Những người dân ở đây đã vượt qua cuộc xâm lược của người La Mã vào năm 106 và trận động đất mạnh vào năm 363. Họ sinh sống trên mảnh đất này ít nhất tới cuối thế kỷ thứ 6, lâu hơn nhiều so với suy đoán trước đây.
Petra – nơi người Nabatea chọn làm thủ đô để sinh sống.
Sức sống bền bỉ nhờ quản lý tốt tài nguyên nước
Có vẻ như Petra phát triển mạnh nhờ kỹ năng của người Nabatea trong việc quản lý nguồn nước khan hiếm.
Hệ thống trữ nước và tưới tiêu của người Nabatea là một kỳ tích đáng kinh ngạc về mặt kỹ thuật.
Một mạng lưới bể chứa, đập nước và kênh đào phức tạp giúp khai thác nước từ các dòng suối trên sa mạc Jordan và lượng mưa 10cm hàng năm, để duy trì nguồn cung cấp nước quanh năm.
Hệ thống lưu trữ đầy khoa học giúp Petra không bao giờ rơi vào tình trạng thiếu nước.
Tiến sĩ Christopher Tuttle, thuộc Hội đồng các trung tâm nghiên cứu ở nước ngoài của Mỹ chia sẻ với Smithsonian Chanel: “Petra nằm ở một trong những khu vực khắc nghiệt và hiểm trở nhất mà tôi từng gặp để tạo dựng một thành phố. Ở thời hoàng kim, thành phố này chứa tới 30.000 cư dân, với nguồn nước tự nhiên đủ cho 2.000 – 3.000 người. Đây là một minh chứng cho sự linh hoạt và khéo léo của người Nabatea, cho thấy họ có thể biến đổi cảnh quan để đáp ứng nhu cầu của mình”.
Trong khi đó, Tiến sĩ Thomas Paradise, thuộc Đại học Arkansas, Mỹ, thì cho rằng: “Ở thế kỷ 21, chúng ta sẽ gặp nhiều khó khăn để tạo ra một thành phố bền vững và là nơi sinh sống tốt”
Tiến sĩ Thomas Paradise là nhà khoa học địa chất. Ông đã dành 25 năm để nghiên cứu hệ thống tinh vi này.
Tất cả bắt đầu từ những đỉnh đồi
Hàng chục hồ chứa nước nằm rải rác quanh thành phố, thu thập và lưu trữ từng giọt nước mưa cho mùa đông.
“Nơi cao nhất trong khu vực là ở thung lũng, chúng ta có một bể chứa có thể thu thập nước từ cả đỉnh đồi. Việc giữ nước thành công giúp giải thích tại sao nước thu thập được lạ chảy từ cao xuống và dồi dào như vậy” – Tiến sĩ Thomas Paradise cho biết thêm.
Nước sau đó chảy xuống thành phố, thông qua hệ thống kênh đào lắt léo.
“Những ống dẫn nước bằng đất nung được nối dần xuống dưới. Chúng rất giống loại ống chúng ta sử dụng trên khắp hành tinh 2.000 năm sau” – Nhà địa chất học Thomas Paradise tiếp tục mô tả với Smithsonian Chanel về hệ thống cấp nước cổ đại của người Nabatea – “Chúng ta có hơn 160km kênh đào trên khắp Petra, nơi nước chậm rãi chảy vào thành phố và được lưu trữ trong hàng loạt bể chứa. Nếu chú ý, các bạn sẽ thấy kênh đào không dốc lắm, mà hơi thoải. Nếu quá dốc, nước sẽ chảy ồ ạt. Nếu quá bằng phẳng, nước sẽ chảy vào các bể chứa quá chậm”.
Những ống dẫn nước bằng đất nung rất giống loại ống được sử dụng trên khắp hành tinh 2.000 năm sau.
Nghiên cứu khảo cổ hé lộ hệ thống này cung cấp cho Petra 45,4 triệu lít nước mỗi ngày, đáp ứng tất cả nhu cầu nước sinh hoạt và nông nghiệp.
Thậm chí, có đủ nước để đổ đầy bể bơi công cộng dài gần 43m trong khu vườn hoàng gia, một tiện nghi xa xỉ giữa sa mạc, mà không nơi nào có thể sánh bằng.
“Chúng ta đang xem xét một thành tựu kỹ thuật 2.000 năm quá đỗi xuất sắc” – Tiến sĩ Thomas Paradise kết luận.
Nền văn minh Nabatean cổ đại ngụ tại miền Nam Jordan, Canaan và phía Bắc Arabia từ thế kỷ thứ 6 trước Công nguyên, khi mà những người du mục Nabatean nói tiếng Aramaic bắt đầu di cư khỏi Ả Rập. Không ai biết Petra được hình thành từ bao giờ. Chỉ biết vùng đất này nằm ở vị trí đắc địa cho việc buôn bán, nằm trên con đường thương mại nối giữa vùng Tây Á và Ai Cập thời xưa. Vì vậy, người Nabatean đã chọn nơi đây làm thủ đô và thành phố bắt đầu hưng thịnh trong vài thế kỷ trước và sau Công nguyên (SCN). Các di tích về người Nabatean được khắc vào các tảng sa thạch trên các ngọn núi của Jordan, và được nhớ đến với kỹ thuật thủy lợi. Việc quản lý hệ thống phức tạp các đập nước, kênh rạch và hồ chứa đã giúp họ mở rộng và phát triển mạnh trong một khu vực sa mạc khô cằn. |