Phi hành đoàn chiếc máy bay gần đó đã bật khóc khi chứng kiến chiếc phi cơ đâm vào sườn núi trong sự bất lực của kiểm soát viên không lưu.
Juan Sebastian Upegui, cơ phó trên một chiếc máy bay của hãng hàng không Avianca, Colombia, là người đã chứng kiến thảm họa kinh hoàng khi chiếc máy bay của hãng LaMia chở 77 người, trong đó có một đội bóng Brazil, đâm vào sườn núi gần sân bay thành phố Rio Negro, khiến 71 người thiệt mạng hôm 28/11, theo Telegraph.
Phi công này hôm qua công bố đoạn băng ghi âm dài 4 phút, ghi lại tín hiệu trao đổi vô tuyến cuối cùng giữa cơ trưởng chiếc máy bay Avro RJ85 xấu số với kiểm soát viên không lưu ở sân bay Jose Maria Cordova, Colombia trước khi thảm kịch xảy ra ngay trước mắt ông.
Khoảng 18h ngày 28/11, chiếc máy bay của cơ phó Upegui tiến đến gần sân bay Jose Maria Cordova và được lệnh bay vòng vòng trên không trung để nhường quyền ưu tiên hạ cánh cho một chiếc máy bay khác của hãng VivaColombia mang số hiệu FC8170. Phi công chiếc máy bay báo cáo gặp sự cố trên khoang và xin hạ cánh khẩn cấp xuống sân bay.
Chiếc máy bay vỡ nát sau khi đâm vào sườn núi. (Ảnh: Reuters).
Đúng lúc đó, chiếc phi cơ chở đội bóng Brazil do cơ trưởng Miguel Quiroga điều khiển cũng vừa tới gần sân bay và xin phép hạ cánh. Vì lúc này chiếc FC8170 đang hạ độ cao để hạ cánh khẩn cấp, kiểm soát viên không lưu yêu cầu Quiroga cho máy bay lượn vòng ở độ cao khoảng 3,6km, chờ tới lượt hạ cánh, cũng giống như máy bay của cơ phó Upegui.
Đó cũng là lúc Upegui chứng kiến những giây phút cuối cùng của chiếc máy bay xấu số, cũng như đoạn trao đổi đầy gấp gáp giữa cơ trưởng Quiroga với đài kiểm soát không lưu khi chiếc phi cơ bắt đầu gặp trục trặc không thể cứu vãn.
Trong đoạn ghi âm, cơ trưởng Quiroga nói với nhân viên kiểm lưu: "Chúng tôi yêu cầu được quyền ưu tiên hạ cánh xuống đường băng. Chúng tôi gặp vấn đề về nhiên liệu". Tuy nhiên, nữ kiểm lưu đã không thể đáp ứng được yêu cầu này, vì chiếc máy bay của hãng VivaColombia đã bắt đầu hạ cánh.
Một lúc sau, khi chiếc phi cơ mất độ cao xuống còn 2,7km, cơ trưởng Quiroga bắt đầu cầu xin sự giúp đỡ từ kiểm soát viên không lưu. "Chúng tôi đã bị mất điện hoàn toàn, chúng tôi đã mất điện hoàn toàn. Xin hãy giúp đỡ, chúng tôi cần góc để tiếp cận đường băng".
Upegui kể rằng trong khoảng ba phút, ông ngồi trong buồng lái chiếc máy bay Avianca bay gần đó, nghe trọn những lời trao đổi qua hệ thống liên lạc vô tuyến giữa Quiroga với đài kiểm soát không lưu. Những lời khẩn cầu của cơ trưởng Quiroga càng lúc càng trở nên tuyệt vọng, khi ông đưa ra lời kêu cứu cuối cùng: "Khẩn cấp, khẩn cấp!"
"Tôi nhớ rằng lúc đó tôi đã rất cầu mong họ vượt qua thời khắc khó khăn, lẩm nhẩm "Cố lên, cố lên, hạ cánh đi". Thế rồi liên lạc đột ngột chấm dứt. Giọng của kiểm soát viên không lưu bắt đầu nghẹn lại, cô ấy dường như rất đau buồn. Chúng tôi ngồi trong máy bay cũng bật khóc", Upegui kể lại.
Đó là lúc chiếc máy bay của hãng LaMia bắt đầu mất tốc độ và độ cao, lao xuống sườn núi và gây ra cú va chạm kinh hoàng khiến 71 người thiệt mạng ngay lập tức.
Hãng hàng không Avianca có trụ sở ở Bogota, thủ đô Colombia, xác nhận đoạn băng ghi âm trên là của một phi công trong hãng, nhưng từ chối bình luận. "Chúng tôi xác nhận đoạn băng thuộc về một thành viên tổ bay Avianca. Tuy nhiên, đây chỉ là quan điểm cá nhân, hãng không đưa ra bất cứ ý kiến nào về nội dung của nó", người phát ngôn của Avianca tuyên bố.
Thảm kịch có thể đã tránh được
Đường bay từ Santa Cruz tới Medellin của chiếc máy bay xấu số. (Đồ họa: AFP).
Các chuyên gia về hàng không cho rằng việc chiếc máy bay không phát nổ sau khi đâm vào sườn núi, cũng như không có nhiều dấu vết của nhiên liệu ở hiện trường, cho thấy đây có thể là một trong những trường hợp hiếm hoi máy bay gặp nạn vì hết nhiên liệu.
John Cox, cựu phi công hàng không, giám đốc công ty Hệ thống Vận hành An toàn ở Florida, Mỹ, cho rằng lượng nhiên liệu còn sót lại bên trong máy bay là vấn đề mà các điều tra viên cần phải xem xét rất kỹ lưỡng. "Chiếc máy bay gần như đã thực hiện hành trình tối đa của nó. Điều đó có nghĩa là ngay cả khi mọi thứ diễn ra thuận lợi, họ sẽ hạ cánh với còn rất ít nhiên liệu bên trong", Cox nói.
Chiếc máy bay Avro RJ85 cất cánh từ sân bay ở Santa Cruz, Bolivia để tới Medellin, Colombia, với chặng đường khoảng 2.977km, tương đương tầm bay tối đa của loại máy bay này nếu chở theo đủ hành khách và hành lý mà không mang theo bình nhiên liệu phụ. Với những đường bay như vậy, các hãng hàng không trên thế giới thường vận hành máy bay Boeing 737 hoặc Airbus A320 có kích thước lớn hơn, tầm bay xa hơn.
Trong khi đó, website của hãng LaMia cho biết tầm bay tối đa của chiếc Avro RJ85 chỉ là 2.965km, có nghĩa là với lượng nhiên liệu mang theo, chiếc máy bay chỉ có thể đến được đích trong điều kiện lý tưởng.
Thông thường các máy bay thương mại sẽ mang dư lượng nhiên liệu đủ cho khoảng 30-45 phút bay để đề phòng các trường hợp khẩn cấp như phải bay vòng nhằm tránh nhiễu loạn không khí hoặc chuyển hướng sang sân bay khác. Nếu không mang đủ lượng nhiên liệu, phi công thường phải dừng ở một sân bay giữa hành trình để tiếp liệu.
Tuy nhiên, cơ trưởng Quiroga đã không dừng lại ở bất cứ sân bay nào giữa chặng để tiếp thêm nhiên liệu, khiến nhiều người cho rằng ông muốn tiết kiệm thời gian và chi phí bay. Theo Independent, Quiroga cũng là đồng sở hữu hãng hàng không LaMia.
Các chuyên gia hàng không nhận định chính quyết định này của Quiroga đã khiến chiếc máy bay rơi vào thảm kịch mà lẽ ra đã tránh được. Khi tiếp cận sân bay ở Medellin, việc phải lượn vòng, nhường quyền ưu tiên hạ cánh cho máy bay khác đã đốt hết những giọt nhiên liệu cuối cùng của máy bay. Khi nhiên liệu cạn, động cơ ngừng hoạt động, các hệ thống điện trên máy bay cũng ngừng theo.
Cơ trưởng Quiroga. (Ảnh: Facebook).
Alfredo Bocanegra, người đứng đầu Cơ quan Hàng không Dân dụng Colombia, khẳng định các điều tra viên không loại trừ khả năng chiếc máy bay hết sạch nhiên liệu khi gặp nạn. Nhận định này càng được củng cố bởi lời khai của nữ tiếp viên Ximena Sanchez, người sống sót sau thảm kịch. "Chúng tôi hết nhiên liệu. Máy bay bị ngắt động cơ", cô nói khi được kéo ra khỏi xác máy bay.
"Tôi không thể hiểu được làm thế nào họ có thể thực hiện chuyến bay liên tục không dừng như vậy, trong khi đã có những quy định về mức nhiên liệu", Cox nói. "Nếu các điều tra viên chứng minh được giả thuyết này, đó sẽ là điều rất đau đớn vì nó xuất phát từ sự tắc trách".