Một kho tàng chứa đầy hóa thạch khủng long và các loài tuyệt chủng từ lâu tại miền đông bắc Trung Quốc đã được tạo ra theo kiểu Pompeii sau cơn thịnh nộ của núi lửa.
>>> Chế độ ăn "sơn hào hải vị" của người La Mã cổ đại
Ảnh minh họa: Dailymail
Giới khoa học lâu nay vẫn thắc mắc về kho hóa thạch phong phú nằm ở tỉnh Liêu Ninh, hiện vẫn còn lưu giữ hoàn hảo hiện trạng của các loài cá, chim chóc, khủng long kích thước nhỏ và động vật có vú vào thời đầu của Kỷ Phấn trắng. Các mẫu vật ở đây được duy trì trong tình trạng vẫn còn cơ, da và lông, cho phép giới khoa học có dịp nghiên cứu kỹ lưỡng hệ sinh thái từng tồn tại cách đây từ 120 - 130 triệu năm.
Theo AFP, kết quả phân tích trầm tích mới đây do nhóm chuyên gia của Đại học Nam Kinh thực hiện cuối cùng đã hé lộ bí mật bị chôn vùi lâu nay.
Theo đó, các hóa thạch được lưu giữ tốt là do các sinh vật thời đó đã bị phủ lên một lớp tro nóng tương tự như loại từng nhấn chìm thành phố Pompeii của La Mã cách đây gần 2.000 năm.
Nhóm chuyên gia kết luận rằng chính các luồng tro bụi cuồn cuộn bốc ra từ núi lửa đang hoạt động đã cướp đi sinh mạng của nhiều loài động vật, đẩy chúng vào tình trạng thiếu ô xy khẩn cấp và nhanh chóng chết ngạt, nhưng vẫn còn giữ lại nhiều phần cơ thể một cách hoàn hảo sau hàng trăm triệu năm.