Hóa thạch kỷ Phấn Trắng tiết lộ loài khủng long mới

  •  
  • 723

Các nhà cổ sinh vật học phát hiện một loài khủng long có lông chưa từng được biết đến sống cách đây 67 triệu năm ở tây nam nước Mỹ.

Hình phục dựng loài Dineobellator notohesperus.
Hình phục dựng loài Dineobellator notohesperus. (Ảnh: UPI).

Loài mới, được đặt tên Dineobellator notohesperus, là một trong những động vật săn mồi cuối cùng lang thang trên Trái Đất trước khi khủng long tuyệt chủng. Giống như họ hàng Velociraptor khét tiếng của chúng, D. notohesperus là một dromaeosaurid, hay khủng long chạy nhanh, thuộc nhóm khủng long chân thú giống chim.

Hóa thạch của con vật được khai quật bên trong một mỏ đá khổng lồ tại lưu vực sông San Juan ở bang New Mexico, Mỹ. Các phân tích cho thấy loài này có chiều dài 1,8 - 2,1 m, cao tầm 1 m khi đứng (tính từ chân đến hông), nhưng chỉ nặng 18 - 22 kg.

Cấu trúc xương của D. notohesperus.
Cấu trúc xương của D. notohesperus. (Ảnh: CNN).

Loài khủng long giống chim này một chiếc đuôi dài và cơ động, đóng vai trò như bánh lái giúp chúng di chuyển rất nhanh và linh hoạt. Cơ thể được bao phủ bởi một lớp lông vũ dày, đặc biệt ở cẳng tay. Hai chi trước của D. notohesperus khá lớn, nếu so với các loài khủng long khác sống cùng thời điểm như khủng long bạo chúa T-rex.

"Cánh tay mạnh mẽ, kết hợp với bộ móng vuốt sắc nhọn có khả năng gây sát thương và quặp chặt con mồi, cho phép D. notohesperus (thường săn mồi theo đàn) tấn công cả những con khủng long lớn hơn nhiều so với kích thước cơ thể của chúng", Tiến sĩ Steven Jasinski, trưởng nhóm nghiên cứu từ Đại học Pennsylvania, Mỹ cho biết.

Các loài dromaeosaurid được biết đến nhiều hơn ở miền bắc nước Mỹ và Canada. Rất ít hóa thạch được tìm thấy ở khu vực xa hơn về phía nam. Khám phá mang đến cho các nhà khoa học những hiểu biết mới về cuộc sống ở vùng tây nam nước Mỹ trong những thiên niên kỷ diễn ra sự kiện tuyệt chủng của khủng long.

Cập nhật: 28/03/2020 Theo VnExpress
  • 723