Ý nghĩa của các món bánh truyền thống Việt Nam ngày Tết Nguyên đán

Mỗi dịp Tết đến, mâm cơm mọi nhà lại xuất hiện các món bánh truyền thống. Hãy cùng tìm hiểu ý nghĩa sâu xa của các loại bánh chúng ta thường thức hàng ngày không phải ai cũng biết.

Bánh chưng


Món bánh làm từ gạo nếp, đỗ xanh, thịt mỡ nổi bật với lớp vỏ màu xanh của lá dong bao bọc bên ngoài. (Ảnh: Dangtung_hn).

Bánh chưng là món bánh truyền thống của miền Bắc không thể thiếu trong những mâm cơm ngày Tết Nguyên đán. Món bánh làm từ gạo nếp, đỗ xanh, thịt mỡ nổi bật với lớp vỏ màu xanh của lá dong bao bọc bên ngoài.

Người miền Bắc thường luộc hay chiên bánh chưng giòn sau đó chấm cùng xì dầu/nước mắm. Món bánh truyền thống xuất hiện từ thời vua Hùng, bánh chưng hình vuông tượng trưng cho mặt đất. Những sợi dây lạt buộc chặt bên ngoài dùng để xắt bánh còn thể hiện tinh thần đoàn kết, gắn bó của những thành viên trong gia đình; sự gắn kết của toàn dân tộc.

Ý nghĩa sâu xa của bánh chưng còn nằm ở phần nhân bên trong. Nguyên liệu gạo nếp ngon là thức ăn nuôi sống con người từ bao đời nay, cũng tượng trưng cho nền nông nghiệp lúa nước truyền thống của Việt Nam. Lá dong xanh bọc ngoài phần nhân trong ruột bánh tượng trưng cho ơn sinh thành, bao bọc của cha mẹ.

Bánh tét


Người miền Nam gói bánh tét hình trụ dài với phần nhân dàn đều bên trong. (Ảnh: Thao243).

Bánh tét là món bánh tương tự như bánh chưng của miền Bắc. Mâm cơm của người dân miền Nam không thể thiếu bánh tét gói bằng lá chuối, lá dong và phần nhân gồm thịt heo, đậu xanh và gạo nếp.

Khác bánh chưng, người miền Nam gói bánh tét hình trụ dài với phần nhân dàn đều bên trong. Bánh tét mang ý nghĩa lịch sử, tượng trưng cho hình ảnh người mẹ bao bọc lấy các con. Sự hiện diện của bánh tét những dịp lễ quan trọng cũng là lời nhắc nhở công ơn sinh thành của cha mẹ ngày đầu năm. Như vậy, mỗi người con Việt Nam luôn biết hiếu thảo, nhớ đến công ơn cha mẹ. Người miền Nam thường ăn bánh tét kèm dưa góp và các loại rau chống ngấy. Ngoài ra, bạn có thể ăn kèm với nước mắm hoặc các loại nước chấm khác.

Bánh cộ


Nguyên liệu làm bánh mộc mạc từ bột nếp, bột đậu xanh, hạt sen… (Ảnh: At_vo, uneboucheepour).

Bánh cộ, còn gọi là bánh in, là một trong những đặc sản xứ Huế. Không khí Tết cổ truyền tại Huế luôn mang đập nét ẩm thực và sự hiện diện của bánh cộ nhiều màu sắc là dấu hiệu nhận biết đầu tiên. Người Huế thường dùng bánh cộ kèm những ly trà nóng để thưởng thức trọn vị thanh, thơm ngọt của bánh.

Nguyên liệu làm bánh mộc mạc từ bột nếp, bột đậu xanh, hạt sen… nhưng cách làm khá cầu kỳ và công phu. Lịch sử của món bánh cộ bắt nguồn từ thời nhà Nguyễn, thức bánh này được dâng lên vua uống trà vào dịp Tết Nguyên đán. Bánh mang ý nghĩa chúc vua trường thọ nên dần trở thành đặc sản không thể thiếu của Huế mỗi dịp đầu năm.

Bánh đậu xanh


Loại bánh này phù hợp với thực khách, nhiều lứa tuổi. (Ảnh: Vnlocalfood).

Bánh đậu xanh là đặc sản giản dị của vùng đất Hải Dương, thức quà dùng để chiêu đãi khách và biếu tặng các dịp lễ, tết. Món bánh này từng được dâng lên vua Bảo Đại trong một lần kinh lý đến Hải Dương và được vua khen ngợi. Vị ngọt thanh nhẹ của đậu xanh khi thưởng thức cùng trà đã tạo nên nét đẹp trong ẩm thực của người dân xứ này.

Nguyên liệu chính làm món bánh này là bột đậu xanh nguyên chất, đường tinh luyện và dầu thực vật. Loại bánh này phù hợp với thực khách nhiều lứa tuổi với ý nghĩa gắn kết các thế hệ trong gia đình lại với nhau trong những buổi tâm giao trò chuyện, thưởng trà, ăn bánh.

Bánh phu thê


Bánh phu thê còn có tên gọi là bánh xu xê/su sê tuỳ biến tấu của các vùng miền.

Bánh phu thê, đặc sản của Bắc Ninh không chỉ góp mặt trong các dịp cưới hỏi mà luôn hiện diện trong các dịp lễ, tết quan trọng. Món bánh này mang ý nghĩa tượng trưng cho lòng thuỷ chung son sắt của các cặp vợ chồng. Phần bột mỏng ôm trọn nhân đậu xanh bên trong thể hiện sự ôm ấp, chở che ấm áp của tình nghĩa vợ chồng.

Bánh phu thê còn có tên gọi là bánh xu xê/su sê tuỳ biến tấu của các vùng miền. Vị ngọt thanh và dai của bột nếp, đậu xanh và dừa sợi khiến món bánh trở thành món tráng miệng hấp dẫn. Đầu năm mới, thưởng thức bánh phu thê thanh ngọt cùng tách trà nóng để bạn cảm thấy hân hoan, tươi mới khi nghĩ về tình cảm đôi lứa trong gia đình.

Không những vậy, bánh phu thê còn bao hàm trong nó triết lí ngũ hành một cách tinh tế, thể hiện qua 5 màu của bánh: màu trắng của bột lọc và cơm dừa, màu vàng của dành dành dùng làm màu cho vỏ bánh và nhân đỗ xanh, màu đen của hạt vừng, màu xanh của lá và màu đỏ của lạt buộc. Đó là sự hòa hợp của con người với trời đất, là sự hòa hợp giữa người với người và giữa vợ với chồng.

Với món bánh này bạn không cần phải ăn kèm thêm bất cứ thứ gì cả, nếu thích có thể dùng với trà nóng như bánh in hay bánh đậu xanh.

Bánh ít lá gai


Món bánh này có nguồn gốc từ thời vua Hùng.

Một loại bánh đặc sản của vùng đất Bình Định mà được rất nhiều người yêu thích đó chính là bánh ít lá gai. Món bánh dần đã trở thành một món bánh quen thuộc trong những ngày tết âm lịch ở nước ta.

Món bánh ít cũng rất được ưa thích trong những ngày tết cổ truyền

Không chỉ hấp dẫn nhờ mùi vị thơm ngon đặc trưng mà món bánh này còn vô cùng ý nghĩa.

Với hình dáng giống như tháp chàm rất đẹp mắt, món bánh này còn có nguồn gốc từ thời vua Hùng. Người con gái út đã sáng tạo nên loại bánh này dựa vào món bánh chưng và bánh dày của hai người anh của mình và dâng lên vua cha. Vua Hùng đã rất thích và đặt tên là bánh ít, tựa như người con gái út ít của Vua.

Bánh thuẫn


Bánh thuẫn làm từ trứng gà, vani, bột năng, bột mì, đường...

Sẽ dễ dàng gặp bánh thuẫn trong dịp lễ Tết hoặc cúng tổ tiên ở miền Trung và miền Nam. Bánh lớn gần bằng cái chén với hình dạng giống như những cánh hoa mai nở xòe ra, đây vốn là loài hoa đặc trưng cho ngày Tết ở miền Trung và miền Nam Việt Nam.

Bánh thuẫn thêm ý nghĩa khi nó mang theo lời nguyện chúc về một năm mới bình an, hạnh phúc và tràn đầy may mắn. Không chỉ vậy, hương vị độc đáo và cuốn hút sẽ khiến giây phút quây quần của gia đình thêm trọn vẹn.

Bánh tổ


Món này là sự kết hợp tuyệt vời giữa gừng, gạo nếp và đường đen.

Dịp Tết Nguyên đán, người dân xứ Quảng nói riêng và người miền Trung nói chung sẽ ăn bánh tổ. Món này là sự kết hợp tuyệt vời giữa vị cay nồng nhưng ấm của gừng, vị bùi của gạo nếp và thơm ngọt của đường đen. Khi làm bánh, phần khuôn sẽ được lót bằng tre và ghim thật chặt để tránh tình trạng bung ra. Phần mặt bánh sẽ được rắc lớp mè thật thơm.

Bánh khảo

Đây là thứ bánh truyền thống không thể thiếu được trong những ngày Tết Nguyên đán đối với người Tày. Làm bánh khảo cũng mất khá nhiều thời gian vì quy trình dài gồm: rang gạo, xay bột, hạ thổ, giã đường, làm nhân, vò bột, vào khuôn...

Nguyên liệu làm nên món bánh này có sự kết hợp của bột gạo nếp – tượng trưng cho đất mẹ, mùi thơm lừng từ vừng mang ý nghĩa hòa hợp, đoàn kết và vị ngọt của đường phên, rượu trắng thơm nồng tình yêu thương...

Cập nhật: 02/02/2024 Tổng Hợp
Danh mục

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Khoa học vũ trụ

Danh nhân thế giới

Ngày tận thế

1001 bí ẩn

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Khoa học quân sự

Lịch sử

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Hỏi đáp Khoa học

Công nghệ mới

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Ứng dụng khoa học

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Video