Đây là lời phản bác lại tuyên bố trước đó của một chuyên gia ngôn ngữ đến từ chính ĐH Bristol.
Như đã đưa tin thì vài ngày trước, một chuyên gia ngôn ngữ tại ĐH Bristol đã đứng ra tuyên bố rằng mình đã giải được mật mã bên trong "Bản thảo Voynich" - cuốn sách được mệnh danh là bí ẩn bậc nhất mọi thời đại, đã "hành hạ" cả những bộ óc tài năng nhất của nhân loại.
Người đứng ra giải mã là tiến sĩ Gerard Cheshire. Ông cho rằng bản thảo được viết bằng một thứ ngôn ngữ đã thất truyền từ lâu, có tên proto-Romance. Và bằng việc nghiên cứu các ký hiệu của ngôn ngữ, ông đã có thể xác định được nội dung bên trong cuốn sách là gì.
Một trang trong bản thảo Voynich.
Tuy nhiên mới đây, trường ĐH Bristol đã đăng một tuyên bố cho biết trường không có liên quan gì đến nghiên cứu của Cheshire, sau khi nghiên cứu vấp phải sự phản đối của một số nhà khoa học, dù đã được công bố trên tạp chí uy tín là Romance.
Các ý kiến chỉ trích cho biết proto-Romance là ngôn ngữ không tồn tại trong lịch sử, và những giả thuyết mà Cheshire đưa ra gần như chẳng có ý nghĩa gì cả. Như Lisa Fagin David - giám đốc điều hành của Học viện ngôn ngữ Trung Cổ Hoa Kỳ chia sẻ: "Proto-Romance không có thật. Đây chỉ là giả định chủ quan, vô nghĩa thôi".
"Tôi đã từng thử cách mà Cheshire đã làm. Nhưng khi áp dụng các chữ cái La Mã vào để giải, mọi thứ trở nên vô nghĩa. Đó không phải là cách làm đúng".
Đoạn tweet của Lisa David.
Còn Cheshire thì bảo vệ quan điểm của mình, cho rằng các ký hiệu tuân theo quy luật như chữ cái, và những người chỉ trích đơn giản chỉ "không thể bỏ được định kiến, ngay cả khi đã có bằng chứng".
Chưa rõ ai đúng, ai sai. Nhưng trước những tranh cãi như vậy, ĐH Bristol cho biết họ nhận thấy đã có những lo ngại về tính chính thống của nghiên cứu, và do đó "quyết định tạm gỡ bỏ nó trên trang của mình để xác minh".
Được biết, nội dung của văn bản Voynich được cho là có chứa các mật mã, bùa chú, thông điệp chính trị, thậm chí cả ngôn ngữ ngoài hành tinh. Các chuyên gia trước kia tin rằng nó được viết trong giai đoạn giữa thế kỷ 15, bằng một ngôn ngữ được các tín đồ Công giáo và người La Mã sử dụng.