Các nhà khoa học "nắn" thẳng tháp nghiêng Pisa như thế nào?

Kỳ quan Tháp nghiêng Pisa đang có những bước hồi phục tốt hơn mong đợi do nỗ lực của các kỹ sư và nhà khoa học.

Công trình Tháp nghiêng Pisa nổi tiếng ở Ý từng được cho là đang xuống cấp nghiêm trọng, và có thể đối mặt nguy cơ đổ sụp bất kỳ lúc nào.


Tháp nghiêng Pisa được công nhận là di sản thế giới của UNESCO bởi tính độc đáo của nó (Ảnh: Getty).

Tuy nhiên theo một khảo sát mới đây của nhóm kỹ sư được tài trợ bởi Opera Primaziale Pisana (OPA), tình trạng của tòa tháp đã tốt hơn nhiều so với dự báo.

Cụ thể, tòa tháp đang trở lại với phương thẳng đứng và cao hơn 4 cm so với khoảng 2 thập kỷ qua, kể từ khi những nỗ lực nhằm bảo trì và ổn định tòa tháp được đưa ra.

"Xét trên việc đây là một bệnh nhân 850 tuổi, với độ nghiêng khoảng 5 mét và độ lún hơn 3 mét, thì tình trạng sức khỏe của Tháp nghiêng Pisa là rất tuyệt vời", người phát ngôn của OPA cho biết.

Đây được xem là một nỗ lực phi thường của các kỹ sư và nhà khoa học địa chất, khi đã đưa ra những giải pháp để "nắn" thẳng tòa tháp 8 tầng.


Tính đến nay, nó đã vượt qua 4 trận động đất và nhiều lần lắc lư qua lại. (Ảnh: Getty).

Mọi sự cố gắng tưởng chừng như "đổ xuống sông xuống bể" vào năm 1990, khi Tháp Pisa không còn ở trên mặt đất cứng nữa, mà nghiêng 5,5 độ về phía Nam. Điều này vượt quá giới hạn cho phép, và các kỹ sư đều nghĩ rằng tòa tháp sẽ sụp đổ.

Ngay sau đó, tòa tháp đã bị đóng cửa đối với công chúng và chính phủ Ý mời một nhóm chuyên gia, do kỹ sư dân sự Michele Jamiolkowski đứng đầu, để tìm ra cách cứu lấy tòa tháp.

Ban đầu, nhóm chuyên gia kết hợp cùng các nhà khoa học nghĩ đến việc bơm xi măng vào bên dưới tòa tháp để gia cố, nhưng quyết định rằng cách làm này quá rủi ro.

Rốt cuộc, họ đào đất từ mặt phía Bắc của tòa tháp, khiến vùng này sụt xuống và kéo tòa tháp đứng lên.

Dự án kéo dài một thập kỷ, và đã được hoàn thành vào năm 2001. Kết quả ghi nhận tòa tháp đã thẳng lên khoảng 40 cm, nhưng độ nghiêng của nó vẫn lớn hơn gấp đôi so với độ nghiêng ban đầu, khi việc xây dựng hoàn thành vào năm 1350.


Ảnh quét 3D bằng laser của tòa tháp. (Ảnh: CSIRO).

Vào năm 2013, các nhà nghiên cứu từ cơ quan Khoa học quốc gia của Úc (CSIRO) một lần nữa vào cuộc. Họ lập bản đồ mọi ngóc ngách của tòa tháp bằng máy quét 3D, tạo ra một số bản tái tạo kỹ thuật số của tòa tháp.

Bằng nhiều biện pháp kỹ thuật, nhóm nghiên cứu thành công cố định tòa tháp, và điều quan trọng hơn là đã gia cố cấu trúc của nó, khiến tháp trở nên ổn định hơn.

Theo báo cáo mới đây, Tháp nghiêng Pisa hiện chỉ lắc lư rất nhẹ, dao động trung bình khoảng nửa milimet mỗi năm. Ước tính, Tháp có thể sẽ được an toàn trong ít nhất 300 năm, và có thể hơn nữa.

Một số nhà khoa học thậm chí còn nghĩ rằng những nỗ lực phục hồi tòa tháp có thể thành công đến mức một ngày nào đó, nó sẽ có thể tự phục hồi.

Tháp nghiêng Pisa là tên một tòa tháp nổi tiếng ở thành phố Pisa (Ý) được khởi xây năm 1173, cao gần 60 mét.

Đặc điểm "có một không hai" của tháp nghiêng Pisa là công trình này bị nghiêng do lún ngay từ lúc đang xây. Để ổn định cấu trúc tháp, các kỹ sư đã sử dụng một số biện pháp địa kỹ thuật để giữ cho tháp ở nguyên hiện trạng.

Trong suốt hàng thế kỷ, các kỹ sư, nhà khoa học và người dân đã không ít lần "nín thở" trước số phận của tòa tháp chuông mang tính biểu tượng.

Tính đến nay, nó đã vượt qua 4 trận động đất và nhiều lần lắc lư qua lại. Thế nhưng bằng một cách nào đó, tòa tháp vẫn đứng vững với độ nghiêng không quá lệch so với ban đầu.

Cập nhật: 30/12/2022 Dân Trí
Danh mục

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Khoa học vũ trụ

Danh nhân thế giới

Ngày tận thế

1001 bí ẩn

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Khoa học quân sự

Lịch sử

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Hỏi đáp Khoa học

Công nghệ mới

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Ứng dụng khoa học

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Video