Nếu thấy một con tôm có thân hình nhỏ, màu xám xanh và lốm đốm, xin chúc mừng bạn đã gặp được loài tôm hùm đất vân cẩm thạch, loài sinh vật gây ra ác mộng cho toàn bộ nước Đức. Loài giáp xác nước ngọt này đã thu hút sự chú ý của giới khoa học trong những năm gần đây vì đặc tính sinh sản vô tính của con cái, khả năng thích nghi nhanh chóng khiến nó trở thành loài xâm lấn nguy hiểm nhất.
Tôm hùm đất vân cẩm thạch lần đầu tiên được nhận biết vào năm 1995, khi một sinh viên ngành sinh học mua một túi tôm được người bán quảng cáo là tôm càng Texas. Tuy nhiên, một thời gian sau bịch tôm nhỏ sinh sản vượt tầm kiểm soát nên anh này phải phân phát chúng lại cho những người bạn để họ thả xuống sông, hồ và nhà vệ sinh. Hành động vô ý đó đã khiến nước Đức, phần lớn lục địa châu Âu và đặc biệt là đảo Madagascar - nơi có hệ sinh thái nước ngọt độc đáo - nhanh chóng trở thành ngôi nhà thứ hai của loài tôm này.
Tôm hùm đất vân cẩm thạch.
Khi Frank Lyko, giáo sư di truyền biểu sinh tại Trung tâm Nghiên cứu Ung thư Đức (DKFZ), lần đầu tiếp xúc với loài tôm này, ông rất ngạc nhiên về khả năng sinh sản từ một tế bào đơn lẻ của chúng, và quyết định chọn làm đối tượng nghiên cứu.
“Tất cả tôm hùm đất vân cẩm thạch đều có chung bộ gene nhưng chúng thích nghi nhanh với nhiều môi trường khác nhau một cách chóng vánh. Điều này khiến chúng đặc biệt về mặt khoa học, giống như một khối u cũng thích nghi với môi trường của nó”, ông nói.
Lyko đã dẫn đầu cuộc nghiên cứu đầy tham vọng về bộ gene và xác minh được rằng tất cả tôm hùm đất vân cẩm thạch đều có nguồn gốc từ một con cái. Chúng sinh sản vô tính thông qua cơ chế parthenogeneesis (trinh sản). Năm 2015, vị giáo sư gọi các loài giáp xác toàn cái này là Procambarus virginalis.
Ở Đức, nơi đang vật lộn với nạn xâm lấn của tôm hùm đất vân cẩm thạch, các nhà chức trách áp dụng một biện pháp tiếp cận nghiêm ngặt với chúng. Cụ thể, bộ phận môi trường của thượng viện Berlin giao nhiệm vụ đặt bẫy tôm hùm đất cho ông Klaus Hidde, một nhân viên ngân hàng nghỉ hưu và hiện là người câu cá theo sở thích. Ông nói tôm hùm đất vân cẩm thạch không những đe dọa đến các loài bản địa mà còn gây ra bệnh dịch tôm càng - loại bệnh xóa sổ thị trường tôm càng châu Âu từng rất thành công 150 năm trước.
Trước đây, Hidde từng được giao một nhiệm vụ tương tự với loài tôm càng đỏ. “Chỉ trong một năm, tôi đã bắt được 42.000 con trong số đó. Tôi được xem như một vị cứu tinh”, ông nói. Các nhà hàng Berlin đảm nhiệm vai trò biến đổi tôm càng đỏ trở thành một món ăn hấp dẫn với người dân Đức.
Tuy nhiên, thương vụ tôm hùm đất vân cẩm thạch không dồi dào lợi nhuận như tôm càng đỏ. Hidde giải thích có lẽ vì quan chức vẫn rất cảnh giác tạo ra nhu cầu tiêu thụ thịt loài tôm tự nhân bản này. Điều này có thể dẫn đến sinh sản quá đà và làm tình hình trầm trọng hơn.
Loài tôm này cực kỳ nguy hiểm cho hệ sinh thái bản địa.
Trong lúc đó Lukas Bosch, người đồng sáng lập Holycrab!, một công ty khởi nghiệp về đa dạng sinh học, hy vọng giá trị dinh dưỡng của tôm hùm đất vân cẩm thạch có thể thu hút người Đức mà đang tìm kiếm thực phẩm thay thế bền vững. Công ty lên kế hoạch biến các loài xâm lấn - như gấu mèo, ngỗng Ai Cập, lợn rừng đến loài giáp xác như cua găng Trung Quốc - thành món ăn ngon, đồng thời tăng nhận thức về hệ sinh thái cho thực khách Đức.
Hãng đã thử bán thịt của tôm hùm đất vân cẩm thạch trong các ổ bánh mì, cũng như chế biến động vật có giá trị protein cao thành món hầm và món kho. “Vì những con tôm càng này không có động vật ăn thịt tự nhiên, chúng tôi nghĩ rằng sao con người không đảm nhận vị trí đó. Thay vì bỏ thịt, trong trường hợp này, càng tiêu thụ nhiều càng tốt”, ông nói.
Ranja Adriantsoa, một nhà sinh vật học bảo tồn, cho biết loài tôm này cực kỳ nguy hiểm cho hệ sinh thái bản địa. Một con tôm cái dài khoảng 12 cm có thể chứa từ 200 đến 700 quả trứng, vì nó sinh sản 4 lần một năm mà không cần giao phối, nên không mất nhiều thời gian để tạo ra một quần thể vài triệu cá thể cái giống hệt nhau về mặt di truyền.
Khi Adriantsoa lần đầu tiên làm việc cho bộ phận kiểm soát các loài xâm lấn của đại học Antananarivo ở thủ đô Madagasca, mục tiêu của nhóm bà là ngăn chặn sự lây lan của tôm hùm đất vân cẩm thạch. Bà được nhấn mạnh về khả năng hủy diệt hệ sinh thái, ăn ấu trùng cá, di dời tôm càng bản địa và tiêu diệt cây lương thực chính của quốc gia - gạo.
hưng theo thời gian mọi thứ dần thay đổi. Dù có nỗ lực bao nhiêu, vẫn phải thừa nhận loài tôm này đã có đủ thời gian để biến bất kỳ nơi nào nó đến trở thành ngôi nhà mới. Chúng ta phải tìm cách sống chung với chúng”“N, bà nói.
Cùng với nhà khoa học bảo tồn Julia Jones - giáo sư tại Đại học Bangor ở Wales - bà Adriantsoa và một nhóm các nữ nhà khoa học quốc tế đã phát động dự án “Perfect Invader” nhằm nghiên cứu tác động của loài tôm này với con người. Theo kết quả, tôm hùm đất vân cẩm thạch có thể là nguồn cung cấp protein chất lượng cao, giá rẻ cho Malagasy - một trong những quốc gia nghèo nhất trên thế giới, nơi có khoảng 42% trẻ em bị thấp còi.
Tôm hùm đất vân cẩm thạch có thể là nguồn cung cấp protein chất lượng cao.
Nghiên cứu cũng xem xét tiềm năng của chúng trong việc giải quyết sự lây truyền của bệnh sán máng (schistosomiasis), ảnh hưởng gần 290 triệu người trên toàn thế giới, trong đó có hàng triệu người ở Madagascar. Triển vọng là giống tôm này sẽ ăn loài ốc nước ngọt, vốn là vật chủ của giun dẹp ký sinh - gây ra bệnh cấp tính và mãn tính.
Ngoài ra, làm việc với viện nghiên cứu lớn nhất của nước Đức, Hiệp hội Helmholtz, Lyko đang cùng tham gia một dự án biến vỏ tôm hùm đất vân cẩm thạch chứa nhiều chitin - một chất tạo màng sinh học - thành nhựa có thể phân hủy sinh học. Dự án dự kiến công bố chi tiết vào tháng này.
Theo Jones, giống tôm này dạy bà và các nhà khoa học khác nhìn vào một bức tranh toàn cảnh lớn hơn. “Một mặt chúng ta cần hiểu tác động sinh thái tiêu cực của tôm hùm đất vân cẩm thạch ở Madagascar, nhưng mặt khác ta cũng không tránh né việc học cách sống thông minh bên cạnh loài tôm xâm lấn này. Nó ở đó và không thể loại bỏ được”, bà nói.
Đồng thời bà nhấn mạnh việc ngăn chặn sự lây lan của tôm hùm đất vân cẩm thạch đến những khu vực khác. Chúng bị cấm ở EU và Vương quốc Anh, nhưng vài người cho rằng có thể một số người đang nuôi chúng một cách bất hợp pháp.
“Chúng đang lan truyền nhanh chóng - chúng đã ở Ba Lan và cuối cùng sẽ ở Vương quốc Anh. Tôi nghĩ tôm hùm đất vân cẩm thạch sẽ sớm điền tên mình vào danh sách những loài xâm lấn đáng sợ nhất bên cạnh trai ngựa vằn, cóc mía hay sói xám”, Jones nói.