Thớt là dụng cụ cơ bản có trong căn bếp của tất cả gia đình. Mặc dù phổ biến như vậy nhưng không phải tất cả mọi người đều sử dụng thớt đúng cách.
Cụ thể, trên hầu hết các chiếc thớt đều có một lỗ khá lớn ở vị trí gần ngoài rìa. Hầu hết mọi người đều nghĩ rằng, chiếc lỗ này giúp cầm nắm thớt dễ dàng hơn hoặc để treo thớt lên giá. Tuy nhiên cấu tạo đặc biệt này của chiếc thớt được ra đời với mục đích hoàn toàn khác.
Thức ăn rất dễ bị rơi ra ngoài khi chúng ta cho chúng vào bát hay đĩa sau khi thái, đặt biệt là khi thái thành những miếng nhỏ. Nếu bốc tay sẽ không đảm bảo vệ sinh, nhất là đối với đồ ăn chín.
Lúc này, chiếc lỗ trên thớt sẽ phát huy công dụng của nó. Chúng ta dùng dao vừa thái xong, dồn đồ ăn qua chiếc lỗ để chúng rơi xuống khay hay bát đĩa phía dưới một cách dễ dàng và đảm bảo vệ sinh.
Phương pháp này áp dụng cho những loại thực phẩm được thái hạt lựu.
Một số lưu ý khi dùng thớt
- Không dùng chung thớt cho cả đồ sống và đồ chín. Nên dùng 2 thớt riêng biệt để tránh nhiễm vi khuẩn từ đồ sống sang đồ chín, rất dễ gây đau bụng, tiêu chảy.
- Sau khi sử dụng, thớt cần phải được rửa sạch, phơi khô để tránh bị nấm mốc, nhất là với những loại thớt gỗ.
- Theo khuyến cáo của các nhà khoa học, sau khi để qua đêm vi khuẩn trên thớt nhựa còn lại nhiều hơn so với thớt gỗ. Vì vậy, bạn nên dùng thớt gỗ thay vì thớt nhựa.
- Khi thớt đã cũ hoặc có nhiều vết lõm do dao cứa nên thay mới.