Tượng nhân sư lớn nhất thế giới được xây thế nào?

Tượng nhân sư - một biểu tượng của Ai Cập được cả thế giới biết đến, nhưng nó được xây dựng thế nào thì hiện vẫn là một bí ẩn lớn của nhân loại.

Công trình độc đáo

Ở phía trước kim tự tháp Khafre – kim tự tháp lớn thứ 2 ở Ai Cập, có một pho tượng khổng lồ tạc một con vật có mặt người nhưng thân hình của sư tử nằm trong tư thế phủ phục. Đó chính là tượng nhân sư. Cùng với hình ảnh kim tự tháp, nhân sư trở thành một biểu tượng khi nhắc tới Ai Cập.

Bức tượng nhân sư ở trước kim tự tháp Khafre là bức tượng lớn nhất tạc con vật này tại Ai Cập và có lẽ cũng là pho tượng lớn nhất thế giới. Theo cuốn Những mẩu chuyện lịch sử thế giới, tượng này dài 57m, cao tới 20m, miệng rộng 2,3m và tai dài 1,4m.

Wikipedia cho biết thêm, trong một thời gian dài nó bị vùi trong cát sa mạc sau khi khu vực lăng mộ các Pharaoh trên cao nguyên Giza bị bỏ hoang. Nỗ lực khai quật tượng nhân sư lần đầu tiên được thực hiện vào năm 1400 TCN do vị vua trẻ Thutmose thứ 4 sau nhiều cố gắng đã tìm cách đào ra được 2 chân trước của tượng. Sự việc đã được vị vua này ghi lại trong một tấm bia bằng đá hoa cương đặt giữa 2 chân do ông đào được. Sau đó khoảng hơn 100 năm lại có cuộc khai quật thứ 2 do Pharaon Ramesses II tiến hành.

Đến năm 1817, trong cuộc khai quật khảo cổ học đầu tiên do thuyền trưởng Giovanni Battista Caviglia người Italia giám sát đã giải phóng toàn bộ phần ngực bức tượng. Từ năm 1925 đến 1936 việc khai quật tượng nhân sư được hoàn thành. Từ đó chúng ta được nhìn thấy toàn bộ thân hình của tượng nhân sư vĩ đại này.

Những truyền thuyết về tượng nhân sư Ai Cập

Mặc dù khảo cổ học đã bóc hết lớp cát bao phủ tượng nhân sư nhưng lại chưa thể vén lên bức màn bí ẩn về quá trình xây dựng và ý tưởng tạc bức tượng này xuất phát từ đâu. Do đó, cho đến nay vẫn còn rất nhiều quan điểm khác nhau về bức tượng này.


Tượng nhân sư Sphinx ở cạnh kim tự tháp Khafre. (Ảnh Wikipedia)

Sách Bí ẩn văn hóa Việt Nam và Thế giới dẫn ra truyền thuyết rằng khi xây dựng kim tự tháp cho mình, vua Khafre không dám vượt mặt vua cha Khufu nên cho xây kim tự tháp của mình nhỏ hơn. Dù vậy ông vẫn cảm thấy khung cảnh ở kim tự tháp của mình còn thiếu một cái gì đó.

Trong một lần đến kiểm tra tiến độ xây dựng, có người thợ đề nghị vua cho khắc một tảng đá lớn hơn 2.000 tấn trên công trường thành một pho tượng tượng trưng cho sự uy nghiêm của Pharaoh. Bức tượng mà người thợ đề nghị khắc đó chính là tượng nhân sư.

Một truyền thuyết khác phổ biến hơn nói rằng, tượng nhân sư ra đời từ một truyện thần thoại dân gian Ai Cập. Truyện kể rằng, vua thành Thebes là Raia sinh được một con trai, nhà chiêm tinh nhìn cậu và phán rằng “Đứa bé này sau sẽ giết cha nó và lấy mẹ của nó”. Thấy dự báo oan nghiệt, vua bèn sai người chăn dê mang đứa bé vào rừng cho chó sói ăn thịt.

Người chăn dê không nỡ nên mang đứa bé sang nước láng giềng cho người chăn dê của vua Corinth nuôi. Vợ chồng vua Corinth rất thích đứa bé nên đã nuôi nó như con trai của mình và đặt tên là Oedipe.

Oedipe lớn như thổi, chẳng bao lâu trở thành một chàng trai tuấn tú, sức khỏe quật cường. Bỗng đâu chàng nghe được lời tiên đoán năm xưa. Tưởng vợ chồng Corinth là cha mẹ mình, chàng bèn lẳng lặng bỏ trốn khỏi cung vì sợ lời tiên đoán xảy ra. Cậu hướng đến thành Thebes. Trên đường đi, Oedipe gặp một đoàn xe ngựa hò hét bắt nhường đường. Cậy sức khỏe lại vốn là một hoàng tử, chàng không nhường lối. Người ngồi trên xe tức giận lấy roi ngựa đánh Oedipe. Chàng phản ứng lại nhưng không ngờ lỡ tay đánh chết người đó mà không biết đó chính là cha mình.

Tiếp tục đi vào thành Thebes, Oedipe gặp một yêu quái có khuôn mặt và ngực của một thiếu nữ xinh đẹp nhưng lại mang thân hình của sư tử. Yêu quái này tự xưng là Sphinx mỗi ngày đứng chặn trên đường ra cho mọi người một câu đố, ai không giải được thì nó xé xác ăn thịt. Gặp Oedipe, yêu quái cũng lặp lại thói quen.

Oedipe không sợ mà hỏi lại: “Nếu ta trả lời được thì sao”. Quá tự tin, yêu quái nói nếu chàng trả lời được nó sẽ tự sát. Nói rồi Sphinx ra một câu hỏi thật khó: “Con gì ban ngày đi bằng 4 chân, trưa và chiều đi 2 chân, tối đi 3 chân”. Oedipe được thần thông minh Athena giúp đỡ nên trả lời ngay đó là con người. Ban đầu mới sinh ra người bò bằng 2 chân 2 tay, lớn lên trưởng thành đi bằng 2 chân, về già phải chống gậy thành 3 chân.

Đáp án hoàn toàn chính xác, yêu quái phải giữ lời hứa đã nhảy xuống vực tự tử. Dân chúng tôn Oedipe lên làm vua thành Thebes và lấy hoàng hậu của vua cũ. Vài năm sau, thành Thebes liên tiếp xảy ra thiên tai. Oedipe theo truyền thống đến đền thờ các thần xin chỉ dẫn. Qua thần dụ chàng biết mình đã giết cha. Quá đau đớn Oedipe tự chọc mù hai con mắt của mình.

Đó là một câu chuyện buồn. Tuy nhiên, dân chúng nhớ ơn diệt trừ quái vật của Oedipe đã tạc một bức tượng lớn hình dáng con yêu quái mình sư tử mặt người tại nơi nó hay xuất hiện và nơi đó là mảnh đất quảng trường kim tự tháp Khafre ngày nay.

Tuy truyền thuyết này phổ biến song gần đây, các nhà khảo cổ học qua nghiên cứu cho biết tượng nhân sư này đã có niên đại khoảng 10.000 năm. Trong khi đó vua Khafre làm vua khoảng năm 2.500 TCN, cho nên ông không thể là người tạo ra nó. Người ta nêu giả thiết rằng có thể bức tượng đã có từ trước đó và vua Khafre chỉ là người hoàn thiện nó. Một số giả thiết khác lại cho rằng hình dáng tượng nhân sư là do sự phong hóa của gió cát trên sa mạc hoặc do những trận lũ lớn do sông Nile tạo nên. Tuy nhiên chưa một giả thiết nào thật sự thuyết phục. Tất cả vẫn còn phải chờ một ngày nào đó, nhát xẻng của nhà khảo cổ nào đó tiết lộ được những thông tin về quá trình xây dựng tượng nhân sư.

Cập nhật: 26/01/2018 Theo Kienthuc
Danh mục

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Khoa học vũ trụ

Danh nhân thế giới

Ngày tận thế

1001 bí ẩn

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Khoa học quân sự

Lịch sử

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Hỏi đáp Khoa học

Công nghệ mới

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Ứng dụng khoa học

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Video