Tại sao "heroin mới" kratom gây quan ngại?

  •  
  • 1.274

Đến nay, kratom - "heroin hợp pháp" tại Mỹ và nhiều nơi trên thế giới - vẫn gây ra nhiều tranh cãi xoay quanh sự cần thiết phải điều chỉnh việc sử dụng thảo dược này.

Theo South China Morning Post, thảo dược kratom hầu như không nhận được sự chú ý ở Hong Kong cho tới khi bị cấm vào tháng 8. Hải quan Hong Kong đã thu giữ 2,5 tấn chất hướng thần - với giá trị ước tính khoảng 6,67 triệu HKD (856.700 USD) - được vận chuyển từ Indonesia đến Florida, Mỹ.

Một cách trùng hợp, trong các ngày 11-15/10, các chuyên gia của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) sẽ họp tại Geneva, Thụy Sĩ, để bước đầu đưa ra đánh giá về kratom, xem có nên đưa loại thảo dược này vào danh sách các loại ma túy được kiểm soát toàn cầu hay không, theo South China Morning Post.

Kratom là gì?

Kratom được làm từ lá của cây thường xanh Mitragyna speciosa có nguồn gốc từ các nước Đông Nam Á, trong đó có Indonesia và Thái Lan. Thảo dược này có thể ở dạng lá tươi, dạng khô hay chiết xuất dạng bột.

Indonesia và Thái Lan được cho là những nhà sản xuất kratom lớn nhất thế giới. Mỹ là thị trường chính của thảo dược này, theo South China Morning Post.

Lá của cây Kratom trong một nông trại ở Thái Lan
Lá của cây Kratom trong một nông trại ở Thái Lan. (Ảnh: AFP).

Được sử dụng trong các loại thuốc cổ truyền trong nhiều thế kỷ, kratom được quảng cáo như một loại thuốc giảm đau và điều trị nhiều chứng bệnh. Nhiều tuyên bố cho rằng kratom có thể khiến người sử dụng thích giao tiếp xã hội hơn, tăng ham muốn tình dục, giảm mệt mỏi và tăng lực.

Người sử dụng có thể nhai lá tươi, pha trà hoặc nuốt viên nang chứa chiết xuất từ bột. Indonesia được cho là quốc gia cung cấp hơn 90% lượng kratom cho thế giới.

Loại thảo dược này được bán trên Internet một cách dễ dàng, đồng thời người bán có thể quảng cáo công khai tại nước này.

Tại sao kratom gây quan ngại?

Mối băn khoăn chính là liệu kratom có phải là một loại thuốc nguy hiểm có thể gây nghiện hay không. Trong những năm gần đây, ngày càng có nhiều người ở Mỹ và các nơi khác trên thế giới sử dụng kratom như một chất thay thế hoặc điều trị chứng nghiện opioid - loại thuốc có chứa heroin và thuốc phiện.

Các nhà khoa học cho biết kratom có thể gây nghiện. Thảo dược này chứa các hợp chất hóa học mitragynine và 7-hydroxymitragynine, gây ra tác dụng kích thích hoặc an thần, tương tự tác dụng khi dùng opioid.

 Kratom được cho là giảm ảnh hưởng của việc nghiện opioid.
Kratom được cho là giảm ảnh hưởng của việc nghiện opioid. (Ảnh: SCMP).

Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) đã cảnh báo rằng kratom và các hợp chất tác động đến thần kinh của nó có thể khiến người dùng có nguy cơ nghiện, lạm dụng và phụ thuộc.

Hơn 300 ca tử vong liên quan đến kratom đã được báo cáo kể từ năm 2010, chủ yếu ở Mỹ và Tây Âu. Một nghiên cứu của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC) cho thấy kratom là nguyên nhân gây tử vong cho 91 người từ năm 2016-2017.

Mỹ được cho là thị trường kratom lớn nhất thế giới với giá trị ước tính lên đến hơn 1 tỷ USD mỗi năm. Hiệp hội Kratom Mỹ tuyên bố vào năm 2019 rằng có khoảng 10-15 triệu người sử dụng dựa theo số liệu nhập khẩu từ Indonesia - quốc gia cung cấp kratom chính cho Mỹ.

Quy định không đồng nhất trên thế giới

Những quy định trên thế giới về kratom là không đồng nhất. Nhiều nơi đã áp đặt lệnh cấm lên loại thảo dược này, song kratom lại được sử dụng tự do ở một số khu vực khác.

Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) đã cấm sử dụng kratom trong dược thảo hoặc thực phẩm bảo vệ sức khỏe vào năm 2013 với lý do "có hại cho sức khỏe con người".

Nhiều quốc gia hiện đã cấm việc sử dụng kratom.
Nhiều quốc gia hiện đã cấm việc sử dụng kratom. (Ảnh: AFP).

Kể từ tháng 8, bất kỳ ai ở Hong Kong bị kết tội buôn bán kratom sẽ phải đối mặt với án phạt tối đa là 5 triệu HKD (gần 650.000 USD) và án tù chung thân. Việc sở hữu và tiêu thụ cũng là hành vi phạm tội.

Indonesia đang đặt mục tiêu cấm kratom vào năm 2022. Thái Lan đã có lệnh cấm từ năm 1943, song đã hợp pháp hóa việc sử dụng cho người trưởng thành vào tháng 8.

Tại Mỹ, kratom đã nằm trong danh sách “ma túy và hóa chất cần quan tâm” của Cơ quan Phòng chống Ma túy trong vài năm, song không bị cấm ở cấp liên bang. Sáu tiểu bang cũng như một số thành phố đã cấm thảo dược này và một vài bang khác kiểm soát việc mua bán.

Kratom hiện không nằm trong bất kỳ hiệp ước nào của Liên Hợp Quốc liên quan đến các chất bị kiểm soát và ma túy, South China Morning Post cho biết.

Mặc dù các nghiên cứu khác nhau đã làm dấy lên những lo ngại, song vẫn còn thiếu các nghiên cứu và dữ liệu kết luận về kratom. Những người ở Mỹ ủng hộ việc cấm khẳng định không có lợi ích y tế nào được chứng minh và thay vào đó, họ chỉ ra khả năng bị lạm dụng và phụ thuộc cao.

Trái lại, người sử dụng và ủng hộ cho rằng chất này có "lợi nhiều hơn hại". Họ nhấn mạnh rằng đến nay vẫn chưa có ca tử vong nào hoàn toàn toàn do việc lạm dụng kratom.

Hiệp hội Kratom Mỹ đã tích cực vận động nhằm ngăn chặn lệnh cấm. Các chuyên gia tại cuộc họp của WHO sẽ xem xét các bằng chứng để đánh giá liệu kratom và các hợp chất chính của nó có đủ gây quan ngại để đưa ra mức độ giám sát chặt chẽ hơn.

Nếu các chuyên gia làm vậy, bước tiếp theo sẽ là một cuộc đánh giá chính thức. Điều này có thể dẫn đến việc kiểm soát chặt chẽ hơn trên toàn thế giới với loại thảo dược này.

Cập nhật: 11/10/2021 Theo Zing
  • 1.274