Những logo quen thuộc mang nhiều ý nghĩa hơn bạn tưởng.
Sự thật đằng sau những logo nổi tiếng thế giới
- 1. McDonald’s
- 2. Adidas
- 3. Mitsubishi
- 4. Google
- 5. Animal Planet
- 6. Đài phát thanh NBC
- 7. Amazon.com
- 8. Pepsi
- 9. LG
- 10. Fedex
- 11. Lego
- 12. Fanta
- 13. Nintendo
- 14. Cadillac
- 15. Durex
- 16. Levi's
- 17. Samsung
- 18. SEGA
- 19. Audi
- 20. Verizon
- 21. Under Armour
- 22. Nike
- 23. Gap
- 24. Starbucks
- 25. IKEA
- 26. Zara
- 27. Rolex
- 28. Peugeot
- 29. Unilever
- 30. Hershey’s Kisses
- 31. Baskin Robbins
- 32. Pixar
- 33. Lacoste
- 34. Logo của Apple có một vết cắn đơn giản để không bị nhầm với quả anh đào
- 35. Logo của Bluetooth
Các thương hiệu lớn trên thế giới có thể chi hàng đống tiền chỉ để tạo ra một biểu tượng, một logo độc đáo cho riêng mình. Logo không chỉ là một biểu tượng của công ty mà còn là những gì cô đọng nhất mà khách hàng muốn nhớ tới. Hàng ngày, chúng ta đều bắt gặp những logo này và có những logo đã quá quen thuộc đến mức "nhìn là biết" như: Pepsi, Apple, Coca-cola... Đã có bao giờ bạn tự hỏi, những logo này mang ý nghĩa gì chưa? Hãy cùng tìm hiểu ý nghĩa của một số logo thông qua bài viết này nhé.
1. McDonald’s
McDonald’s là một thương hiệu lớn trên thế giới và chắc chắn logo đại diện cho họ phải được xem xét kĩ lưỡng, có thể gây ấn tượng với khách hàng. Hầu hết mọi người sau khi nhìn vào biểu tượng này đều nhận ra rằng đó chính là chữ “M” đại diện cho chữ cái đầu của tên công ty. Nhưng về phía McDonald’s, họ lại muốn mang lại cho khách hàng của mình một thông điệp khác. Trước đó, vào những năm 1960, trong nỗ lực muốn xây dựng lại hình ảnh cho mình, công ty đã có đề cập đến việc thay đổi logo mới, đẹp hơn và thu hút hơn. Và họ đã mời Louis Cheskin – một nhà tâm lý học và là một chuyên gia tư vấn thiết kế giúp họ giải quyết vấn đề này. Và gần như ngay lập tức Louis thuyết phục họ hãy giữ lại nguyên bản logo của mình. Bởi theo ông chữ “M” với đường tròn phía trên giúp cho mọi người liên tưởng đến bộ ngực của người phụ nữ và gây cho họ cảm giác đói. Điều này có vẻ khó tin với nhiều người, nhưng chắc chắn sau khi biết điều này, bạn sẽ nhìn chữ “M” đó theo cách hoàn toàn khác.
2. Adidas
Adidas là một hãng nổi tiếng chuyên sản xuất quần áo thể thao và các phụ kiện, nhưng sản phẩm nổi bật nhất của họ là những đôi giày. Cái tên “Adidas” chính là sự kết hợp giữa chữ cái đầu tiên và chữ cái cuối cùng của người thành lập công ty – Adofl Dassler. Ngay từ những năm tháng đầu tiên của công ty, họ đã rất chú trọng vào vấn đề marketing và biến chữ Adidas cùng 3 đường kẻ sọc đã gần như trở thành biểu tượng đặc trưng của mình. Đến tận ngày nay, mặc dù đã thay đổi logo khá nhiều lần, nhưng mỗi khi khách hàng nhìn thấy 3 đường kẻ sọc, họ đều liên tưởng ngay đến Adidas. Đó quả thực là một thành công lớn với Adidas. Ba đường kẻ sọc nguyên bản của Adidas tạo nên hình tam giác trông như một ngọn núi, tượng trưng cho những thách thức và mục tiêu mà tất cả những vận động viên phải đối mặt và vượt qua.
3. Mitsubishi
Tiền thân của công ty Mitsubishi là một công ty chuyên về chuyển hàng được thành lập bởi Yataro Iwasaki vào năm 1870. Tên Mitsubishi có hai phần: ”mitsu” có nghĩa là “ba” và hishi (sau đó trở thành “bishi” ở giữa) có nghĩa là “củ ấu”, một loại củ có hình chữ thập, và sau đó trở thành biểu tượng nổi tiếng của Mitsubishi. Nó còn được hiểu là ba viên kim cương đính với nhau, biểu hiện độ tin cậy, tính toàn vẹn, sự thành công và màu đỏ - màu của logo biểu thị sự tự tin và thu hút khách hàng hơn.
4. Google
Logo của Google được thiết kế khá đơn giản với những màu sắc riêng biệt, không hề có những biểu tượng hào nhoáng nhưng lại có mối liên hệ sâu sắc với hình ảnh của công ty. Trong quá trình tạo ra logo của Google, các nhà thiết kế muốn thể hiện được sự thích thú, sáng tạo mà không bị gò bó bởi những biểu tượng quá cồng kềnh, rối rắm. Ban đầu họ chỉ làm lệch đi một số chữ cái nhưng ý tưởng này đã bị hủy bỏ mà thay vào đó họ tập trung vào chính màu sắc của chúng. Logo hiện tại của họ có màu đỏ, xanh lá và xanh nước biển đều thuộc gam màu cơ bản, nhưng chữ “o” lại thuộc màu vàng thứ cấp. Điều này mang một thông điệp rằng: Google không phải là một công ty thích “chơi đúng luật”.
5. Animal Planet
Logo của kênh truyền hình nổi tiếng Animal Planet đã từng khá đơn giản: chỉ bao gồm một chú voi và Trái Đất thu nhỏ. Sau khi được phát sóng lại vào năm 2008, các nhà sản xuất đã nghĩ đến việc thay thế biểu tượng chú voi – Trái Đất này, thay vào đó là một logo khác hấp dẫn hơn, thu hút được nhiều người theo dõi hơn. Họ muốn thiết kế một logo phù hợp, thể hiện được sự hoang dã, thiên nhiên mà những chương trình sẽ mang lại cho người xem trong thời gian tới. Và một logo mới của Animal Planet được ra đời. Những chữ cái sắp xếp lộn xộn đại diện cho bản năng, tính hoang dã và màu xanh lá cây mang tới hình ảnh một khu rừng nguyên thủy, thể hiện được nét đặc trưng của Animal Planet.
6. Đài phát thanh NBC
Mọi người đều biết rằng logo của NBC tượng trưng cho một con công nhưng bí mật nằm sau đó thì không phải ai cũng biết. Trong quá trình thiết kế logo, NBC thuộc sở hữu của công ty điện tử Radio Corporation of America (RCA). Lúc đó, TV màu chỉ mới bắt đầu xuất hiện và RCA đang rất muốn quảng bá dòng sản phẩm mới này đến với công chúng. Và với việc tạo ra một logo màu sắc, nó có thể giúp người xem cảm nhận được sự sống động, một trải nghiệm mới mà TV đen trắng không thể nào đem lại được. Vì vậy, một logo dựa trên màu sắc của con công đã được ra đời, theo đó thể hiện được những màu sắc mới mà những người làm chương trình muốn đem lại. Nhiều người cũng tin rằng, đây là một thủ thuật marketing của RCA khiến nhiều người muốn mua TV màu hơn.
Logo của họ gồm những dải màu khác nhau tụ về chữ NBC, và nó tượng trưng cho con công. Biểu tượng này xuất hiện từ năm 1956 - thời điểm truyền hình màu xuất hiện, nhằm mục đích thúc đẩy người tiêu dùng mua TV màu. Trên thực tế, NBC cũng là công ty đầu tiên tại Mỹ bán ra sản phẩm này.
7. Amazon.com
Thoạt nhìn qua, logo của Amazon khá là đơn giản. Nó chỉ bao gồm tên công ty và một mũi tên ở phía bên dưới những chữ cái. Nhưng chính mũi tên đó lại mang nhiều ý nghĩa hơn là một thứ để trang trí. Nó biểu hiện cho những nụ cười của khách hàng sau khi trải nghiệm những điểu thú vị tại Amazon. Bên cạnh đó, mũi tên được bắt đầu từ chữ “a” và kết thúc tại chữ “z”. Điều này thể hiện sự đa dạng trong những sản phẩm từ Amazon. Qua đó, bạn có thể tìm tất cả mọi thứ từ “a” đến “z”, từ những vật dụng nhỏ nhất.
8. Pepsi
Logo của Pepsi chỉ là một vòng tròn đơn giản, nửa trên là màu đỏ, nửa dưới là màu xanh và một dòng màu trắng lượn sóng chạy qua trung tâm. Những màu sắc này đại diện cho lá cờ của nước Mỹ, nhưng ý nghĩa của nó thì lại hoàn toàn khác. Pepsi đã tiêu tốn khá nhiều tiền để thiết kế mẫu logo hiện tại, tuy rằng khá giống với những mẫu trước đó, nhưng điều chỉnh một chút cũng mang lại khá nhiều ý nghĩa đặc biệt. Khi phải thuyết trình về mẫu logo mới này, nhóm thiết kế đã sử dụng đến 27 trang tài liệu giải thích về ý nghĩa của nó. Theo đó, nó đại diện cho từ trường Trái Đất, phong thủy, thuyết tương đối... và nhiều thứ khác nữa.
9. LG
Hãng điện tử nổi tiếng Hàn Quốc này cũng có một logo độc đáo không hề kém cạnh. Chúng ta có thể dễ dàng nhận ra tên thương hiệu LG được lồng ghép cách điệu trong hình logo này nhưng một số khác lại phát hiện ra một điều khá thú vị. Khuôn mặt của nhân vật nổi tiếng Pacman ẩn hiện trong đó. Vào thập nhiên 1980, Pacman là một trò chơi điện tử khá phổ biến ở Nhật Bản cũng như ở các nước phương Tây. Và có thể nói, sức ảnh hưởng của trò chơi điện tử này lớn đến nỗi từng có cả một “văn hóa pacman” thời kì đó.
10. Fedex
Logo của Fedex chỉ bao gồm tên công ty đó là chữ “Fed” màu tím đậm và chữ “Ex” màu cam đậm. Nhưng chính biểu tượng đơn giản này lại đạt được hàng tá giải thưởng về cho mình. Hầu hết nhiều người không nhận ra khoảng trống giữa chữ “E” và chữ “X” ngẫu nhiên tạo ra một mũi tên. Mũi tên này giúp công ty biểu thị được tốc độ và độ chuyên nghiệp cao mà họ muốn đưa lại cho khách hàng và đó cũng chính là những gì mà các công ty chuyển phát nhanh muốn hướng tới.
11. Lego
Thương hiệu của Đan Mạch đã trở thành một biểu tượng đồ chơi của thế giới. Nhưng bản thân chữ LEGO thực ra là biến âm của từ "leg godt" - nghĩa là "chơi vui vẻ" trong tiếng Đan Mạch.
12. Fanta
Max Keith - giám đốc chi nhánh Coca-Cola tại Đức từ thời Thế chiến II là người quyết định tạo ra một sản phẩm mới dành cho thị trường này - chính là "nước cam" Fanta.
Cái tên này có nguồn gốc là từ "fantasie" trong tiếng Đức, ám chỉ rằng Keith và các cộng sự đã sử dụng trí tưởng tượng của mình để tạo ra sản phẩm mới.
13. Nintendo
Nin-ten-do trong tiếng Nhật có nghĩa là "Phó mặc cho vận trời", hoặc "Lộc trời cho" (Nin: tin tưởng, phó mặc; Ten: thiên - trời; do: thiên đường).
14. Cadillac
Người sáng lập ra Cadillac là Henry M. Leeland. Ông đặt tên công ty dựa trên cái tên của tổ tiên - một nhà thám hiểm người Pháp tên Antoine Laumet de La Mothe, Sieur de Cadillac.
15. Durex
Cái tên này được ghép từ tên viết tắt của 3 từ: "Durable, Reliable, Excellence". (Bền vững, tin cậy, xuất sắc).
16. Levi's
Một số thương hiệu tạo ra logo với mục đích muốn truyền tải thông điệp, rằng sản phẩm của họ sẽ giúp cuộc sống của khách hàng tốt hơn.
Vậy thì liên quan gì đến Levi's? Thực ra trong logo của mình, Levi đã ẩn dụ một... bờ mông - thứ được tôn lên rất nhiều khi mặc quần jeans.
17. Samsung
Sam trong tiếng Hàn Quốc có nghĩa là "số 3" hay "tam", còn "Sung" là "ngôi sao". Samsung có thể hiểu với nghĩa "Tam sao".
Và 3 ngôi sao của Samsung tượng trưng cho 3 giá trị: Tuyệt hảo, đa dạng và mạnh mẽ mà hãng theo đuổi.
18. SEGA
Công ty game nổi tiếng của Nhật Bản là viết tắt của cụm "Service Games of Japan" (dịch vụ trò chơi của Nhật Bản). Trước đó, công ty đã cung cấp các máy trò chơi dành cho căn cứ quân sự trong quân đội.
19. Audi
4 vòng tròn của Audi tượng trưng cho 4 công ti sáng lập ra thương hiệu vào năm 1932: DKW, Horch, Wanderer, và Audi.
20. Verizon
Verizon là kết quả hợp nhất giữa hai hãng viễn thông Bell Atlantic và GTE. Tên gọi này là sự pha trộn giữa "Veritas" (trong tiếng Latin nghĩa là "sự thật"), và "Horizon" (chân trời), mang ý nghĩa luôn hướng về tương lai.
21. Under Armour
Trong cuộc phỏng vấn với Washington Post, CEO Kevin Plank cho biết cái tên Under Armour chỉ là sự tình cờ. Lúc đầu Plank định đặt tên công ty là Body Armor, nhưng không thể đăng ký thương hiệu cho nó. Buổi chiều sau khi biết tin đăng ký tên không được, Plank có cuộc hẹn với anh trai là Bill, khi gặp mặt, Bill nhìn xuống Plank rồi hỏi rằng: "Công ty dạo này sao rồi, ờ... Under Armor?".
Vậy thì tại sao chữ Armor lại viết sai chính tả thành "Armour"?
"Đơn giản vì tôi muốn số điện thoại công ty là 888-4ARMOUR chứ không phải 888-44ARMOR. Tôi muốn nghĩ rằng đây là một chiến lược marketing bài bản nào đó, nhưng chỉ đơn giản là vậy thôi", Plank chia sẻ.
22. Nike
Nike được thành lập năm 1964 với tên gọi Blue Ribbon Sports, mãi cho đến năm 1971 thì mới đổi thành Nike như hiện nay.
Đồng sáng lập Nike, Bill Bowerman, là một huấn luyện viên điền kinh, và Phil Knight, vấn động viên chạy bộ, ban đầu muốn đặt tên là Dimension 6, tuy nhiên quyết định chọn tên Nike sau đề xuất của một nhân viên tên là Jeff Johnson. Nike là tên vị nữ thần chiến thắng trong thần thoại Hy Lạp.
23. Gap
Cửa hàng đầu tiên của hãng thời trang Gap khai trương vào năm 1969 với mục tiêu bán càng nhiều quần jeans càng tốt. Cái tên Gap mang ý nghĩa là khoảng cách thế hệ giữa người lớn và trẻ nhỏ.
24. Starbucks
Trong một cuộc phỏng vấn với The Seattle Times, đồng sáng lập Starbucks Gordon Bowker đã chia sẻ về ý nghĩa tên gọi này. Lúc đầu, ông và các cộng sự đã xem qua rất nhiều cái tên bắt đầu bằng "St" vì cho rằng chúng mang ý nghĩa mạnh mẽ.
"Ai đó đã mang một tấm bản đồ cũ có những địa danh như núi Cascades, núi Rainier và một thị trấn khai thác mỏ tên là Starbo. Khi nhìn thấy tên Starbo, tôi nghĩ ngay đến nhân vật Starbuck trong cuốn tiểu thuyết 'Moby-Dick'".
25. IKEA
Dù đến từ Thụy Điển nhưng IKEA lại không phải một từ trong tiếng Thụy Điển. Ingvar Kamprad, người sáng lập IKEA đã đặt tên thương hiệu bằng cách kết hợp hai chữ cái đầu trong tên gọi, IK, với chữ cái đầu trong tên nông trại và ngôi làng ông lớn lên ở miền nam Thụy Điển, Elmtaryd và Agunnaryd.
26. Zara
Amancio Ortega, nhà sáng lập Zara ban đầu đặt tên cho nhãn hiệu này là Zorba (lấy từ bộ phim 'Zorba the Greek' năm 1964), nhưng nó không tồn tại được lâu.
Cửa hàng đầu tiên của Zorba mở cửa vào năm 1975 tại La Coruña (Tây Ban Nha) nhưng tình cờ lại trùng tên với quán bar nằm gần đó. Người chủ quán bar từng tới gặp Ortega nói rằng sẽ rất khó cho cả hai nếu đặt tên trùng nhau.
Cuối cùng, Ortega phải sắp xếp lại các chữ cái để tạo ra tên gọi gần giống tên cũ nhất, Zara.
27. Rolex
Khi thành lập, Hans Wilsdorf, người sáng lập hãng đồng hồ siêu sang Rolex, muốn một cái tên mà có thể phát âm với bất cứ ngôn ngữ nào.
"Tôi đã thử kết hợp các chữ trong bảng chữ cái theo mọi cách có thể. Tôi có được hàng trăm cái tên, nhưng không có cái nào nghe ổn. Một buổi sáng, khi đang ngồi trên chiếc xe ngựa trên đường phố London, một vị thần ghé vào tai tôi rồi thì thầm 'Rolex'", Wilsdorf chia sẻ.
28. Peugeot
Thương hiệu xe hơi nổi tiếng "sang - xịn - mịn" của Pháp với logo hình chú sư tử này chắc nhiều người cũng đã biết. Nhưng điều có lẽ ít người ngờ đến là Peugeot ban đầu là một công ty chẳng có cái gì liên quan đến xe cộ cả.
Khi mới thành lập, Peugeot hoạt động trong lĩnh vực cơ khí, chuyên sản xuất thép, dao và các loại lưỡi sắc (blade). Mà khi ấy, logo của họ cũng đã có hình con sư tử rồi. Nó tượng trưng cho sức mạnh và sự sắc bén - thứ mà sản phẩm của họ khi ấy buộc phải có.
29. Unilever
Bạn biết Unilever chứ - tập đoàn sản xuất hàng tiêu dùng khổng lồ trên thế giới ấy? Họ có một logo khá kỳ lạ, với nhiều hình vẽ tập hợp lại thành hình chữ U - chữ cái đầu tiên của tên tập đoàn. Và logo ấy thực sự rất có ý nghĩa.
Tổng cộng chữ "U" được ghép từ 25 biểu tượng, thể hiện 25 điều quan trọng mà công ty hướng đến nhằm xây dựng một cuộc sống bền vững. Chẳng hạn như hình mái tóc là biểu tượng của vẻ đẹp và sự tự tin chẳng hạn.
30. Hershey’s Kisses
Thương hiệu sản xuất chocolate cực kỳ nổi tiếng của Mỹ này chắc cũng khá quen thuộc với chúng ta rồi. Điểm đặc trưng nhất của họ là những thỏi kẹo được thiết kế theo hình củ hành, khi bóc ra tạo âm thanh giống như tiếng con người hôn nhau vậy.
Sự đặc biệt trong những viên kẹo của Hershey's Kisses đã được đưa vào logo của họ luôn. Hãy nhìn kỹ xem, chữ "K" và "I" trong từ "Kisses" được sắp xếp rất khéo léo để tạo ra hình thỏi kẹo đặc trưng của hãng này.
31. Baskin Robbins
Logo của Baskin Robbins - thương hiệu kem nổi tiếng của Mỹ không phải được xếp màu 1 cách ngẫu nhiên đâu. Chỉ có một phần chữ "B" và "R" được tô màu, tạo thành số 31 tượng trưng cho số lượng các vị kem mà hãng có.
Trên thực tế thì đây là một thông điệp rất quan trọng. Baskin Robbins ra đời vào năm 1953, mà ở thời điểm đó hãng đã có tới 31 vị kem rồi - quá khủng.
32. Pixar
Trong phần giới thiệu của một bộ phim do Pixar sản xuất, chúng ta thường thấy hình ảnh ngọn đèn nhảy lên thay vị trí chữ "I".
Trên thực tế, đây là ý tưởng của John Lasserter - giám đốc sáng tạo của hãng. Nó bắt nguồn từ một bộ phim ngắn tên "Luxo Jr." do chính ông làm đạo diễn. Phim chỉ kéo dài 2 phút, nội dung về 2 chiếc đèn bàn được thiết kế dựa trên đèn Luxo L-1 Lasserter đặt trên bàn làm việc của mình.
Phim được đề cử giải Oscar cho lĩnh vực phim ngắn vào năm 1986, và sau này trở thành linh vật không thể thay thế của hãng.
33. Lacoste
Lacoste là một thương hiệu thời trang thể thao nổi tiếng, mà ai nghe cũng nghĩ luôn đến môn quần vợt. Có điều logo của hãng - 1 con cá sấu - thì dường như chẳng liên quan gì đến bộ môn này.
Thực ra là có đấy. Cá sấu là biệt danh của René Lacoste - một tay vợt nổi tiếng, người đã đặt ra một trào lưu mới khi bỏ qua những bộ cánh cầu kỳ mà mang một chiếc áo polo tay ngắn đi thi đấu, trong khi đó là thứ thường chỉ xuất hiện trên sân bóng đá.
Trào lưu do Lacoste tạo ra đã trở thành một hiệu ứng lan tỏa khắp bộ môn này, góp phần giúp ông khai sinh hãng thời trang thể thao mang tên mình.
34. Logo của Apple có một vết cắn đơn giản để không bị nhầm với quả anh đào
Có rất nhiều câu chuyện đằng sau logo Apple. Một câu chuyện được nhiều người tin tưởng trong một thời gian dài là logo của Apple được thiết kế để tri ân Alan Turing, người đàn ông huyền thoại đã đặt nền móng cho máy tính hiện đại và đưa khái niệm trí tuệ nhân tạo vào cuộc sống. Ông ta từng bị miệt thị mà sỉ nhục vì mình là một người đồng tính và khi không thể chịu đựng được nữa, Alan Turing đã cắn vào một quả táo tẩm xyanua để tự tử. Vì vậy, khi logo Apple được công bố, mọi người tin rằng nó đại diện cho quả táo mà Turing đã cắn để kết thúc cuộc đời của mình.
Nhưng vào năm 2009, trong một cuộc phỏng vấn với CreativeBits, Rob Janoff, tác giả của logo Apple, thì ông nói rằng lý do vết cắn trên quả táo hoàn toàn là vì mục đích thay đổi tỷ lệ để logo Apple nhỏ vẫn trông giống quả táo chứ không phải quả anh đào.
35. Logo của Bluetooth
Ericsson đặt tên cho công nghệ mang tính cách mạng của họ là "Bluetooth" theo tên của Harald Bluetooth, người đã trị vì Đan Mạch với tư cách là vua của họ trong khoảng thời gian từ năm 958 đến năm 986 CN.
Trong thời gian cai trị của mình, ông đã giới thiệu Cơ đốc giáo đến Đan Mạch và Na Uy, đồng thời góp phần vào việc thống nhất các bộ lạc Đan Mạch khác nhau dưới một vương quốc. Ý nghĩa này đã được sử dụng khi đặt tên cho công nghệ không dây là Bluetooth vì cũng giống như vị vua thống nhất mọi người, công nghệ này cho phép các thiết bị khác nhau có thể kết nối với nhau và giúp giao tiếp giữa chúng dễ dàng hơn.
Logo được thiết kế bằng cách sử dụng một lệnh ràng buộc. Một ràng buộc rune về cơ bản là sự kết hợp của các rune hoặc các chữ cái được sử dụng để viết các ngôn ngữ Đức trước khi các chữ cái Latinh được thông qua. Trong logo, hai dòng chữ Younger Futhark, hay thường được gọi là chữ Rune của người Scandinavia, tượng trưng cho tên viết tắt của nhà vua được hợp nhất - ᚼ (Hagall) và ᛒ (Bjarkan).