Những thông điệp bí ẩn ở Madagascar

Người ta tìm thấy ở Madagascar những phiến đá chứa nhiều thông điệp lâu đời, có thể là câu chuyện về một con tàu không bao giờ cập bến.

Nosy Mangabe là một hòn đảo nhiệt đới nhỏ nằm trong vịnh Antongil cách bờ biển Madagascar khoảng 2 km. Người ta tìm thấy ở đây những phiến đá chứa nhiều thông điệp từ hàng trăm năm trước.


Hòn đảo được che phủ bởi những cánh rừng rậm rạp và hoàn toàn vắng bóng người. (Ảnh: Amusing).

Vào thế kỷ 16 và 17, nơi đây là điểm dừng chân thường xuyên của các con tàu Hà Lan trên đường đến miền Viễn Đông vòng qua Mũi Hảo vọng. Các thủy thủ thường tiếp nước sạch, sửa chữa các phần hư hỏng hay hồi phục sức khỏe sau những chuyến đi dài.

Trong thời gian lưu lại, họ thường lang thang xung quanh bờ biển và khắc tên lên các tảng đá. Một số viết tên con tàu, tên thuyền trưởng, hoặc ngày đến và ngày đi. Qua thời gian, một hệ thống giao tiếp tài tình bắt đầu được khám phá và đưa vào sử dụng.

Các thủy thủ Hà Lan bắt đầu để lại thông điệp trên đá; hay có thời điểm họ gói các bức thư bằng vải bố phủ hắc ín để chống nước và chôn dưới chân các mỏm đá. Mục đích của việc này là để các con tàu Hà Lan tiếp theo dừng chân trên đảo có thể thu thập thông tin và để lại cho những người đến sau.

Những năm đầu thập niên 20 của thế kỷ 20, một nhà thám hiểm không chuyên của Pháp đã phát hiện hàng chục phiến đá dạng này và gọi chúng là "đá đưa thư". Đến năm 2012, một đội nghiên cứu do nhà khảo cổ đại dương học Wendy van Duivenvoorde từ đại học Flinders ở Australia dẫn đầu đã phát hiện thêm nhiều phiến đá khác.

Thông điệp được khắc lên các phiến đá lớn đến nay vẫn được gọi là "Plage des Hollandais", có nghĩa là “Bờ biển của người Hà Lan".


Duivenvoorde và đội của bà đã phát hiện thêm khoảng 40 thông điệp khắc trên đá, được các thuyền trưởng và thủy thủ của ít nhất 13 tàu Đông Ấn Hà Lan để lại trong giai đoạn 1601-1657. (Ảnh: Amusing).

Có nhiều câu chuyện hấp dẫn được ghi lại trên các phiến đá. Một trong số đó kể về một con tàu có tên Middleburg cập hòn đảo này, sau khi bị một cơn bão tàn phá nghiêm trọng đến mức mất hết cột buồm vào năm 1625. Con tàu đã phải neo đậu tại đây suốt 7 tháng trong khi các thủy thủ sửa chữa và dựng cột buồm mới. "Thật không thể hiểu bằng cách nào họ có thể cập bến mà không có cột buồm", Duivenvoorde nói.

Khi các thuyền viên Middleburg đóng được cột buồm mới, con tàu lại tiếp tục chuyến đi trở lại Hà Lan. Nhưng không may, nó đã không bao giờ hoàn tất hành trình đó. Khi tới gần đảo St Helena ở Nam Đại Tây Dương, con tàu đã bị người Bồ Đào Nha tấn công và nhấn chìm, mang theo tất cả thuyền viên. Tuy nhiên, Middleburg không bao giờ bị lãng quên. Những bức thư, hiện vẫn nằm trong kho lưu trữ về công ty Đông Ấn Hà Lan ở The Hague, là chứng tích cuối cùng được lưu lại về những thành viên con tàu xấu số này.

Vào cuối thế kỷ 16, Hà Lan đã ra lệnh cấm hệ thống thư tín trên đá bởi họ phát hiện ra những thông điệp thường đến sai địa chỉ. Thuyền viên của các công ty đối thủ bắt đầu đánh cắp thư từ các mỏm đá và dùng chúng để lần theo các hoạt động của đối phương. Từ đó, tàu Hà Lan bắt đầu thuê người địa phương giữ các lá thư.


Những tảng đá đưa thư này cũng đã được tìm thấy ở đảo St Helena và Mũi Hảo Vọng ở Nam Phi. (Ảnh: Amusing).

Những tảng đá đưa thư là một phần quan trọng trong lịch sử thư tín của Nam Phi. Ngày nay du khách có thể chiêm ngưỡng những phiến đá này trong một vài bảo tàng ở Cape Town, nhưng Nosy Mangabe mới là nơi duy nhất mà những phiến đá đưa thư được giữ đúng hiện trạng.

Cập nhật: 29/05/2018 Theo VNE
Danh mục

Công nghệ mới

Phần mềm hữu ích

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Danh nhân thế giới

Khoa học vũ trụ

1001 bí ẩn

Ngày tận thế

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Lịch sử

Khoa học quân sự

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Bệnh và thông tin bệnh

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Virus Covid 19

Ứng dụng khoa học

Khoa học & Bạn đọc

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Góc hài hước

Video