Sai lầm cần tránh khi chữa sốt xuất huyết tại nhà

Tự ý truyền dịch, cắt lể khi điều trị sốt xuất huyết tại nhà, dễ dẫn đến tình trạng sốc, suy hô hấp, phù phổi, thậm chí tử vong.

Bác sĩ Nguyễn Minh Tuấn, Trưởng khoa Sốt xuất huyết, Bệnh viện Nhi đồng 1, TP HCM, cho biết hầu hết trường hợp sốt xuất huyết không có nguy cơ diễn tiến nặng đều có thể điều trị tại nhà. Tuy nhiên, gần đây ghi nhận một số ca tử vong do sốt xuất huyết hoặc biến chứng nặng. Trong đó một số trường hợp điều trị tại nhà trở nặng do tự ý truyền dịch.

Bác sĩ Tuấn nhấn mạnh, khi điều trị nội trú tại bệnh viện, bệnh nhân không đáp ứng bù dịch qua ăn uống, máu cô đặc nhiều do thất thoát huyết tương, có dấu hiệu cảnh báo ngày càng nặng, mới được chỉ định truyền dịch.


Bác sĩ Tuấn khám cho bệnh nhi sốt xuất huyết. (Ảnh: Thư Anh).

Bệnh nhân sốt xuất huyết thường sốt cao liên tục dẫn đến tình trạng mất nước. Nếu bệnh nhân ăn uống được, chỉ cần uống nhiều nước lọc, nước trái cây, dung dịch oserol, ăn cháo loãng là bù đủ lượng dịch đã mất. Riêng trẻ nôn ói quá nhiều, ăn uống kém, lừ đừ, cha mẹ phải đưa vào viện để bác sĩ xử trí.

Tại bệnh viện, nhân viên y tế lấy mẫu máu kiểm tra dung tích hồng cầu. Dung tích hồng cầu trong máu tăng cao hơn 20% so với chỉ số bình thường, cho thấy huyết tương thoát ra ngoài mao mạch gây cô đặc máu, tụt huyết áp. Lúc này, tùy vào thể trạng, giai đoạn và mức độ bệnh mà bác sĩ chỉ định cũng như tính toán liều lượng, tốc độ truyền dịch.

Theo bác sĩ Tuấn, tốc độ dịch truyền rất quan trọng, phải phù hợp với tốc độ thất thoát huyết tương. Nếu lượng dịch truyền vào máu chậm hơn lượng huyết tương thất thoát, máu không kịp loãng, người bệnh sẽ bị sốc phản vệ. Truyền dịch nhanh và nhiều lại làm quá tải tuần hoàn gây phù phổi.

"Bệnh nhân phù phổi giống như "chết đuối trên cạn", khó thở dữ dội, ho ra bọt hồng. Sau đó suy hô hấp, tử vong nếu hồi sức cấp cứu chậm", bác sĩ nhấn mạnh.

Ngoài ra, trong quá trình truyền dịch, bệnh nhân phải được theo dõi sát mạch, huyết áp, nước tiểu, hô hấp và lấy máu xét nghiệm. Kết quả chất lượng máu cải thiện, khi đó bệnh nhân mới an toàn. Tự truyền dịch ở nhà, các yếu tố trên khó đảm bảo.

Bác sĩ khuyến cáo nên tuân thủ hướng dẫn của nhân viên y tế để đạt hiệu quả điều trị tốt nhất. Ví dụ, dùng thuốc hạ sốt khi sốt trên 39 độ C, uống nhiều nước, ăn thức ăn mềm, lỏng, dễ tiêu. Tái khám đúng lịch để bác sĩ phát hiện sớm dấu hiệu cảnh báo, xét nghiệm thành phần máu xem có bất thường hay không. Ở nhà, nếu dứt sốt song mệt mỏi nhiều hơn, lừ đừ, vật vã, bứt dứt, tay chân lạnh, đau bụng, ói nhiều, xuất huyết nhiều thì phụ huynh cho con viện ngay, tránh biến chứng nguy hiểm.

Chuyên gia cũng chỉ ra các sai lầm "chết người" nên tránh khi điều trị sốt xuất huyết tại nhà. Tuyệt đối không cạo gió, cắt lể. Cách làm phản khoa học này sẽ khiến tình trạng xuất huyết ngoài da nặng hơn, thậm chí dẫn đến nhiễm trùng máu, sốc nhiễm trùng, nguy hiểm tính mạng. Không được dùng các loại thuốc hạ sốt liều cao là Ibuprofen, Aspirin thay thế Paracetamol. Người bị sốt xuất huyết dễ chảy máu đường tiêu hóa, các thuốc này càng gây viêm loét dạ dày tá tràng, khiến nguy cơ chảy máu ồ ạt, tổn thương gan.

Trẻ dưới 6 tuổi sốt hay bị co giật, phụ huynh tuyệt đối không lau mát bằng nước đá lạnh hoặc cồn. Cách này không hạ sốt mà còn làm co mạch máu, phỏng rộp da. Chỉ nên lau bằng nước ấm thấp hơn 2 độ C so với nhiệt độ cơ thể. Lau ở các vùng mạch máu lớn như hai bên cổ, hai bên nách, trán. Lau thường xuyên khoảng 15-30 phút, hạ sốt thì ngừng lại.

Không ăn uống thực phẩm có màu đen, đỏ, nâu như cháo huyết, chocolate, nước xá xị... Khi nôn, đi cầu, dịch có màu đỏ khiến khó phân biệt với xuất huyết tiêu hóa.

Sốt xuất huyết là bệnh quanh năm, cao điểm vào mùa mưa. Mọi độ tuổi đều có nguy cơ mắc bệnh. Virus Dengue gây sốt xuất huyết có bốn type 1, 2, 3, 4. Do đó, một người có thể bị sốt xuất huyết nhiều lần. Tái nhiễm có nguy cơ nặng hơn lần đầu.

Triệu chứng bệnh tương đối rõ rệt, gồm sốt cao và xuất huyết. Hai ngày đầu phát bệnh, người bệnh sốt cao đột ngột, liên tục. Cơ thể đau nhức, mệt mỏi, chán ăn, song rất ít người bị ho, chảy nước mũi. Ngày thứ 3, 4 trở đi, cơn sốt dứt hoặc giảm hẳn. Các chấm xuất huyết ngoài da xuất hiện. Người bệnh có thể chảy máu mũi, chảy máu chân răng, nôn ói, đi cầu ra máu. Nữ giới bị chảy máu sinh dục, rong kinh. Đây là giai đoạn nguy hiểm nhất của bệnh. Những ngày tiếp theo, các triệu chứng giảm dần, bệnh nhân bắt đầu hồi phục, thông thường qua 7 ngày là khỏe lại.

Cập nhật: 10/09/2020 Theo VnExpress
Danh mục

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Khoa học vũ trụ

Danh nhân thế giới

Ngày tận thế

1001 bí ẩn

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Khoa học quân sự

Lịch sử

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Hỏi đáp Khoa học

Công nghệ mới

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Ứng dụng khoa học

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Video