Năm 536, hầu hết Trái đất đã chìm vào bóng tối suốt 18 tháng khi một màn sương mù bí ẩn bao phủ châu Âu, Trung Đông và nhiều vùng ở châu Á. Màn sương này che khuất mặt trời, khiến nhiệt độ giảm đột ngột, các loại cây lương thực và sau đó là con người đều không thể sống nổi. Đây chính là một thời kỳ tăm tối nhất trong lịch sử.
Nhưng mãi đến năm 2018, các nhà nghiên cứu mới tìm được nguyên nhân gây ra sương mù chết chóc. Theo báo cáo trên ấn phẩm khoa học Antiquity (Cổ xưa), vào đầu năm 536 đã xảy ra vụ phun trào núi lửa ở Iceland, kéo theo tàn tro bao phủ khắp Bắc Bán Cầu và tạo ra màn sương mờ ảo như "địa ngục". Cũng giống như vụ phun trào Núi Tambora (Indonesia) năm 1815 - thảm hoạ núi lửa gây thương vong lớn nhất từng được ghi nhận, sự kiện ở Iceland năm 536 đủ làm khí hậu biến đổi một cách đột ngột và gây ra mất mùa, nạn đói ở khắp nơi trên thế giới.
Núi lửa phun trào ở Iceland kéo theo tàn tro bao phủ khắp Bắc Bán Cầu và tạo ra màn sương mờ ảo như "địa ngục". (Ảnh minh hoạ).
Vậy, 18 tháng chìm trong tăm tối cụ thể đã diễn ra tàn khốc như thế nào? Ghi chép của nhà sử học Procopius ở Byzantine (Đế chế Đông La Mã) cho biết: "Mặt trời vẫn chiếu xuống như không có tia nắng ấm áp nào trong suốt cả năm đó". Sử gia Procopius còn cho biết: "con người không thể tránh khỏi chiến tranh, dịch bệnh và hàng loạt tai ương khác".
Những ghi chép này không được xem trọng cho đến thập niên 1990, theo giáo sư lịch sử Michael McCormick từ Đại học Harvard. Vào thập niên đó, các nhà nghiên cứu đã quan sát các vòng tròn trên thân cây cắt ngang ở Ireland, nhờ đó phát hiện điều dị thường quả thật đã xảy ra xoay quanh năm 536. Mùa hè ở châu Âu, châu Á trở nên lạnh hơn từ 1,5 đến 2 độ C, thậm chí Trung Quốc còn chứng kiến tuyết rơi. Về sau, khoa học gọi khoảng thời gian năm 536, sau khi xảy ra núi lửa phun trào che lấp bầu trời, là giai đoạn "Tiểu băng hà hậu kỳ cổ đại".
"Mọi thứ thay đổi kinh khủng và chỉ sau một đêm" - giáo sư McCormick giải thích. "Nhân loại đã trải qua nhiều cảnh tượng tang tóc".
Cassiodoris - một chính trị gia La Mã - thuật lại trong các tài liệu: "Chúng tôi nhìn thấy hiện tượng kỳ lạ là con người không phản chiếu bóng xuống mặt đất ngay cả vào buổi trưa". Ngoài ra, ông viết rằng Mặt trời đã đổi sang màu xanh lam ảm đạm, Mặt trăng thì mất đi vầng sáng và "tất cả mùa vụ như trộn lẫn vào nhau".
Trạm nghiên cứu địa chất ở Colle Gnifetti (Italy) cũng giúp các nhà khoa học phát hiện chuyện gì đã xảy ra vào khoảng năm 536. (Ảnh: N.E. Spaulding/Antiquity).
Chưa hết, những ai có thể sống sót qua năm 536 còn phải chịu đựng các thảm hoạ núi lửa phun trào năm 540 và 547, khiến cho Bắc Bán Cầu tốn rất nhiều thời gian mới phục hồi như trước. "Thời kỳ Tiểu băng hà hậu cổ đại đã bắt đầu từ mùa xuân năm 536 và kéo dài đến tận năm 660 ở Tây Âu, còn ở Trung Á là đến năm 680 mới chấm dứt" - theo giáo sư McCormick nhận định.
Năm 536 còn chính là dấu mốc khởi đầu quãng thời gian khắc nghiệt nhất trong lịch sử loài người. Do khí hậu lạnh giá và nạn đói hoành hành, nền kinh tế châu Âu suy thoái trầm trọng. Đến năm 541, dịch hạch lại bùng phát và cướp đi sinh mạng của 1/3, thậm chí là một nửa dân số Đế chế Đông La Mã.
Đại dịch hạch đầu tiên xảy ra khoảng năm 541-542 chính là hậu quả kéo dài từ chuỗi thảm hoạ năm 536.
Theo nhà khoa học về Trái đất và khí hậu - giáo sư Andrei Kurbatov ở Đại học Maine, có lẽ đã xảy ra nhiều vụ phun trào núi lửa liên hoàn mới gây ra màn sương mù đặc quánh như vậy, tuy nhiên các nhà nghiên cứu vẫn chưa tìm ra bằng chứng cụ thể. Dù sao, họ vẫn tin rằng năm 536 là vô cùng đáng sợ, khiến hàng triệu triệu người lâm vào đường cùng và khung cảnh chẳng khác gì tận thế. Tuy nhiên, con người vẫn có thể vượt qua và phát triển vượt bậc cho đến ngày nay, tức là đã 1484 năm trôi qua.