Miệng hố va chạm thiên thạch lớn nhất thế giới

Các nhà nghiên cứu tìm thấy bằng chứng về một miệng hố va chạm thiên thạch rộng 520km ở độ sâu 4.000m bên dưới Australia ngày nay.

Từ năm 1995 đến năm 2000, nhà địa chất học Tony Yeates suy đoán mô hình từ trường bên dưới lưu vực Murray ở bang New South Wales nhiều khả năng đến từ một cấu trúc va chạm đồ sộ bị chôn vùi. Phân tích mới dựa trên dữ liệu địa vật lý thu thập trong năm 2015 - 2020 xác nhận sự tồn tại của cấu trúc rộng 520km ẩn sâu dưới 4.000m trầm tích.


Miệng hố mới phát hiện có thể là kết quả của vụ va chạm thiên thạch cách đây hàng trăm triệu năm. (Ảnh: Forbes)

Cấu trúc này vượt xa kích thước của miệng hố va chạm Vredefort rộng gần 300m ở Nam Phi, hiện nay là miệng hố va chạm lớn nhất thế giới. Dựa vào hình dáng, nhóm tác giả nghiên cứu nhận định cấu trúc dưới lòng đất có tên Deniliquin, đặt theo thị trấn ở gần đó, là dấu tích của một vụ va chạm cổ đại, Forbes hôm 11/8 đưa tin.

Dữ liệu từ trường của khu vực cho thấy bề mặt đối xứng đồng tâm, nhiều khả năng hình thành bởi nhiệt độ cực cao thường gặp trong vụ va chạm. Vắt ngang qua hình dạng bề mặt đó là từ trường dị thường. Nhóm nghiên cứu đứng đầu là Andrew Glikson và Tony Yeates ở Đại học New South Wales cho rằng đó là vết nứt gãy tỏa ra từ điểm va chạm và đường rãnh của đá nóng chảy bắn vào khe nứt ở tầng đá gốc từ trước.

Khảo sát địa chấn cũng hé lộ một vòm trung tâm, đặc trưng của miệng hố va chạm lớn. Vụ va chạm thiên thạch làm mặt đất lõm xuống, nhưng sau đó mặt đất đùn lên, tạo thành mô đất lớn như quả núi ở trung tâm. Thông qua trầm tích bao phủ cấu trúc, các nhà nghiên cứu suy đoán một thiên thạch từng đâm xuống Trái Đất ở gần xích đạo cách đây 440 - 500 triệu năm.

Để xác nhận nguồn gốc thiên thạch và niên đại của cấu trúc Deniliquin, các nhà khoa học sẽ cần thu thập mẫu đá bên trong miệng hố. Bằng chứng địa chất như khoáng chất chỉ ra đời trong điều kiện cực hạn của va chạm thiên thạch hoặc hoa văn rạn nứt trên đá có thể chứng minh giả thuyết về vụ va chạm.

Tính đến nay, giới nghiên cứu đã biết khoảng 200 miệng hố va chạm trên mặt đất. Hơn một nửa nằm ở châu Âu, Bắc Mỹ và Australia. Niên đại của phần lớn cấu trúc va chạm còn sót lại chưa đến 200 triệu năm và các cấu trúc nhỏ hơn 5 km hầu hết chưa được mô tả đầy đủ. Quá trình xói mòn thường phá hủy nhanh chóng hoặc chôn vùi miệng hố ở những khu vực thường có hoạt động kiến tạo, như gần vùng đứt gãy hoặc trên đáy biển. Miệng hố va chạm được bảo tồn tốt nhất bên trong phần lõi ổn định của các lục địa như Canadian, bán đảo Fennoscandia và Australia.

Cập nhật: 21/08/2023 VNE
Danh mục

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Khoa học vũ trụ

Danh nhân thế giới

Ngày tận thế

1001 bí ẩn

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Khoa học quân sự

Lịch sử

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Hỏi đáp Khoa học

Công nghệ mới

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Ứng dụng khoa học

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Video