Bí kíp đối phó với "sốc nhiệt" - tử thần ngày nắng nóng

  •  
  • 3.933

Sự thật là việc tiếp xúc với nắng nóng ở nhiệt độ cao có thể khiến bạn gặp nhiều nguy hiểm, thậm chí gây chết người...

Cách tốt nhất để chống lại nắng nóng đương nhiên là... trốn trong những nơi mát mẻ. Nhưng cuộc sống đâu có đơn giản như thế, nhiều khi đang nằm điều hoà mát rượi thì gấu tự nhiên lại "lên cơn" thèm đi ăn chè chẳng hạn? Thế là phải lóc cóc xách xe vượt qua quãng đường tuy ngắn nhưng dài tựa hàng trăm cây số trong cái tiết trời nóng chết người này.

Nguyên nhân vì nắng là một phần thôi, chủ yếu là vì một rủi ro rất nguy hiểm đối với cơ thể khi tiếp xúc với nắng - đó là "sốc nhiệt". Vậy cụ thể sốc nhiệt là gì? Chúng ta hãy cùng tìm hiểu xem.

Các mức độ sốc nhiệt: Nặng, trung bình và nhẹ

Sốc nhiệt nặng tới mức nghiêm trọng có thể dẫn đến những tổn thương não, thậm chí tử vong nếu không được điều trị. Nó làm tăng đáng kể thân nhiệt và ảnh hưởng đến trạng thái tinh thần của chúng ta.

Những người bị sốc nhiệt thường bị bối rối, cáu kỉnh, gặp ảo giác và thậm chí có thể hôn mê. Họ đi đứng loạng choạng, run cơ, thở gấp và tim đập nhanh hơn 130 nhịp mỗi phút. Trong một vài khoảnh khắc, thân nhiệt của những người này có thể tăng từ 37 lên đến hơn 40oC.

Tập hợp các triệu chứng có thể khá giống với khi ai đó bị ngộ độc, chẳng hạn như sử dụng cocaine hoặc phản ứng với thuốc aspirin. Nó cũng giống với những bệnh nhân bị nhiễm trùng nghiêm trọng hoặc đang trong quá trình cai rượu.

Nguyên lý điều trị sốc nhiệt là phải hạ thân nhiệt cho nạn nhân ngay lập tức. Tốt nhất là nên cởi hết quần áo, rồi phun nước ấm lên cơ thể trong khi hướng một chiếc quạt vào người họ. Nhưng tại sao phải là nước ấm chứ không phải nước lạnh?

Về cơ bản, nếu bạn phun nước lạnh vào một người sốc nhiệt, cơ thể anh ta có thể run lên hoặc rùng mình như một cơ chế tự vệ. Phản ứng run này lại sản sinh ra nhiệt, bởi vậy, tốt nhất nên dùng nước ấm để tránh người sốc nhiệt run hoặc rùng mình.

Khi thân nhiệt của nạn nhân hạ xuống đến mức 39oC, quá trình làm mát đã đủ để dừng lại, tránh khiến thân nhiệt tiếp tục hạ và đưa nạn nhân vào một trạng thái ngược lại- hạ nhiệt quá mức.

Bạn nên đưa nạn nhân sốc nhiệt đến bệnh viện để được theo dõi diện giải trong máu, bù nước cho cơ thể, cũng như để tránh các vấn đề khác như rối loạn chức năng nội tạng.

Sốc nhiệt
Cấp cứu người bị sốc nhiệt: Cho nạn nhân nằm, hạ nhiệt và uống nước

Sốc nhiệt ở thể trung bình, còn gọi là kiệt sức do nắng nóng xảy ra khi lượng nước trong cơ thể bạn giảm xuống, khiến thân nhiệt tăng nhẹ. Mặc dù vậy, khác với sốc nhiệt nghiêm trọng, nhiệt độ cơ thể của người kiệt sức do nắng nóng không tăng quá 40oC.

Tuy nhiên, họ vẫn phải chịu đựng một số triệu chứng khá khó chịu bao gồm buồn nôn, nôn, chóng mặt, có dấu hiệu mất nước và mệt mỏi.

Kiệt sức vì nóng cũng không ảnh hưởng đến chức năng não và các cơ quan trọng yếu của cơ thể. Nạn nhân gặp phải tình trạng này cần nghỉ ngơi trong chỗ mát, bù nước và chất điện giải để hạ nhiệt cơ thể. Họ có thể cần đến bệnh viện, nhưng đa số các trường hợp sẽ hồi phục sớm và bác sĩ sẽ cho về nhà.

Các thể nhẹ của sốc nhiệt thì không nghiêm trọng lắm. Chẳng hạn như bạn có thể bị chuột rút khi đang tập luyện hoặc chơi thể thao dưới nắng. Đó cũng là một dạng sốc nhiệt nhẹ, mặc dù không ảnh hưởng quá nhiều đến tinh thần và thân nhiệt của cơ thể.

Nếu bạn đã uống rượu, đang mệt mỏi hoặc mới ốm dậy mà tập luyện hoặc chơi thể thao dưới trời nắng sẽ làm tăng nguy cơ bị chuột rút. Điều trị tình trạng này cũng giống với kiệt sức do nóng, chỉ yêu cầu bạn đi vào bóng râm nghỉ ngơi, đảm bảo uống đủ nước và và bù chất điện giải cho cơ thể.

Tại sao bị sốc nhiệt?

Về mặt sinh học, cơ thể của chúng ta luôn luôn tự đấu tranh để giải phóng nhiệt lượng do chính nó tạo ra - chính là cơ chế đổ mồ hôi để toả nhiệt.

Tuy nhiên khi gặp nhiệt độ quá cao, cơ chế này sẽ bị "hỏng", đồng nghĩa với việc nhiệt độ cơ thể tăng quá nhanh chỉ trong vài phút. Đó chính là lúc cơ thể bị sốc nhiệt.

Khi đó, não và các nội tạng quan trọng của cơ thể sẽ bị "nấu chín" theo đúng nghĩa đen. Nạn nhân có thể tử vong, hoặc dù sống sót cũng bị tổn thương vĩnh viễn các cơ quan nội tạng.

Cách phòng tránh sốc nhiệt

Có thể thấy sốc nhiệt là một rủi ro rất nghiêm trọng trong những ngày nóng nực này. Vậy phòng tránh nó như thế nào?

Đầu tiên, trong những ngày này cần tránh mặc đồ bó sát. Cứ thử mặc đi rồi biết ngay lý do vì sao - chúng sẽ là cực hình vì ngăn khả năng tự làm mát của cơ thể hoạt động hiệu quả. Thay vào đó, quần áo rộng và nhẹ là những lựa chọn tối ưu.

Tiếp theo, đừng để làn da của bạn bị cháy nắng. Vì khi cháy nắng, các tuyến mồ hôi trên da bị tổn thương, đồng nghĩa với khả năng làm mát cơ thể bị hỏng - và đó cũng là nguyên nhân chính khiến bạn bị sốc nhiệt. Do đó khi ra ngoài, hãy tìm cách che chắn làn da của bạn - bằng áo quần dài tay hoặc kem chống nắng.

Thứ ba là uống thật nhiều nước. Đây cũng là một điều cực kỳ quan trọng, vì bổ sung đủ nước cho cơ thể là cách tốt nhất để duy trì nhiệt độ ở mức an toàn.

Phòng tránh bị sốc nhiệt

Trong những ngày nắng nóng cũng cần hạn chế vận động quá sức. Nếu đặc thù công việc yêu cầu phải vận động, hãy uống thật nhiều nước và tăng số lần nghỉ giữa giờ để cơ thể phục hồi tốt hơn.

Ngoài ra, có một điểm đặc biệt cần lưu ý trong những ngày nắng, đó là không bao giờ nghỉ trong xe ô tô. Các thử nghiệm cho thấy chỉ trong 10 phút đậu xe, nhiệt độ bên trong ô tô có thể tăng tới 10 độ C.

Và cuối cùng, hãy cảnh giác trước nguy cơ bị sốc nhiệt. Những bệnh nhân bị sốc nhiệt thường có những biểu hiện khá rõ ràng: da nóng ran, tinh thần mê sảng, dễ chìm vào hôn mê. Vì thế, nếu bạn cảm nhận thấy cơ thể đang nóng bất thường, hãy nhanh chóng nghỉ ngơi trong bóng râm và bổ sung nước ngay lập tức.

Cách phòng tránh sốc nhiệt cho trẻ khi trời nắng nóng

Nắng nóng có nhiều ảnh hưởng tới sức khỏe trẻ em: gây các vấn đề như rôm sảy, kiệt sức, ngất, vọp bẻ và sốc nhiệt. Nắng nóng cũng tạo điều kiện phát triển, lây lan các bệnh truyền nhiễm mà trẻ em thường mắc như tay chân miệng, tiêu chảy…

Để phòng các vấn đề sức khỏe do nhiệt, cần cho trẻ ăn, uống để bù đủ lượng nước, muối khoáng bị mất theo mồ hôi. Nếu không bù đủ lượng nước, thể tích máu lưu thông sẽ bị giảm làm trẻ bị kiệt sức (xây xẩm, mệt, bứt rứt, khát nước, tiểu sậm màu và có thể bị ngất).

Nếu trẻ bị thiếu nước trầm trọng, nhất là khi nhiệt độ môi trường cao hoặc trẻ vận động mạnh, trẻ sẽ bị sốc nhiệt, có nghĩa là thân nhiệt lên rất cao (trên 40 độ C) nhưng trẻ không ra mồ hôi và bị mất tri giác. Nếu trẻ được bù nước nhưng không được bù đủ muối khoáng thì sẽ bị rối loạn điện giải, dễ bị vọp bẻ.

Trong những ngày nắng nóng, lưu ý cho trẻ dưới 6 tháng bú mẹ nhiều lần hơn (và mẹ cũng phải uống nước nhiều hơn); trẻ từ 6 tháng trở lên có thể cho uống thêm nước đun sôi để nguội sao cho trẻ đi tiểu ít nhất từ 6 đến 8 lần mỗi ngày.

Khi trẻ tự uống được thì nhắc nhở trẻ uống nước thường xuyên, nhất là khi chơi đùa hoặc vận động thể lực. Để có đủ muối khoáng (natri, kali, magnesium), cho trẻ uống canh rau có thêm chút muối hoặc nước trái cây như nước cà chua. Muối cung cấp natri, các loại rau quả cung cấp kali.

Để tránh sốc nhiệt, tránh rôm sảy, giảm nguy cơ đột tử ở trẻ nhũ nhi, trong những ngày nắng nóng, cha mẹ có thể sử dụng máy lạnh - điều hòa trong phòng trẻ. Tài liệu Âu Mỹ khuyến cáo nên đặt nhiệt độ phòng ngủ vào khoảng 20 độ C. Tuy nhiên nhiệt độ này hơi lạnh với trẻ em Việt Nam, dễ tạo sự chênh lệch nhiệt độ khi từ phòng ngủ ra những nơi không có máy lạnh.

Một nghiên cứu ở Việt Nam cho thấy ở nhiệt độ trung bình 26 độ C, người lớn tuổi ít bị các vấn đề tim mạch nhất và nhiệt độ phòng dùng máy lạnh của trẻ nhỏ cũng nên chỉnh ở mức 26 độ C.

Làm gì khi gặp nguời bị sốc nhiệt?

Sốc nhiệt là một chứng bệnh rất nguy hiểm, có thể gây chết người, do đó cần nhanh chóng đưa người bị nạn vào bóng râm, đồng thời gọi cấp cứu ngay lập tức.

Cấp cứu người bị sốc nhiệt

Trong lúc đợi cứu hộ đến, hãy cho người bệnh uống nước, vẩy nước vào người rồi quạt mạnh. Quá trình này sẽ giúp người bị nạn lấy lại sự tỉnh táo, đồng thời hạ bớt nhiệt độ cơ thể.

Cập nhật: 17/05/2021 Theo Trí Thức Trẻ/Tuổi Trẻ
  • 3.933