoài.
Những chú bọ cánh cứng nhỏ có màu đỏ cam này không phải loại bọ cánh cứng thông thường mà chúng ta vẫn thường thấy. Thay vì lượn lờ khắp những vùng đầy cây cỏ, loài bọ cánh cứng này chung sống giữa những bầy kiến.
Loài bọ cánh cứng Nymphister kronaueri. (Ảnh: Christoph von Beeren and Alexey K. Tishechkin/Wikimedia Commons).
Trong thực tế, không phải loài bọ này bị ép phải sống cùng với kiến, mà chính chúng chủ động làm việc này. Sở hữu ngoại hình nhỏ bé cùng màu sắc tối màu, chúng sẽ bám vào những con kiến và sẽ được 'chở' đi đến bất cứ nơi nào mà bầy kiến di cư đến, từ đó nó có thể tìm kiếm được thức ăn một cách dễ dàng.
Sâu thẳm dưới đáy đại dương, nơi không có quá nhiều ánh sáng và vô cùng lạnh lẽo, vì vậy loài thằn lằn biển này phát triển cả cơ quan sinh dục nam lẫn nữ để có thể tăng số lượng loài một cách chủ động. Vì đặc tính này, chúng có thể giao phối với bất cứ con nào trong loài mà không cần phân biệt giới tính.
Bathysaurus ferox. (Ảnh: NOAA Photo Library/Flickr).
Được phát hiện lần đầu ở ngoài khơi vùng biển Đông Úc vào năm 2017 và được công bố chính thức trong năm nay. Tên khoa học của loài này là Bathysaurus ferox, là một kẻ săn mồi dữ tợn trong môi trường sống tăm tối của nó.
Cơ thể của một con trưởng thành có thể phát triển lên đến 50cm, khoang miệng luôn có một hàm răng sắc nhọn và sẽ cắn xé mọi thứ nó gặp trên đường đi. Mặc dù hung dữ và đáng sợ, nhưng vì là một loài lưỡng tính nên nó ít khi di chuyển quá xa mà chỉnh sống quanh quẩn tại nơi được sinh ra.
Loài bọ mới được phát hiện ở Trung Quốc là một bằng chứng rõ ràng về sự thích ứng và tiến hóa. Sống cả đời trong những hang động tối mịt, loài bọ này đã tiến hóa để mất đi đôi cánh, đôi mắt.
Loài bọ không mắt và không cánh Xuedytes bellus. (Ảnh: Sunbin Huang and Mingyi Tian).
Được tìm thấy ở Quảng Tây, miền nam Trung Quốc, Xuedytes bellus sinh sống tại khu vực quần thể hang động đặc sắc của tỉnh này. Với kích thước dài khoảng 3 cm, những con bọ này có thân hình thon dài và không có cánh như những loài bọ khác.
Vào khoảng hơn một triệu năm trước tại nước Úc ngày nay, có một loài động vật đặc biệt mà chúng ta chẳng thể thấy được vào thời hiện đại: loài sư tử có túi. Các nhà nghiên cứu ở Đại học New South Wales ở Úc đã tìm thấy hóa thạch của loài sư tử này, từng lang thang khắp nơi trên Trái Đất vào Thế Oligocen.
Wakaleo schouteni. (Ảnh: Peter Schouten).
Các nhà khoa học ước tính khối lượng của con vật này không nặng quá 23 kg, so sánh có thể tương đương với loài husky Siberia ngày nay. Thay vì là loài ăn thịt dữ tợn như sư tử hiện đại, loài sư tử có túi là thú ăn tạp khi có chế độ ăn phong phú từ thịt sống đến thực vật.
Một loài cá sấu mới vừa được phát hiện ở Châu Phi, loài này trước đây đã bị nhầm lẫn là thuộc cá loài cá sấu đã biết. Khám phá được thực hiện vào đầu năm nay và được công bố vào tháng 10 vừa qua.
Loài cá sấu mới được gọi là Cá sấu thân nhỏ Trung Phi, nó có thể được tìm thấy ở khắp lục địa Châu Phi, từ Cameroon đến Tanzania. Nhưng trước đây chúng ta vẫn lầm tưởng nó thuộc loài Mecistops cataphractus bởi ngoại hình tương đồng.
Cá sấu thân nhỏ Trung Phi. (Ảnh: Matthew Shirley).
Các nhà khoa học chỉ nhận ra sự khác nhau giữa hai loài khi tìm thấy sự khác biệt về da và về cấu trúc hộp sọ. Trong khi Cá sấu thân nhỏ Trung Phi có da mềm và mượt hơn thì loài Cá sấu Mecistops cataphractus có da cứng và xù xì hơn. Khác biệt này không quá lớn nên mãi đến nay giới khoa học mới phát hiện ra.
Các nhà nghiên cứu ước tính chỉ còn khoảng 500 cá thể của loài cá sấu này trong tự nhiên, khiến loài cá sấu mới được phát hiện đã phải đưa vào danh sách các loài bị đe dọa nghiêm trọng.