Vì sao lời hát buồn nhưng “Happy New Year” vẫn khiến người ta muốn nghe?

Mặc định đầu năm, ở cả phương Đông lẫn phương Tây, người ta đều muốn tìm tới với sự vui vẻ, niềm hưng phấn, như một dự báo may mắn, tốt lành dịp đầu năm. Nhưng bài hát “Happy New Year” tại sao buồn đến thế, vẫn khiến người ta muốn nghe?

Mới đây, một nghiên cứu được thực hiện bởi phòng khám tâm lý MindMovers Psychology (nằm ở Sydney, Úc) đã lý giải tại sao đôi khi chúng ta “không thích” hoặc “sợ” năm mới đến. Theo đó, có những người hồ hởi đón năm mới, và có những người thì… không.

Tâm lý của người phương Tây cũng không khác gì người phương Đông; cũng có những người háo hức chờ đón giao thừa, chờ dịp nghỉ lễ dài ngày với hàng loạt những cuộc tiệc tùng; và cũng có những người “sợ” khoảnh khắc giao thừa, sợ kỳ nghỉ lễ dài ngày với nhiều áp lực vô hình. Điều này thậm chí đã trở thành đề tài nghiên cứu tâm lý học.

Có một điều chung nhất, đó là thời điểm đầu năm mới luôn được khắc họa như một thời khắc quan trọng nhất, với rất nhiều xúc cảm thăng hoa, khi đó người ta ngắm pháo hoa, nâng ly chúc mừng, bật nhạc, cười nói và chúc tụng… Mặc định tâm lý chung cho khoảnh khắc ấy phải là những kỳ vọng đẹp đẽ nhất, khi người ta đứng trước một năm mới vừa mở ra trước mắt.

Ở khoảnh khắc giao thừa thiêng liêng, có những người vui sướng lâng lâng với nhiều niềm hy vọng về điều mới mẻ, và ngược lại cũng có những người bỗng cảm nhận một sự trầm lắng lạ thường trong nội tâm, họ không sung sướng, hồ hởi đón đợi năm mới mà có nhiều nét tâm lý đan xen, mâu thuẫn, chộn rộn…


“Happy New Year” của ABBA đã “đánh trúng” tâm lý của một nhóm người luôn âm thầm bâng khuâng trước năm mới sắp đến.

Các nhà nghiên cứu tâm lý học đã khẳng định có hai nhóm tâm lý đối lập như vậy tồn tại ở dịp đầu năm mới như một sự khác biệt thú vị và rất đặc trưng của con người khi đứng trước sự biến chuyển xoay vần của thời gian.

Và hẳn, đó cũng là một lý do thuyết phục để hiểu tại sao “Happy New Year” - bài hát đã quá đỗi quen thuộc của nhóm nhạc ABBA huyền thoại, dù có lời hát rất buồn, nhưng xuyên suốt nhiều thập kỷ vẫn là một trong những bài hát được nghe nhiều nhất vào mỗi dịp đầu năm mới, ở cả phương Đông và phương Tây.

“Happy New Year” của ABBA đã “đánh trúng” tâm lý của một nhóm người luôn âm thầm bâng khuâng, lặng lẽ “buồn nhẹ” một cách đầy dư vị khi đứng trước một năm mới vừa mở ra.

“Happy New Year” là bài hát nổi tiếng nhất của ban nhạc huyền thoại ABBA, nằm trong album ra mắt năm 1980 có tên “Super Trouper”. Ban đầu, trong quá trình thực hiện album, bài hát có cái tên rất thú vị, vừa hài hước vừa mang đậm tính chất của mùa Giáng sinh - năm mới, đó là “Daddy Don’t Get Drunk on Christmas Day” (Ba ơi, đừng say xỉn trong ngày Giáng sinh).

Dù được thu âm và nằm trong album “Super Trouper” từ năm 1980 nhưng phải đến năm 1999, bài hát nổi tiếng này mới được ra đĩa đơn do ca khúc quá thành công và nhu cầu của công chúng nghe riêng ca khúc này vào mỗi dịp năm mới là quá lớn, ngay cả ở thời điểm… 19 năm sau khi ra mắt lần đầu.

Cho đến nay chưa có bài hát chúc mừng năm mới nào có thể vượt qua thành công của “Happy New Year” trên quy mô toàn thế giới.

Trải qua hơn ba thập kỷ, giai điệu ấy vẫn tiếp tục làm rung động lòng người mỗi khi chứng kiến khoảnh khắc giao thừa, giai đoạn chuyển giao giữa năm cũ và năm mới. Giai điệu bài hát nghe ấm áp, nhẹ nhàng, gợi lên niềm xao xuyến, và thực tế nội dung của nó cũng gửi gắm nhiều nỗi niềm của lòng người khi đứng trước sự chảy trôi của thời gian.

“Happy New Year” không tràn ngập niềm vui, tình yêu và hy vọng như nhiều ca khúc năm mới khác. Bài hát không “hời hợt” kêu gọi người ta hãy vui lên, hãy tin tưởng, rồi mọi điều tốt đẹp sẽ đến…

“Happy New Year” ngược lại, có phần bi quan, mang một nỗi buồn đặc trưng của lòng người khi đối diện trước sự chảy trôi vô cùng vô tận của thời gian. Mỗi khi giai điệu của “Happy New Year” cất lên, ta như thấy lòng mình lắng lại với một nỗi buồn không tên, khó tả, khó lý giải nhưng rất đặc trưng của khoảnh khắc giao thừa.

Một năm trôi qua với biết bao vui buồn, thăng trầm, biến động... Đứng trước sự vận động, biến thiên không ngừng của thời gian, con người làm sao có thể tránh khỏi cảm giác man mác, xốn xang, bùi ngùi…


Giai điệu của bài hát ấy vẫn tiếp tục làm rung động lòng người mỗi khi chứng kiến khoảnh khắc giao thừa.

Lời ca của “Happy New Year” thực sự có phần ảm đạm với đại ý nói về một sáng đầu năm, đôi vợ chồng trẻ ngồi lại với nhau sau bữa tiệc đêm ồn ào cùng bạn bè đón phút giao thừa. Nhìn lại những tàn dư của cuộc vui đã kết thúc với xác pháo, vỏ chai… họ thấy thoáng buồn và trống vắng.

Tiệc đã kết thúc rồi, chỉ còn lại hai vợ chồng và một buổi sáng tịch mịch, giá lạnh. Họ nhớ về những gì đã qua trong năm cũ, vui có, buồn có... Họ lo lắng về tương lai, ai biết rồi mười năm nữa sẽ ra sao, những điều gì đang chờ đợi phía trước…

Lúc này, khi chỉ còn lại “một nửa”, họ mới chúc mừng năm mới với nhau một cách chân thành nhất trong khung cảnh và tâm trạng như thế. Họ chúc nhau sống có ước mơ và có ý chí để thực hiện những ước mơ, bởi nếu không có ước mơ và ý chí, chúng ta sẽ chẳng có động lực để tiếp tục dấn bước trong cuộc sống này.

Nỗi buồn trong lời hát được chuyển tải qua giai điệu đẹp đẽ và sâu lắng khiến người nghe cảm nhận được cả những dư vị buồn vui, có cả thất vọng và hy vọng, không quá bi lụy nhưng cũng không “lạc quan tếu” trước thực tại và tương lai.

Nghe “Happy New Year” mỗi dịp năm mới sang đã trở thành một việc quá đỗi quen thuộc với nhiều người trong chúng ta, đến mức chỉ cần nghe giai điệu thôi, đã cảm thấy một sự bồi hồi, chộn rộn. Và dù đã nghe bao nhiêu năm rồi, và sẽ còn nghe thêm bao nhiêu năm nữa, nhiều người vẫn cứ thích nghe “Happy New Year”.

Xin giới thiệu phần lời tạm dịch của ca khúc “Happy New Year”:

Không còn sâm-panh/ Pháo hoa hết rồi/ Còn lại chúng ta, em và anh/ Cảm thấy trống vắng, cảm thấy buồn sầu/ Hết tiệc rồi/ Buổi sáng thật ảm đạm/ Chẳng giống như ngày hôm qua/ Giờ là lúc để chúng ta nói…

Chúc mừng năm mới/ Ước mong chúng ta đều có chung một ước vọng/ Về một thế giới nơi mỗi người hàng xóm đều là một người bạn/ Chúc mừng năm mới/ Ước mong chúng ta đều có những niềm hy vọng, có ý chí để cố gắng/ Bởi nếu không, chúng ta có lẽ sẽ nằm xuống và từ bỏ/ Cả anh và em.

Đôi khi em thấy/ Cả một thế giới mới dũng mãnh bước tới/ Em nhìn thấy thế giới ấy vươn lên mạnh mẽ/ Từ tro tàn của cuộc sống/ Ừ, con người thật ngốc/ Cứ nghĩ rằng mình sẽ ổn/ Lê bước, đôi chân bằng đất sét/ Không hề biết rằng mình đã chệch đường/ Vẫn cố gắng bước tiếp bằng mọi giá…

Đối với em bây giờ/ Tất cả ước mơ chúng ta từng có trước đây/ Đều đã lụi tắt, chẳng còn gì/ Như xác pháo trên sàn/ Đã đi hết một thập kỷ (bài hát ra mắt năm 1980 - chú thích)/ Trong 10 năm nữa/ Ai biết chúng ta sẽ tìm thấy điều gì/ Ai biết điều gì chờ ta ở phía trước/ Vào năm 1989… (bài hát có sự liên hệ về mặt thời gian với thời điểm ca khúc ra đời - chú thích).

Cập nhật: 31/12/2019 Theo Dân Trí
Danh mục

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Khoa học vũ trụ

Danh nhân thế giới

Ngày tận thế

1001 bí ẩn

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Khoa học quân sự

Lịch sử

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Hỏi đáp Khoa học

Công nghệ mới

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Ứng dụng khoa học

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Video