Thảm họa vỡ đập Bản Kiều tại Trung Quốc năm 1975, là một trong những thảm hỏa vỡ đập kinh hoàng trên thế giới.
Trời sập, đất nứt vỡ
Năm 1975, sau một thời gian phát triển đập nhanh chóng, một cơn bão cùng với các yếu tố khác khiến đập Bản Kiều, tỉnh Hà Nam, Trung Quốc bị vỡ, cướp đi sinh mạng của khoảng 171.000 người, International Rivers thông tin.
Đêm 8/8/1975, dòng người vội vã chồng các bao cát lên đỉnh đập Bản Kiều, tỉnh Hà Nam trong bối cảnh cơn bão tồi tệ nhất từng được ghi nhận tới thời điểm đó xảy ra trong khu vực. Họ đang chạy đua với nước dâng nhanh ở sông Nhữ để cứu đập Bản Kiều và hàng triệu người đang ngủ ở dưới hạ lưu. Đó là cuộc chạy đua mà họ sắp thua cuộc.
Khoảng 1h sáng, bầu trời quang đãng, những ngôi sao ló ra sau những đám mây bão. Có một sự tĩnh tại kỳ lạ khi ai đó hét lên: "Mực nước đang giảm! Lũ đang rút".
Nhưng có rất ít cơ hội để tận hưởng sự tĩnh tại đó. Một nhân chứng sống sót sau thảm họa vỡ đập Bản Kiều kể lại, chỉ vài giây sau là những âm thanh "nghe như trời sập và đất nứt vỡ". Nước ở hồ chứa tương đương với 280.000 bể bơi tiêu chuẩn Olympic tràn qua con đập vỡ, nhấn chìm toàn bộ các thị trấn ở dưới con đập.
Năm 2005, 30 năm sau vụ vỡ đập Bản Kiều, các ghi chép lịch sử bắt đầu được mở lại và các học giả tìm cách xác định lại sự kiện này.
Đập Bản Kiều hoàn thành năm 1952, là một phần trong chiến dịch khai thác thủy điện trên sông Hoài - con sông lớn thứ ba ở Trung Quốc sau sông Dương Tử và Hoàng Hà - cùng các nhánh sông của sông Hoài sau những trận lũ lụt nghiêm trọng của các năm trước đó.
Hành động quá muộn
Ngay sau khi đập Bản Kiều hoàn thành năm 1952, theo International Rivers, đã xuất hiện các vết nứt vỡ. Do đó, giai đoạn 1955-56, cấu trúc này đã được cải tạo lại, đưa Bản Kiều thành "Con đập thép" bất khả chiến bại.
Tuy nhiên, ngày 5/8/1975, một cơn bão va với một frông lạnh (rìa phía trước của khối khí lạnh và khô hơn, đang chuyển động và thay thế dần cho khối khí nóng hơn phía trước nó) ở Hà Nam và gây mưa lớn ở khu vực trong vòng chưa đầy 24h sau. Lượng mưa lên tới 106cm vào ngày hôm đó đã vượt quá giới hạn 30cm hàng ngày mà các nhà thiết kế đập Bản Kiều dự tính. Các nhân chứng kể lại rằng, lượng mưa lớn tới nỗi, xác những con chim bị mưa lớn tạt chết rải rác trong khu vực.
Trong nỗ lực giảm thiểu lũ lụt ở hạ lưu vốn đã rất nghiêm trọng, đập Bản Kiều được lệnh không mở hết các cửa xả lũ ngay từ khi cơn bão bắt đầu. Đường dây liên lạc bị ngắt khiến các nhà điều hành cũng không biết được tình hình bên ngoài khu vực đang diễn tiến ra sao.
Vào lúc các cửa xả lũ được mở hoàn toàn thì đã quá muộn. Nước lên nhanh hơn mực nước có thể xả ra. Các chuyên gia khuyến nghị nên đặt 12 cửa xả lũ ở đập Bản Kiều khi thiết kế. Tuy nhiên, chỉ có 5 cửa xả lũ được xây dựng và những cửa xả lũ này đã bị chặn một phần bởi phù sa tích tụ khi bão ập tới.
Cũng theo International Rivers, khi đập Bản Kiều vỡ, con nước với vận tốc lên tới 50km/h ào về phía thung lũng bên dưới, cuốn đi 62 đập khác như hiệu ứng domino. Trong vài phút, toàn bộ các làng mạc với hàng nghìn cư dân bị nhấn chìm.
Trong bộ phim tài liệu năm 2010 của đài truyền hình Trung Quốc CCTV, một người sống sót nhớ lại khoảnh khắc bàng hoàng này: "Tôi không biết mình đang ở đâu - chỉ trôi nổi trong nước, những tiếng la hét và tiếng khóc văng vẳng bên tai. Đột nhiên, tất cả những âm thanh đó ngắt lặng, tôi chìm trong sự im lặng chết chóc".
Chỉ trong vòng 6 giờ sau khi vỡ đập Bản Kiều, ước tính 26.000 người đã thiệt mạng, nhiều người trong số đó đang ngủ. Các đường dây liên lạc không thông suốt khiến không có cơ hội cho bất kỳ cuộc di tản quy mô lớn nào.