Chúng ta thật sự có ý thức tuyệt đối?

Hãy bắt đầu bằng một loạt câu hỏi sau: Bạn có nghĩ rằng định kiến chủng tộc là một sai lầm? Và liệu bạn có dám chắc về điều đó không? Thậm chí, đi xa hơn nữa, bạn có chắc rằng niềm tin ấy được hình thành một cách có ý thức hay không?

Đây là loại câu hỏi có vẻ kỳ lạ, vì lẽ thường thì câu trả lời sẽ là có. Chẳng ai muốn làm một kẻ phân biệt chủng tộc. Nhưng thực tế thì không hề đơn giản như thế: chúng ta hoàn toàn có thể đã nói những điều ngược hẳn với thế giới quan thực sự của mình. Bạn có thể tin chắc rằng mình nghĩ như thế, nhưng sự thật hoàn toàn có thể không phải vậy.

Sức mạnh của vô thức

Hầu hết các triết gia sẽ đồng ý rằng chúng ta có đặc quyền tiếp cận với những suy nghĩ của chính mình, và hiểu thế giới quan ấy hơn ai hết. Một số cho rằng chúng ta có một công cụ tạm gọi là "cảm quan nội tại" (inner sense), dùng để tự giám sát tâm trí, giống như các giác quan bên ngoài phản ánh thế giới xung quanh. Các nhà khoa học thần kinh thế kỷ XIX cho rằng tâm trí và cơ thể là những thứ hoàn toàn khác nhau. Đối với họ, cơ thể thuộc về phạm trù vật chất - những cỗ máy bằng xương thịt; còn tâm trí là những thứ phi vật chất chỉ có thể tiếp cận từ bên trong.

Quan điểm nhận được sự nhất trí cao trong giai đoạn này là tâm trí luôn ở trạng thái minh bạch đối với tất cả chúng ta. Nói cách khác, con người có ý thức tuyệt đối. Các triết gia thời kỳ này cho rằng chúng ta sở hữu độc quyền khả năng truy cập vào các trạng thái tinh thần của chính mình, và không thể nhầm lẫn về những trạng thái đó.


Các triết gia thời kỳ này cho rằng chúng ta sở hữu độc quyền khả năng truy cập vào các trạng thái tinh thần của chính mình.

Tuy nhiên, nhà triết học hành vi trứ danh của thế kỷ XX Gilbert Ryle cho rằng chúng ta học cách hiểu về tâm trí chính mình không phải bằng cảm quan nội tại, mà đơn giản chỉ bằng cách quan sát hành vi của chính ta, và với cơ chế này, bạn bè có lẽ còn hiểu ta hơn chính ta. Triết gia đương đại Peter Carruthers cũng đề xuất một quan điểm tương tự, cho rằng niềm tin của chúng ta đặt vào suy nghĩ và quyết định của chính ta là sản phẩm của sự tự giải thích, và chúng thường bị nhầm lẫn.

Bằng chứng cho các quan điểm này được củng cố bằng các thực nghiệm tâm lý xã hội học, chỉ ra rằng đôi khi mọi người nghĩ rằng họ tin vào một điều gì đó, nhưng thực ra không phải thế. Ví dụ: nếu buộc phải lựa chọn một trong số nhiều mặt hàng giống nhau, mọi người có xu hướng chọn cái ở bên phải. Nhưng khi được hỏi lý do tại sao họ chọn nó, đa số sẽ giải thích rằng họ thấy món đồ đó có màu sắc đẹp hơn, hoặc chất lượng tốt hơn.

Tương tự, với một người bị thôi miên để làm việc nào đó (và quên rằng anh ta bị thôi miên), sau đó họ sẽ cố đưa ra một lý do thực hiện nó. Các đối tượng trong thực nghiệm này tham gia vào quá trình tự giải thích một cách vô thức. Họ không hề biết lời giải thích thực sự cho hành vi của mình (bị thôi miên), vì vậy họ suy ra một số lý do (họ nghĩ) là chính đáng, và gán ghép nó cho bản thân. Họ lập một báo cáo như thể trực tiếp nhận thức được lý do hành động của mình.

Những nghiên cứu sâu về tâm lý hành vi cũng củng cố xu hướng này. Trong một thí nghiệm, nếu người tham gia được yêu cầu gật đầu khi nghe một đoạn băng, thì họ sẽ có xu hướng đồng tình với nội dung của đoạn băng nhiều hơn khi được yêu cầu lắc đầu. Và nếu họ được yêu cầu chọn lựa một trong hai món mà trước đây họ đánh giá là thích chúng như nhau, thì sau đó họ lại nói rằng họ thích món mà mình vừa chọn xong hơn. Một lần nữa, những người tham gia thí nghiệm đã tự diễn giải hành vi của mình một cách vô thức, coi cái gật đầu là biểu thị sự đồng ý và việc chọn lựa cũng giống như biểu lộ sở thích.

Nhà thần kinh học vĩ đại Sigmund Freud là người đã chỉ ra bản chất phức tạp của suy nghĩ: ông cho rằng đời sống tinh thần của chúng ta không phải một dòng ý thức trôi chảy, mà là một dòng suối thoắt ẩn thoắt hiện, bị cắt ngang bởi các cây cầu, biến mất ở một bên và xuất hiện trở lại phía bên kia: "Trải nghiệm cá nhân của chúng ta hàng ngày khiến chúng ta nảy ra những ý tưởng trong đầu, những ý tưởng mà chúng ta không biết từ đâu chui ra, và quá trình tạo ra những kết tinh trí tuệ này, chúng ta cũng không biết được nó làm ra như thế nào".

Ví dụ ấn tượng nhất về sự tồn tại liên tục nhưng âm thầm của dòng ý thức chính là hiện tượng giải quyết vấn đề một cách vô thức. Vào thế kỷ XIX, nhà toán học người Đức Johann Gauss đã vật lộn 2 năm, cố chứng minh một định lý toán học nhưng bất thành. Sau đó, thật bất ngờ, giải pháp bỗng bùng lên trong ý thức của ông, dường như không biết từ đâu mọc ra: "Cuối cùng, hai ngày trước, tôi đã thành công không phải nhờ những nỗ lực đau đớn của tôi, mà là nhờ ân điển của Chúa. Như một tia chớp lóe lên, bài toán tình cờ được giải. Bản thân tôi không thể giải thích được sự kết nối những gì tôi biết trước đây với những gì làm nên thành công của tôi" - Ông viết.

Giải một bài toán rõ ràng là một quá trình trí tuệ. Đó không phải việc bạn có thể làm mà không cần suy nghĩ. Vì vậy, việc Gauss đưa ra một lời giải chính xác cho thấy ông đã suy nghĩ về nó, nhưng ông không suy nghĩ một cách có ý thức. Thực tế là vô thức có ảnh hưởng đến bản thân ta nhiều hơn những gì chúng ta có thể tưởng tượng, thậm chí ở mức độ đủ lớn để đặt ra hoài nghi: liệu con người có phải một sinh vật thực sự có ý thức?

Tự diễn dịch bản thân

Dựa trên những bằng chứng này, triết gia Carruthers đã đưa ra một kiến giải về sự tự diễn dịch bản thân, trong cuốn sách có tên “Sự mờ đục của tâm trí” (xuất bản năm 2011). Ông tuyên bố rằng con người và các loài linh trưởng nói chung có một hệ thống nhận thức được thiết kế để phân tích và hiểu tâm trí người khác. Hệ thống này tạo ra niềm tin một cách nhanh chóng và vô thức về những gì con người nghĩ và cảm nhận, dựa trên việc quan sát hành vi (cơ chế tương tự như việc trẻ con phát triển nhận thức về những người xung quanh chúng).

Carruthers lập luận rằng hệ thống này chịu trách nhiệm cho sự hiểu biết của chúng ta về tâm trí của chính mình. Con người thường bỏ quên hệ thống nhận thức thứ hai là cảm quan nội tại (hướng vào bên trong). Thay vào đó, họ tự nhận thức bản thân thông qua các phản ứng bên ngoài đối với mình: một người sẽ có xu hướng cho rằng mình đẹp hoặc giỏi, dựa trên sự ngắm nhìn và lời khen của người khác, hơn là tự nhận thức điều này.

Lý do giúp chúng ta nhận thức suy nghĩ của chính mình tốt hơn suy nghĩ của người khác chỉ đơn giản là nhờ ta thu thập được nhiều dữ liệu cảm giác hơn: không chỉ nhận thức được lời nói và hành vi, chúng ta còn biết đến các cảm xúc, cảm giác cơ thể (cơn đau, vị trí các cơ quan) và những hình ảnh tinh thần phong phú. Chúng ta nhận thức qua bộ lọc này, một cách gián tiếp. Carruthers gọi đây là thuyết Diễn giải truy cập cảm giác (ISA) và ông đưa ra một loạt các bằng chứng thực nghiệm để củng cố cho nó.

ISA đem đến những hệ quả đáng kinh ngạc. Đầu tiên (với một số ngoại lệ hạn chế), nó khiến chúng ta không thực sự có những suy nghĩ tỉnh táo hoặc đưa ra những quyết định có ý thức. Bởi nếu có khả năng như vậy, chúng ta đã có thể nhận thức vạn vật một cách trực tiếp mà không cần thông qua diễn giải. Các sự kiện có ý thức mà chúng ta trải qua đều chỉ là trạng thái cảm giác của những gì thực sự đang diễn ra, và cái mà chúng ta coi là suy nghĩ hay những quyết định có ý thức chỉ là ánh xạ diễn dịch từ các giác quan. Những hình ảnh ấy có thể phản ánh suy nghĩ, nhưng chúng luôn cần được diễn giải.

Hệ quả thứ hai là khiến chúng ta hoàn toàn nhầm lẫn về niềm tin của chính mình. Trở lại với câu hỏi đầu bài viết về định kiến chủng tộc: đa số sẽ chọn câu trả lời rằng họ nghĩ định kiến này là một sai lầm. Nhưng nếu lý thuyết ISA là đúng, thì bạn không thể chắc chắn về niềm tin này: nó có thể là một diễn dịch ảo ảnh. Trong thực tế, các nghiên cứu cho thấy những người quả quyết nói rằng định kiến chủng tộc là sai lầm thường cư xử như thể chúng là đúng, khi họ không chú ý đến những gì họ đang làm. Hành vi như vậy thường được cho là biểu hiện thành kiến ngầm, mâu thuẫn rõ ràng với niềm tin mà người đó bộc lộ.

ISA cũng cung cấp một lời giải thích đơn giản hơn: thâm tâm mọi người nghĩ rằng định kiến này là đúng, nhưng họ không thể chấp nhận được điều này, và do đó nói rằng chúng là sai. Hơn nữa, họ cũng tự nói điều này với chính họ, bằng lời nói thâm tâm, và hiểu nhầm rằng mình tin chắc vào điều đó. Đấy là một bi kịch: họ là những kẻ đạo đức giả, nhưng là trong vô thức. Có lẽ chúng ta đều ít nhiều như vậy.

Và nếu như những suy nghĩ hay quyết định của chúng ta đa số là vô thức, như thuyết ISA ngụ ý, thì các nhà triết học đạo đức có lẽ còn rất nhiều việc phải làm. Vì chúng ta có xu hướng nghĩ rằng mọi người không phải chịu trách nhiệm với những hành vi vô thức. Thế nhưng chấp nhận thuyết ISA không có nghĩa là chúng ta sẽ đầu hàng và từ bỏ trách nhiệm. Chỉ là cần phải suy nghĩ lại một cách triệt để về nó.

Cập nhật: 26/09/2020 Theo CAND
Danh mục

Công nghệ mới

Phần mềm hữu ích

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Danh nhân thế giới

Khoa học vũ trụ

1001 bí ẩn

Ngày tận thế

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Lịch sử

Khoa học quân sự

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Bệnh và thông tin bệnh

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Virus Covid 19

Ứng dụng khoa học

Khoa học & Bạn đọc

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Góc hài hước

Video