Cá mèo cu gáy đẻ rơi con, bắt cá rô phi nuôi hộ

  •  
  • 1.520

Thay vì tự nuôi đàn con biết ăn thịt đồng loại từ khi mới nở, một loài cá tìm cách đẩy chúng đi, bắt cá rô phi nuôi trong miệng.

Chiến thuật nuôi con kỳ lạ của cá mèo cu gáy được hé lộ trong nghiên cứu xuất bản trên tạp chí Environmental Biology of Fishes của Anna Vinton, nghiên cứu sinh thạc sĩ ngành sinh thái và sinh học tiến hóa tại Đại học Yale, National Geographic hôm qua đưa tin. Các nhà nghiên cứu cũng khám phá ra biện pháp đối phó của những nạn nhân bị cá mèo cu gáy lợi dụng nuôi con hộ.


Cá mèo cu gáy là loài ký sinh nuôi dưỡng xảo quyệt. (Video: National Geographic).

Khuynh hướng giao phối

Cá mèo cu gáy có tên tiếng Anh là cuckoo catfish, đặt theo tên loài chim chuyên thả trứng vào tổ chim khác. Loài cá này là động vật bản xứ ở hồ Tanganyika phía đông miền trung châu Phi. Tại đây, cá mèo cu gáy và cá rô phi theo đuổi chiến thuật giao phối và phương pháp nuôi con hoàn toàn trái ngược.

Cá mèo cu gáy bắt đầu giở mánh khóe khi cá rô phi cái sẵn sàng đẻ trứng và thu hút sự chú ý của con đực. Ở điều kiện thông thường, cá rô phi cái thuộc loài horeicichlid (Ctenochromis horei) đẻ 1 - 2 quả trứng một lần và lập tức bơi vòng lại để ngậm trứng trong miệng.

Đây là lúc cá rô phi đực dụ dỗ con cái đuổi theo nó, bằng cách vẫy vây hậu môn có nhiều đốm nhỏ giống trứng làm mồi nhử. Cá cái đuổi theo con đực bơi vòng quanh cho tới khi miệng nó đầy tinh trùng, giúp thụ tinh cho trứng. Con đực và cái sẽ lặp lại nghi thức tán tỉnh này nhiều lần trong hàng giờ cho đến khi cá cái có ổ trứng gồm 10 - 100 quả đã thụ tinh trong miệng.

Trò vờn bắt của cá rô phi thu hút những cặp cá mèo cu gáy đang giao phối. Khi cá rô phi cái đẻ trứng, cá mèo cái cũng lao vào đẻ ổ trứng của nó, đôi khi nó còn ăn ngấu nghiến trứng cá rô phi. Cùng lúc, cá mèo đực phóng vụt tới thụ tinh cho đám trứng. Tất cả quá trình này xảy ra chóng vánh trong vài giây giữa lúc cá rô phi cái đẻ trứng và vòng lại để ngậm trứng.

Cá mèo cu gáy lợi dụng cách bảo vệ con trong miệng của cá rô phi để buộc chúng nuôi con hộ.
Cá mèo cu gáy lợi dụng cách bảo vệ con trong miệng của cá rô phi để buộc chúng nuôi con hộ. (Ảnh: Science).

Martin Reichard, đồng tác giả một nghiên cứu tương tự xuất bản đầu năm nay nhưng không tham gia nghiên cứu của Vinton, cho biết sự xuất hiện của cá mèo cu gáy đôi khi khiến cá rô phi mẹ hoảng sợ. Để ngăn cá mèo ăn mất trứng, nó nhanh chóng thu thập mọi thứ, bao gồm trứng ký sinh. "Về cơ bản, cá mèo tạo ra một tình huống vô cùng hỗn loạn", Reichard nhận xét.

Sự trưởng thành của con non

Khi đám trứng ký sinh của cá mèo cu gáy đã nằm gọn an toàn trong miệng mẹ nuôi, chúng bắt đầu chiếm lợi thế. Trong khi trứng cá rô phi thường nở sau 6 - 7 ngày thụ tinh, trứng cá mèo sẽ nở sau 2 - 4 ngày. Vừa xuất hiện, những kẻ xâm phạm sẽ mau chóng bắt đầu ăn trứng cá rô phi chưa nở.

Cá mèo con phát triển lớn hơn nhiều cá rô phi con, đôi khi đạt chiều dài 2,5cm. Kích thước đó khá lớn, so với cá mèo mẹ vốn chỉ dài khoảng 10cm. Đôi khi, nếu không còn con cá rô phi non nào, cá mèo con chuyển sang ăn thịt lẫn nhau.

Chiến thuật đối phó

Theo Reichard, cá rô phi horei cichlids ở hồ Tanganyika có chiến thuật phòng ngự riêng dù cái giá phải trả khá lớn. Cá rô phi cái đôi khi phun ra toàn bộ ổ trứng của nó. Đây là một biện pháp tuyệt vời để loại bỏ trứng cá mèo cu gáy. Tuy nhiên, cách này cũng khiến chúng phun hết trứng của mình ngay cả khi cá mèo không tranh thủ thả lẫn trứng.

Theo Reichard, cá rô phi thông thường vẫn thể hiện bản năng làm mẹ thậm chí đối với cá mèo con bất chấp sự khác biệt rõ ràng về hình dáng. "Có thể chúng phân biệt được những quả trứng, nhưng khi trứng nở, bản năng làm mẹ mạnh mẽ đến mức chúng sẽ chăm sóc con non có ngoại hình khác hẳn", Reichard nói.

Chim tu hú - Bà mẹ bạc tình và đứa con sát thủ

Cập nhật: 19/09/2018 Theo VNE
  • 1.520