Giới thượng lưu có thú chơi ẩm thực dát vàng. Nhưng dát vàng lên đồ ăn có tác dụng gì không? Hãy cùng đến với câu chuyện đằng sau đó.
Bạn thích ăn món gì nhất? Gà hầm? Vịt quay? Pizza? Mỳ Ý? Bánh Donut? Hamburger? Giờ hãy tưởng tượng tất cả những thứ đó được phủ lên một lớp vàng bụi vàng óng ánh giống như miếng pizza dưới đây.
Pizza phủ vàng - bạn có muốn thử không?
Vâng! Đó đều là những món ăn có thật, và là thú ẩm thực xa xỉ của giới thượng lưu. Trong khi những thượng phẩm như trứng cá caviar, cá ngừ đại dương, gan ngỗng vỗ béo foie gras... phần nào mất đi sự hấp dẫn thì món ăn phủ vàng luôn có được vị thế đặc biệt đối với giới nhà giàu trên thế giới.
Đó cũng chính là lý do khiến các nhà hàng cao cấp luôn tìm cách đưa những món ăn dát vàng vào thực đơn. Như tại New York vào năm 2012, một nhà hàng đã khởi động chiến dịch mang tên "Douche Burger", bán ra một loại hamburger trị giá tới 666 USD (khoảng gần 15 triệu đồng theo tỉ giá hiện nay). Chiếc burger này bao gồm bò Kobe nhồi gan ngỗng foie gras, phomai Gruyere, trứng cá caviar phủ lên trên, bọc trong nấm và tôm hùm, cuối cùng là 6 lá vàng 24k.
Chẳng rõ ăn có ngon không, nhưng với những thành phần vừa nêu thì có lẽ chiếc bánh này cũng đáng đồng tiền bát gạo thật. Douche Burger cũng chính là chiếc burger đắt nhất thế giới tính đến thời điểm hiện tại.
Chiếc bánh Douche Burger trị giá 666 USD.
Nhưng rốt cục, người ta dát vàng vào thực phẩm để làm gì? Liệu vàng có đem lại một tác dụng nào đó, và việc dát vàng vào thức ăn này đã có từ khi nào?
Lịch sử của vàng trong ngành thực phẩm
Bằng chứng đầu tiên về việc sử dụng vàng trong thực phẩm có từ thời Ai Cập cổ đại, vào thiên niên kỷ thứ 2 trước Công nguyên.
Người Ai Cập cổ đại ăn vàng vì yếu tố thần thánh. Da của các vị thần của họ được mô tả trong các bức bích họa có màu vàng; lăng mộ và quan tài của các Pharaoh cũng được trang trí bằng vàng. Do đó, họ tin rằng vàng chính là da thịt của các vị thần, và họ ăn vàng để được nhận ân huệ từ các đấng linh thiêng
Người cổ đại ở nền văn minh Viễn Đông cũng từng ăn vàng với mục đích tương tự: cầu xin sự ưu ái của các vị thần.
Trong cuốn du ký “Il Milione,” nhà thám hiểm Marco Polo viết rằng các nền văn minh Viễn Đông đã ăn vàng như một cách để tiếp cận với thần thánh. Giống như người Ai Cập, họ tin rằng việc ăn kim loại quý này sẽ thu hút được ân sủng của các vị thần.
Ở phương Đông, thói quen ăn vàng thế tục hơn và không liên quan đến thần thánh. Người Nhật Bản cổ đại dùng vàng để trang trí món ăn với những chai rượu sake lấp lánh các vảy vàng và những món ăn đặc biệt được rắc bột vàng rực rỡ.
Truyền thống “ăn vàng” du nhập châu Âu vào thời Trung cổ, khi giới quý tộc tổ chức những bữa tiệc linh đình và phô trương.
Một trong những bữa tiệc xa hoa nhất đã được ghi vào sử sách là đám cưới Violante, con gái Gian Galeazzo Visconti, Lãnh chúa Milan (Italy) vào năm 1386. Các thực khách đã được chiêu đãi hơn 30 món ăn, tất cả đều được dát vàng hoàn toàn.
Kiểu trang trí vàng tương tự cũng được sử dụng trong một bữa tiệc tôn vinh Hoàng tử Bisignano năm 1561 tại Venice, lần này, vàng được phủ lên bánh mì và hàu.
Vào thời điểm đó, các cung đình Hoàng gia ở châu Âu cũng dát vàng lên các món ăn như một biểu hiện của sự vương giả. Trên bàn ăn của Nữ hoàng Elizabeth I, cam, lựu, chà là, sung và nho đều được phủ một lớp bột vàng lộng lẫy.
Việc sử dụng vàng làm phụ gia thực phẩm vẫn được tiếp tục qua nhiều thế kỷ và gần như biến mất sau thế kỷ 17. Sau đó được hồi sinh vào năm 1981 bởi đầu bếp Gualtiero Marchesi.
Món risotto nghệ tây được trang trí vàng lá. (Ảnh: Goldchef).
Vị đầu bếp nổi tiếng người Italy này đã phát minh ra món risotto nghệ tây được trang trí một lá vàng mỏng ở trên. Với món ăn này, vàng đã trở lại vị thế là “ông hoàng” trang trí món ăn đẳng cấp.
Các đầu bếp nổi tiếng, nhân viên pha chế đồ uống, các thợ làm bánh cao cấp, các nhà sản xuất chocolate và rượu mạnh đã tôn vinh sự hồi sinh của vàng ở cấp độ hành tinh, biến thứ kim loại quý này trở thành một thành phần phổ biến trong ẩm thực cao cấp của thiên niên kỷ mới.
Nếu như vào thời cổ đại, người ta ăn vàng vì mục đích tôn giáo, hoặc những lợi ích sức khỏe, thì thời hiện đại, người ta ăn những món ăn dát vàng để trải nghiệm cảm giác xa xỉ và mới lạ.
Dát vàng có thể khiến thức ăn ngon hơn?
Điều này phần nào là đúng sự thật, nhưng chỉ dưới góc độ tâm lý. Theo một nghiên cứu từ ĐH Oxford (Anh), việc bày biện và trang trí thực phẩm có tác động nhất định đến vị giác và trải nghiệm trong bữa ăn của chúng ta.
Trong đó, nếu thức ăn được bày biện theo thiên hướng nghệ thuật, con người ta sẽ có xu hướng tận hưởng bữa ăn một cách trọn vẹn hơn.
Một miếng bánh trị giá tới 70 USD (hơn 1,5 triệu đồng) chỉ nhờ những lá vàng 24k rắc phía trên.
Điều này cũng có nghĩa rằng, nếu coi việc dát vàng là đẹp, hẳn là trải nghiệm của người ăn cũng theo đó mà nhân lên.
Tuy nhiên, hiệu ứng này cũng xảy ra ngay cả khi không cần dùng đến vàng, nên có thể nói vàng ở đây không đóng nhiều vai trò lắm.
Vậy người ta dát vàng để làm gì?
Cần khẳng định, những thượng phẩm như caviar, foie gras... đắt vì hương vị, công sức sản xuất và vì giá trị dinh dưỡng.
Nhiều người cho rằng vàng cũng vậy, cũng tốt cho sức khoẻ và nên ăn. Nhưng không! Vàng khi ăn không có vị gì cả, giá trị dinh dưỡng cũng gần như bằng không. Nó được thêm vào đơn giản là vì đó là vàng, và vàng thì là biểu tượng của sự giàu sang và xa xỉ.
Chiếc bánh mỳ vòng phủ lớp kem hảo hạng. Nhưng kèm theo những lá vàng đã khiến giá trị chiếc bánh lên tới 1.000 USD/chiếc - tương đương hơn 22 triệu đồng.
Việc dát vàng lên đồ ăn đã có từ thời Trung Cổ tại châu Âu, trong những bữa tiệc lớn của giới thượng lưu. Đó là thời đại xã hội bị phân hoá giàu nghèo một cách khủng khiếp. Nhà nghèo cứ việc nghèo, cứ việc chết đói, chẳng ai quan tâm. Còn nhà giàu, họ phải tìm cách khoe cái sự giàu của mình ra trước đã. Và họ chọn cách tổ chức những bữa tiệc xa xỉ, bao gồm 3 thứ không thể thiếu: rượu, phụ nữ và đồ ăn dát vàng.
Món kem dát vàng sang chảnh.
Vì vậy có thể nói, dát vàng lên thức ăn rốt cục chỉ nhằm mục đích tận hưởng sự giàu sang chứ không đem lại lợi lộc gì khác. Thậm chí, việc nuốt vàng đôi khi còn đem lại hậu quả không mong muốn nữa cơ.
Ăn vàng ảnh hưởng đến sức khỏe như thế nào?
Về mặt bản chất, vàng là một kim loại quý, gần như không chịu tác động nào gây biến chất, nên một khi đi vào cơ thể, nó sẽ an toàn chui ra khi hành sự trong toilet.
Theo Cơ quan An toàn Thực phẩm châu Âu (EFSA), vàng dùng trong thực phẩm có tên gọi Aurum metallicum, kim loại ánh sáng, chính thức được chấp thuận như một chất phụ gia trong thực phẩm dưới tên gọi E175. Nó được coi là chất tạo màu vàng, hoạt động giống như bất kỳ chất phụ gia và tạo màu thực phẩm nào khác.
Vàng ăn được và vàng để làm trang sức không hề giống nhau. Bởi vàng dùng trong thực phẩm phải là vàng nguyên chất 100%, chúng phải thực sự tinh khiết mới có thể đảm bảo an toàn cho người ăn.
Chiếc cupcake của giới siêu giàu - giá 1.300 USD/chiếc (khoảng 27 - 28 triệu đồng).
Tiêu thụ một lượng nhỏ vàng được coi là an toàn đối với hầu hết mọi người. Các cơ quan quản lý như Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) và EFSA đã phê duyệt một số dạng vàng nhất định có thể dùng trong chế biến thực phẩm. Trong đó, phổ biến nhất là mảnh và lá để trang trí thực phẩm, ít phổ biến hơn là dạng bụi và dạng xịt.
Về mặt khoa học, vàng là kim loại trơ với mọi chất hóa học trong cơ thể, nghĩa là nó sẽ không bị phân hủy. Sau khi vàng đi vào cơ thể, nó không bị tiêu hóa và cứ thế được bài tiết ra bên ngoài dưới dạng không đổi.
Tuy nhiên, vàng không có hương vị khi ăn, cũng không mang lại hiệu quả dinh dưỡng nào. Vàng dát lên thức ăn không hề làm tăng độ thơm ngon cho món ăn, vai trò chính của nó chỉ là làm cho món ăn “lấp lánh” và tăng độ xa xỉ cho món ăn đó mà thôi.
Mặc dù bản chất vàng là một kim loại không phản ứng, nhưng việc tiêu thụ vàng quá nhiều trong thời gian dài có thể gây ra một số hậu quả có hại cho cơ thể.
Các tinh thể vàng có khả năng kết hợp với protein trong hệ miễn dịch khiến hệ miễn dịch nặng hơn, đồng thời làm thay đổi cấu trúc của protein. Hệ miễn dịch khi đó sẽ xem những protein như tác nhân ngoại xâm, gây dị ứng, khiến cơ thể mẩn ngứa, kích ứng, thậm chí là khó thở.
Bạn nên cân nhắc trước khi có ý định thử một món ăn dát vàng.
Ngoài ra nếu ăn phải vàng không nguyên chất thì thực sự tai hại, vì một số muối của vàng là chất cực độc, có thể gây chết người nếu tích tụ liều lượng đủ lớn.
Vì thế bạn nên cân nhắc trước khi có ý định thử một món ăn dát vàng. Vì ngoài việc thoả mãn thú vui nhất thời, ăn vàng chẳng đem lại lợi lộc gì đâu, lại tốn tiền nữa.