Nên dùng kem chống nắng loại nào: Khoáng chất hay hóa học?

Mỗi năm và mỗi mùa lại mang đến những xu hướng làm đẹp, chăm sóc sức khỏe mới. Trong vài năm qua, kem chống nắng với các thành phần hoàn toàn tự nhiên hay còn gọi là kem chống nắng khoáng chất đang ngày càng phổ biến và khi mùa hè đến, hẳn là trang Facebook của bạn tràn ngập các quảng cáo về loại kem chống nắng được cho là "lành mạnh hơn" so với kem chống nắng thông thường.

Kem chống nắng khoáng chất có an toàn hay tốt cho sức khỏe hơn kem chống nắng hóa học hay không hiện vẫn chưa rõ, nhưng Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) đang kiểm soát thị trường kem chống nắng và tìm xem có thành phần nào trong các loại kem chống nắng đã được phê duyệt, có hại cho sức khỏe con người.

Kem chống nắng khoáng chất và kem chống nắng thông thường


Kem chống nắng được phân loại là hóa học hoặc vật lý, dựa trên cách chúng hoạt động.

Kem chống nắng được chia thành hai loại chính, Tiến sĩ Tyler Hollmig, giám đốc phẫu thuật da liễu tại Đại học Y khoa ở Austin, cho biết. Hai loại chính đó được phân loại là hóa học hoặc vật lý, dựa trên cách chúng hoạt động.

Cả hai loại đều được chứng minh giúp giảm tổn thương ngắn và dài hạn cho da, giảm nguy cơ bị cháy nắng và ung thư da. Khác biệt duy nhất là cách chúng phát huy tác dụng.

"Kem chống nắng hóa học hoạt động gần giống như một miếng bọt biển, hấp thụ tia UV, trong khi kem chống nắng vật lý hoạt động giống như một tấm khiên, làm chệch hướng các tia nắng mặt trời", Tiến sĩ Hollmig giải thích.

Các thành phần phổ biến trong kem chống nắng hóa chất - cũng chính là loại kem chống nắng thông thường - bao gồm oxybenzone, avobenzone, octisalate, octocrylene, homosalate và octinoxate. Kem chống nắng hóa học có xu hướng "dễ sử dụng hơn và giảm thiểu dư lượng màu trắng đục", Tiến sĩ Hollmig nói.

Mặt khác, kem chống nắng vật lý (còn gọi là kem chống nắng khoáng chất) có chứa oxit kẽm hoặc titan dioxide, và người dùng thường cảm thấy dính trên da.

Cơ thể con người có thể hấp thụ kem chống nắng hóa học?

Một phần lý do khiến kem chống nắng khoáng chất trở nên phổ biến là vì nhiều người lo lắng cơ thể của họ sẽ hấp thụ các thành phần trong kem chống nắng hóa học. Nhưng điều đó không thể xảy ra dựa theo cách chúng hoạt động: kem chống nắng được thoa lên da bạn và làm chệch hướng tia nắng mặt trời, chúng dễ dàng bị trôi đi với mồ hôi hoặc nước.

Tuy vậy, lo lắng là không thừa, bởi vì một vài thành phần trong một số loại kem chống nắng đã hấp thụ và xâm nhập vào máu, mặc dù cho đến nay không có dữ liệu nào cho thấy có loại kem chống nắng hóa học nào được FDA phê chuẩn lại có hại.

Hai thành phần có thể gây hại cho người dùng khi chúng hấp thụ qua da (và nhiều thành phần khác trong liệt kê bên dưới), nhưng nên nhớ, kem chống nắng hóa học độc hại hoặc nguy hiểm cho sức khỏe con người không được FDA phê chuẩn.

FDA đang nỗ lực thu thập thêm dữ liệu an toàn về mức độ hấp thụ của da đối với các thành phần chống nắng đã được phê duyệt và quan trọng nhất là việc hấp thụ kem chống nắng có ảnh hưởng gì đến da hoặc cơ thể bạn hay không. Vào tháng 2/2019, FDA đã ban hành một quy tắc yêu cầu các nhà sản xuất cung cấp thêm dữ liệu về sự an toàn của một số thành phần chống nắng được sử dụng ở Mỹ trong nhiều năm.

Vào tháng 1/2020, FDA đã công bố bản tóm tắt về một thử nghiệm lâm sàng liên quan đến sự hấp thụ của kem chống nắng. Báo cáo chỉ ra rằng: "có bằng chứng cho thấy một số hoạt chất chống nắng có thể được hấp thụ. Tuy nhiên, thực tế một thành phần được hấp thụ qua da và vào cơ thể không có nghĩa là thành phần đó không an toàn".

Và như vậy, FDA tiếp tục khuyên mọi người nên sử dụng kem chống nắng để bảo vệ làn da.


FDA tiếp tục khuyên mọi người nên sử dụng kem chống nắng để bảo vệ làn da.

Những thành phần có hại trong kem chống nắng hóa học

Có 16 hoạt chất được tìm thấy trong kem chống nắng, bao gồm:

  • Cinoxate
  • Dioxybenzone
  • Ensulizole
  • Homosalate
  • Meradimate
  • Octinoxate
  • Octisalate
  • Octocrylene
  • Padimate O
  • Sulisobenzone
  • Oxybenzone
  • Avobenzone
  • Para-aminobenzoic acid
  • Trolamine salicylate
  • Zinc oxide
  • Titanium dioxide

Trong quy tắc được đưa ra vào tháng 2/2019, FDA đề xuất chỉ có hai trong số các thành phần trên được phân loại là "an toàn và hiệu quả" (GRASE) - đó là oxit kẽm và titan dioxide, có trong kem chống nắng khoáng chất. FDA muốn có thêm dữ liệu về sự an toàn và hiệu quả của 12 thành phần trên. Ngoài ra, đối với hai thành phần cuối cùng, là Para-aminobenzoic acid (PABA) và trolamine salicylate, FDA đề xuất dán nhãn không an toàn và hiệu quả. FDA đã đánh giá các thành phần đó và kết luận "sử dụng các hoạt chất này trong kem chống nắng mang lại rủi ro nhiều hơn lợi ích".

Cả PABA và trolamine salicylate hiện đều không được phép sử dụng trong kem chống nắng do FDA phê chuẩn.

"Điều quan trọng cần lưu ý ở đây là FDA yêu cầu thêm dữ liệu không có nghĩa là các thành phần đó không an toàn", Tiến sĩ Hollmig nói. "Trên thực tế, nhiều bác sĩ da liễu cảm thấy FDA quá nghiêm ngặt trong việc quản lý kem chống nắng".

"Một số loại kem chống nắng tuyệt vời được sử dụng trong nhiều thập kỷ ở châu Âu, được chứng nhận hồ sơ an toàn, nhưng chúng chưa bao giờ được chấp thuận ở Mỹ", ông cho biết. Kem chống nắng khoáng chất và kem chống nắng hóa học: Cái nào tốt hơn?

Do đang thiếu các căn cứ khoa học, Tiến sĩ Hollmig không khuyên người tiêu dùng nên lựa chọn loại kem chống nắng nào - nếu bạn muốn bảo vệ làn da, một trong hai loại đều có thể giúp bạn.

"Tôi là bác sĩ da liễu", bác sĩ Hollmig nói, "vì vậy trước tiên tôi khuyên bạn nên tránh ánh nắng mặt trời, ít nhất là vào giờ cao điểm. Có lẽ tôi sẽ sống trong hang động nếu có thể!"

Nhưng vì tất cả chúng ta không thể sống trong hang động (và dù sao chúng ta cũng cần đủ vitamin D để có sức khỏe tốt), Tiến sĩ Hollmig đưa ra một số lời khuyên như cần trang bị quần áo và phụ kiện chống nắng, như mũ rộng vành, kem chống nắng, bất kể loại kem nào.

Nói cách khác, kem chống nắng khoáng chất hay hóa học cũng đều tốt hơn nhiều so với việc không dùng gì để bảo vệ da.

"Những lợi ích của việc sử dụng kem chống nắng hóa học - giảm nguy cơ ung thư da, giảm cháy nắng, giảm lão hóa da - hoàn toàn vượt xa những rủi ro lý thuyết về sự hấp thụ", Tiến sĩ Hollmig nói, mặc dù ông nói thêm rằng cần có thêm các nghiên cứu khoa học.

Điểm mấu chốt để sống an toàn trong mùa hè là: Mặc quần áo chống nắng, sử dụng kem chống nắng khi ra ngoài (nhưng cũng hãy đảm bảo cơ thể được bảo vệ cân bằng và nhận đủ vitamin D).


Kem chống nắng phải có khả năng chống tia UVA và UVB, trong đó SPF từ 30 trở lên.

Kem chống nắng cần có những đặc điểm này, dù là khoáng chất hay hóa học

Kem chống nắng phải có khả năng chống tia UVA và UVB, trong đó SPF (hệ số chống nắng) từ 30 trở lên, và có khả năng chống nước.

"SPF đề cập đến khả năng sản phẩm có thể giảm sự xâm nhập của tia UVB, gây ra cháy nắng và ung thư da", bác sĩ Hollmig giải thích. "Ánh sáng UVA khó ngăn chặn hơn, nhưng đã được chứng minh góp phần gây lão hóa da và một số khối u ác tính. Do đó, kem chống nắng phải giảm được tác động của cả UVA và UVB".

Đối với thông số kỹ thuật SPF 30, Tiến sĩ Hollmig cho biết đó là mức được khuyến nghị vì SPF 15 ngăn chặn khoảng 93% ánh sáng tia cực tím, trong khi SPF 30 chặn 97%.

Kem chống nắng có chỉ số SPF trên 30 thực sự chỉ có khả năng ngăn chặn thêm 3% tia cực tím hấp thụ vào da, quá ít để chúng ta chi thêm nhiều tiền mua sản phẩm giá cao này.

"Bạn không cần phải chi quá nhiều tiền để tìm một loại kem chống nắng tuyệt vời", Tiến sĩ Hollmig nói. "Các sản phẩm đắt tiền hơn thường mang lại cảm thấy tốt hơn khi chúng được thoa lên da, nhưng điều này không có nghĩa là chúng tốt hơn trong việc ngăn chặn các tia UV có hại".

Dù bạn mua gì, hãy đảm bảo bạn dùng kem chống nắng suốt cả ngày để có hiệu quả tối ưu, Tiến sĩ Hollmig khuyên.

Cập nhật: 22/06/2020 Theo vnreview
Danh mục

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Khoa học vũ trụ

Danh nhân thế giới

Ngày tận thế

1001 bí ẩn

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Khoa học quân sự

Lịch sử

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Hỏi đáp Khoa học

Công nghệ mới

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Ứng dụng khoa học

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Video