Các nhà nghiên cứu của Đại học Tel Aviv (TAU) cho biết con người thời kỳ đồ đá là những kẻ săn mồi đỉnh cao, chỉ chuyển sang chế độ ăn uống dựa trên thực vật hơn 85.000 năm trước.
Những nhà nghiên cứu Israel nghiên cứu về dinh dưỡng của con người thời kỳ đồ đá mới đây cho hay con người đã trải qua khoảng 2 triệu năm như những "kẻ săn mồi đỉnh cao" ăn thịt chủ yếu là thịt của các động vật lớn.
Nghiên cứu tại TAU phối hợp với Đại học Minho của Bồ Đào Nha, đối lập với quan điểm cho rằng người tiền sử là động vật ăn tạp và thói quen ăn uống của họ có thể được so sánh với thói quen ăn uống của người hiện đại.
Con người mới chuyển sang một chế độ ăn uống dựa trên thực vật nhiều hơn vào khoảng 85.000 năm trước.
"Nghiên cứu của chúng tôi giải quyết một cuộc tranh cãi rất lớn hiện nay bao gồm cả khoa học và phi khoa học. Chúng tôi đề xuất một bức tranh chưa từng có về tính toàn diện và bề rộng của nó, cho thấy rõ ràng con người ban đầu là những kẻ săn mồi đỉnh cao, chuyên săn bắt những động vật lớn để ăn thịt", giáo sư Ran Barkai thuộc khoa khảo cổ học của TAU, một trong những nhà nghiên cứu, cho biết.
Barkai nói thêm, kết quả được công bố trong Niên giám của Hiệp hội Nhân chủng học Mỹ có ý nghĩa không chỉ đối với cách chúng ta nhìn nhận quá khứ mà còn đối với chế độ ăn uống hiện đại của con người. Ông cũng trích dẫn chế độ ăn kiêng thời kỳ đồ đá cũ, giả định rằng người tiền sử ăn rau, trái cây, các loại hạt, rễ và thịt làm cho những thực phẩm đó trở nên tự nhiên nhất để tiêu thụ. Nhưng nghiên cứu cho thấy rằng chỉ có món cuối cùng trong danh sách đó mới có trong thực đơn của cư dân hang động.
"Đối với nhiều người ngày nay, chế độ ăn uống thời kỳ đồ đá cũ là một vấn đề quan trọng, không chỉ liên quan đến quá khứ mà còn liên quan đến hiện tại và tương lai. Thật khó để thuyết phục một người ăn chay thuần rằng tổ tiên của họ không phải là người ăn chay, và mọi người có xu hướng nhầm lẫn niềm tin cá nhân với thực tế khoa học", Barkai nói.
Các nhà nghiên cứu đã kết hợp di truyền, chuyển hóa, sinh lý, hình thái và khảo cổ học về sự phát triển công cụ để giải quyết câu hỏi liệu con người thời kỳ đồ đá là động vật ăn thịt chuyên biệt hay động vật ăn tạp nói chung.
"Cho đến nay, những nỗ lực nhằm tái tạo lại chế độ ăn uống của con người thời kỳ đồ đá chủ yếu dựa trên sự so sánh với các xã hội săn bắn hái lượm ở thế kỷ XX. Tuy nhiên, sự so sánh này là không hợp lý bởi vì hai triệu năm trước, các xã hội săn bắn hái lượm có thể săn bắt và tiêu thụ voi và các loài động vật lớn khác", nhà nghiên cứu Miki Ben-Dor của TAU giải thích.
Nhóm nghiên cứu đã kiểm tra nồng độ axit trong dạ dày của con người cho thấy chế độ ăn thịt trong đó axit sẽ bảo vệ khỏi vi khuẩn có hại.
Họ cũng xem xét cấu trúc chất béo trong tế bào người. Tương tự như động vật ăn thịt, chất béo ở người được lưu trữ trong một số lượng lớn các tế bào chất béo nhỏ, trong khi ở động vật ăn tạp, chất béo có xu hướng ngược lại.
Ben-Dor cho hay: "Ví dụ, các nhà di truyền học đã kết luận rằng các vùng trên bộ gene người bị đóng lại để cho phép chế độ ăn giàu chất béo, trong khi ở tinh tinh, các vùng trên bộ gene được mở ra để cho phép chế độ ăn nhiều đường".
Họ lập luận thêm bằng chứng khảo cổ học ủng hộ giả thuyết bao gồm cả việc nghiên cứu các đồng vị ổn định trong xương của người tiền sử chỉ ra việc tiêu thụ thịt có hàm lượng chất béo cao, có thể là từ động vật lớn.
Ben-Dor nói: "Có lẽ hầu hết, giống như ở những loài săn mồi ngày nay, săn bắn đã là một hoạt động trọng tâm của con người trong suốt quá trình tiến hóa. Thực tế là các công cụ chuyên dụng để lấy và chế biến thực phẩm thực vật chỉ xuất hiện trong giai đoạn sau của quá trình tiến hóa của loài người cũng cho thấy vị trí trung tâm của các loài động vật lớn trong chế độ ăn uống của con người, trong suốt phần lớn lịch sử loài người".
Các nhà nghiên cứu tin rằng con người chỉ bắt đầu chuyển sang một chế độ ăn uống dựa trên thực vật nhiều hơn vào khoảng 85.000 năm trước, có thể là kết quả của sự suy giảm các loài động vật lớn hơn làm nguồn thực phẩm.
"Như Darwin đã phát hiện ra, sự thích nghi của các loài với việc lấy và tiêu hóa thức ăn của chúng là nguồn gốc chính của những thay đổi tiến hóa. Do đó tuyên bố rằng con người là động vật ăn thịt đỉnh cao trong suốt quá trình phát triển có thể cung cấp một cơ sở rộng rãi cho những hiểu biết cơ bản về sinh học", Barkai nhấn mạnh.