Phát minh ra thủy điện, tia X, Tesla lẽ ra phải được công nhận từ lâu

Vì tính cách lập dị và những tuyên bố khó tin về sự phát triển của khoa học kỹ thuật, Tesla bị cô lập và được xem là nhà bác học điên lúc cuối đời.

Tesla có lẽ là nhà phát minh vĩ đại mà bạn ít được nghe nói đến trong thời gian dài.

Người ta có thể nhận ra cái tên Tesla được đặt cho hãng xe điện nổi tiếng, hoặc là nhân vật chính trong bộ phim "Trận chiến ánh sáng" (The Current War: Director's Cut) có sự tham gia của Benedict Cumberbatch trong vai Thomas Edison. Tất cả những điều đó đều lấy cảm hứng từ Nikola Tesla, người nổi tiếng với tài năng của mình hơn là những gì được lịch sử thừa nhận.

Ông là nhà khoa học có tầm nhìn, phát triển nền tảng cho điện xoay chiều được sử dụng rộng rãi ngày nay, đồng thời tiên phong trong nhiều công nghệ cải thiện cuộc sống hàng ngày. Gốc gác Siberia, chuyển đến thành phố New York năm 1884, Tesla nắm giữ khoảng 300 bằng sáng chế trong suốt sự nghiệp.

"Không có tiện ích hiện đại nào ngày nay chúng ta tận hưởng mà không có bàn tay Tesla chạm vào", Marc Alessi, Giám đốc điều hành Trung tâm khoa học Tesla tại Wardenclyffe, New York, Mỹ cho biết.


300 sáng chế của Tesla có thể làm thay đổi lịch sử nhân loại. (Ảnh: Etsy).

Dòng điện xoay chiều

Đây là công nghệ đã gây nên cuộc chiến giữa Tesla và Edison.

Năm 1884, Tesla rời châu Âu để làm việc cho Edison, sau khi được hứa thuê 50.000 USD để cải tiến dòng điện một chiều. Tất nhiên, dòng điện xoay chiều của Tesla tỏ ra ưu việt hơn. Nó có thể đảo chiều nhiều lần trong một giây, dễ dàng chuyển đổi thành điện cao hay thấp áp.

"Tesla đã làm việc chăm chỉ 20 giờ một ngày. Ông luôn cố gắng thuyết phục Edison chuyển sang dòng điện xoay chiều", Alessi nói với CNN, "Rốt cuộc, Edison không trả tiền cho Tesla, nói rằng lời hứa của mình chỉ là trò đùa. Tesla đành bỏ cuộc".


Nhà vật lý Thomas Edison (1847 - 1931) đang nhìn một chiếc bóng đèn. (Ảnh: Getty).

Theo Bộ Năng lượng Mỹ, Edison không muốn mất tiền bản quyền có được từ các bằng sáng chế điện một chiều đang sở hữu. Do đó, ông hạ thấp uy tín điện xoay chiều của Tesla bằng chiến dịch truyền thông cho rằng loại điện này là rất nguy hiểm.

Edison thậm chí đưa các trường hợp động vật bị điện giật chết để tăng mức độ nguy hại của điện xoay chiều. Đáp lại, Tesla công khai thử nghiệm cho điện xoay chiều 250.000 volt đi qua bản thân để cho thấy nó an toàn.

Ngày nay, việc phổ biến của dòng điện xoay chiều đã chứng minh cho sự vĩ đại của Tesla. Nguồn điện AC được sử dụng trong tủ lạnh, dụng cụ điện, quạt..., trong khi DC vẫn được dùng trong một số loại máy móc công nghiệp, song đòi hỏi phải bảo trì nhiều hơn.

Sóng radio

Lịch sử ghi nhận doanh nhân người Ý Guglielmo Marconi là người phát minh radio. Nhưng đôi khi lịch sử cũng sai.

Marconi gửi đường truyền vô tuyến đầu tiên xuyên Đại Tây Dương, song nó sử dụng công nghệ từ 17 bằng sáng chế của Tesla. Một cuộc chiến tranh giành khác xảy ra ở đây.


Kỹ sư điện người Ý, khoa học gia Nobel Guglielmo Marconi. (Ảnh: Getty).

Cuối cùng, Tòa án Tối cao Mỹ thu hồi bằng sáng chế vô tuyến của Marconi vào năm 1943 để ủng hộ Tesla và hai nhà khoa học Oliver Lodge và John Stone. Không may, Tesla và Marconi đã qua đời từ trước đó.

"Tesla là người đặt nên cột mốc mới cho công nghệ không dây", Ivana Zoric, người phụ trách Bảo tàng Nikola Tesla ở Belgrade, Serbia cho biết, "Tesla chính là người đàn ông phát minh ra thế kỷ 20".

Điều khiển từ xa

Nếu giờ bạn có thể ngồi một chỗ, không cần rời khỏi ghế để chuyển kênh TV, bạn phải cảm ơn Tesla. Ông đã phát minh ra một trong những thiết bị điều khiển từ xa sớm nhất thế giới, cái ông gọi là "teleautomaton".

Thiết bị được cấp bằng sáng chế năm 1898, được Tesla dùng để điều khiển một chiếc thuyền thu nhỏ từ xa trong cuộc triển lãm điện tại Madison Square Garden.

Theo Bảo tàng Tesla ở Belgrade, Tesla biết phát minh này quan trọng như thế nào, nên ông cũng đã đăng ký bằng sáng chế cho nó ở 11 quốc gia.

Tia X quang

Tesla là người tiên phong trong công nghệ X-quang. Ông đã chụp một số hình ảnh X quang đầu tiên cơ thể con người, thứ ông gọi là "shadowgraphs". Ông cũng là một trong những nhà khoa học đầu tiên đưa ra giả thuyết tia X có thể gây hại.


Phần lớn chúng ta chỉ biết tia X được tìm thấy bởi nhà nghiên cứu Wilhelm Conrad Roentgen mà không biết Tesla cũng là tiên phong trong nghiên cứu loại ánh sáng này. (Ảnh: Everett Colection).

Theo một bài báo học thuật xuất bản năm 2008 trên Radio Graphics: "Mọi chuyên gia về X-quang đều biết những nghiên cứu của Nikola Tesla trong lĩnh vực điện từ... nhưng chỉ số ít biết Tesla cũng có các thí nghiệm về tia X".

Tuy nhiên, người ta cũng không quên công sức của Tesla. Tên của ông được đặt cho đơn vị đo cường độ cảm ứng từ trong hệ đo lường quốc tế.

Thủy điện

Tesla là tên tuổi lớn trong ngành năng lượng tái tạo. 9 trong số 12 bằng sáng chế dùng để thiết kế một trong những nhà máy thủy điện đầu tiên trên thế giới, xây dựng tại Thác Niagara, New York thuộc về Tesla.

"Khi còn nhỏ, chú của Tesla đọc cho ông nghe một cuốn sách về Thác Niagara. Điều đầu tiên ông ấy nghĩ là về năng lượng. Nước rơi với ông là năng lượng", Alessi giải thích.


Một phần khu vực thác Niagara tại New York, Mỹ. (Ảnh: Worldofwaterfalls).

Vào những ngày đầu con người sử dụng năng lượng hóa thạch cho cuộc cách mạng công nghiệp, Tesla đã cho rằng: ''Đó không phải là con đường chúng ta nên đi. Nó thật ô nhiễm và không lâu bền".

Theo Trung tâm Khoa học Tesla, Tesla muốn phát triển năng lượng sạch vì ông hiểu được tính vật lý đằng sau năng lượng, cùng những gì có thể có trong tương lai. Ngay ở thời đại của mình, Tesla đã đề xuất sử dụng các nguồn năng lượng tái tạo như nước, gió và Mặt Trời.

Cập nhật: 05/11/2019 Theo Zing
Danh mục

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Khoa học vũ trụ

Danh nhân thế giới

Ngày tận thế

1001 bí ẩn

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Khoa học quân sự

Lịch sử

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Hỏi đáp Khoa học

Công nghệ mới

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Ứng dụng khoa học

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Video