Ngày 24/1, Tổ biên tập dự thảo Luật Năng lượng Nguyên tử (Bộ KHCN) phối hợp với Tạp chí nghiên cứu lập pháp (VPQH) tổ chức hội thảo Luật Năng lượng Nguyên tử, ông Vương Hữu Tấn, Tổ trưởng tổ biên tập cho biết: trong năm 2007 Luật Năng lượng Nguyên tử sẽ trình Quốc hội xem xét.
Hội thảo lần này có sự tham gia đông đảo của các nhà quản lý khoa học, chuyên gia về lĩnh vực nguyên tử. Tại đây các đại biểu đều thống nhất cho rằng: cần nhanh chóng xây dựng Luật Năng lượng Nguyên tử nhằm thúc đẩy phát triển ngành Năng lượng nguyên tử Việt Nam, bảo đảm an toàn cho mọi hoạt động trong lĩnh vực này; đồng thời phù hợp với các điều ước quốc tế, phục vụ quá trình hội nhập.
Tiến sĩ Trần Hà Anh nhận định việc xác định và xây dựng mô hình tổ chức của ngành năng lượng nguyên tử là một công việc rất quan trọng, cần được nghiên cứu một cách khoa học, kỹ lưỡng phải có sự tham gia đóng góp ý kiến của nhiều chuyên gia trong lĩnh vực có liên quan.
Đồng thời sự ra đời của nhà máy điện hạt nhân phải do Nhà nước sở hữu nhưng cũng cần có sự khuyến khích đầu tư của các các tổ chức khác. Hơn nữa, vấn đề giải thích các thuật ngữ trong luật cần theo thứ tự theo vần chứ không lên sắp xếp không theo vần như hiện nay.
Tiến sĩ Hoàng Văn Tú cho rằng: Một số chương liên quan với nhau về quản lý nhà nước cần rút ngắn như tổ chức, chức năng, nội dung của quản lý nhà nước, hợp tác quốc tế về năng lượng nguyên tử.
Các chương này cần xem xét đưa chung vào một chương không nhất thiết phải tách thành từng chương độc lập. Cũng theo Tiến sĩ Hoàng Văn Tú đối với nguồn bức xạ, tổ chức và cá nhân có thể phải thực hiện 2 hành vi là khai báo và đăng ký.
Như vậy quy định về xin giấy phép nâng cấp, mở rộng phạm vi mục đích hoạt động của cơ sở bức xạ sẽ không cần thiết và loại hình giấy phép hoạt động của cơ sở bức xạ cần chuyển thành loại hình giấy phép vận hành cơ sở bức xạ.