Phát hiện hóa thạch tắc kè trong hổ phách lâu đời nhất

Các nhà nghiên cứu thuộc Đại học bang Oregon và Bảo tàng lịch sử tự nhiên tại London mới đây đã công bố khám phá về hóa thạch cổ nhất của một con tắc kè, một số bộ phận cơ thể của nó được gìn giữ nguyên vẹn sau 100 triệu năm bị chôn vùi trong hổ phách.

Nhờ có khả năng bảo quản đáng kể của hổ phách, bàn chân bé nhỏ của con tắc kè cổ đại vẫn còn giữ được các “lá mỏng” tí xíu, hay còn gọi là lông ngón dính. Chính chúng đã mang lại cho tắc kè hiện đại khả năng bám dính trên các bề mặt hay khả năng chạy trên trần nhà. Các chương trình nghiên cứu trên thế giới luôn nỗ lực để mô phỏng khả năng bám dính khác thường này nhưng chỉ đạt được thành công hạn chế. Tuy nhiên những ngày được bay nhảy của con tắc kè bị hóa thạch đã kết thúc. Chỉ có bàn chân, móng chân và một phần đuôi của nó được giữ lại trong hổ phách. Phần còn lại có lẽ đã trở thành bữa trưa cho một con khủng long nhỏ hoặc một loài ăn thịt nào đó sau một cuộc chiến cổ đại trong rừng nhiệt đới Myanmar vào thời kỳ hạ Creta (kỷ Phấn trắng) từ 97 triệu năm đến 110 triệu năm trước.

Hóa thạch mới có tuổi thọ cao hơn hóa thạch tắc kè lâu đời nhất được biết đến ít nhất là 40 triệu năm, làm sáng tỏ quá trình tiến hóa và lịch sử của loài tắc kè cổ đại thoăn thoắt lướt đi dưới chân của những con khủng long khổng lồ. Hiện nay chúng rất phổ biến ở các vùng nhiệt đới và cận nhiệt đới trên toàn thế giới. Phát hiện được công bố trên tờ Zootaxa.

George Poinar là giáo sư thuộc đại học bang Oregon đồng thời là một trong những chuyên gia hàng đầu thế giới về côn trùng, thực vật và các dạng sống khác bị hóa thạch trong hổ phách – bán đá quý có dạng ban đầu là nhựa cây. Ông cho biết: “Các miếng dính dưới chân độc nhất vô nhị cùng với khả năng bám dính của tắc kè đã kiến chúng trở thành nhóm động vật lý thú. Chúng tôi đã rất may mắn khi tìm được bàn chân của mẫu hóa thạch được gìn giữ nguyên vẹn."

Ông nói thêm: “Con người rất hứng thú với tắc kè bởi những đặc điểm khác thường của chúng. Do đó mà cũng có nhiều người quan tâm đến sự kiện này”. Theo các nhà nghiên cứu, dựa trên số lượng của các lá mỏng trên miệng đệm chân, con tắc kè hóa thạch có lẽ còn rất nhỏ. Sau này nó sẽ trưởng thành với kích cỡ tương đối lớn, có thể dài đến 1 fut (khoảng 0,3 m). Tắc kè hiện đại có chiều dài không quá 16 inch (khoảng 40,6 cm), mặc dù cách đây hàng triệu năm có lẽ đã tồn tại các loài tắc kè lớn hơn. Hóa thạch tắc kè con chưa dài đủ 1 inch khi nó chết, có thể nó bị ăn thịt hoặc bị tấn công, do các nhà nghiên cứu chỉ phát hiện được một số bộ phận còn sót lại.

Hóa thạch tắc kè được công nhận là một loài mới mặc dù hiện nay đã tuyệt chủng, nó được đặ tên là Cretaceogekko. Nó có kẻ sọc, có lẽ là để ngụy trang. Có trên 1.200 loài tắc kè trên thế giới ngày nay, chúng xuất hiện phổ biến ở các vùng nhiệt đới trong đó có các lãnh thổ miền nam Hoa Kỳ. Chúng cũng thường được nuôi trong nhà. Người dân vùng nhiệt đới nuôi chúng bởi chúng có thể bắt côn trùng. Một số loài có nhiều màu sắc sặc sỡ. Chúng dùng chiếc lưỡi dài để liếm, làm sạch và làm ẩm đôi mắt.

Bức ảnh kỹ thuật số chụp ảnh hóa thạch trong hổ phách được các nhà nghiên cứu thuộc đại học bang Oregon phát hiện, hóa thạch có phần chân và một phần đuôi. (Ảnh: Image courtesy of OSU)

Poinar nói: “Tắc kè sống theo lãnh thổ. Khi tôi sống ở Châu Phi và đầu những năm 1980, chúng tôi thường nuôi chúng trong nhà. Chúng khá thân thiện và không làm phiền con người. Chúng tôi đặt tên cho chúng. Những con tắc kè sẽ chạy quanh nhà, bắt ruồi muỗi và bọ. Chúng có thể bò lên trần nhà rồi nhìn xuống chúng tôi”. Nghiên cứu mới cung cấp bằng chứng cho thấy tắc kè xuất hiện ở Châu Á vào khoảng 100 triệu năm trước, chúng đã tiến hóa để có được cấu trúc bàn chân kỳ diệu vào thời điểm đó. Hóa thạch hổ phách được tìm thấy ở thung lũng Hukawg tại Myanmar. Trong suốt cuộc đời của mình, con tắc kè có lẽ đã sống trong cánh rừng nhiệt đới ẩm ướt nơi chúng thường xuyên phải leo trèo.

Khả năng bò trên bề mặt thẳng đứng hay thậm chí lộn ngược của tắc kè chính là nhờ có hàng ngàn sợi lông cứng, siêu nhỏ trên ngón chân có cấu trúc giống sợi tóc. Các sợi lông có đầu bám được vào bề mặt nhờ lực van der Walls. Đó là hiện tượng dính khô, cực kỳ chắc chắn mà không một loài động vật nào khác có được.

Người ta vẫn chưa biết được chính xác nhóm tắc kè này bao nhiêu tuổi cũng như khi việc chúng tiến hóa để có được ngón chân bám dính vào khi nào. Tuy nhiên nghiên cứu cho thấy rõ ràng khả năng này đã xuất hiện từ ít nhất 100 triệu năm trước. Các chương trình nghiên cứu hiện đại vẫn chưa thể mô phỏng được khả năng đó.

Các nhà khoa học thuộc đại học California tại Berkeley đầu năm nay đã công bố rằng họ vừa chế tạo được chất dính chống trơn trượt mới mà theo họ đó là vật chất nhân tạo mô phỏng giống nhất khả năng của tắc kè. Theo họ, sản phẩm mới sẽ giúp những con rôbôt trèo được lên tường. Một nhóm nghiên cứu thuộc Viện công nghệ Massachusetts vào năm nay cũng đã chế tạo được băng cứu thương chống nước lấy ý tưởng từ tắc kè và có thể sẽ được ứng dụng trong phẫu thuật một ngày nào đó. Ngoài ra tắc kè cũng trở thành biểu tượng quảng cáo của công ty bảo hiểm Geico.

Nghiên cứu nói trên chỉ là một trong số rất nhiều nghiên cứu mà Poinar cùng các cộng sự đã ứng dụng đặc điểm khác thường của hổ phách để tìm hiểu các dạng sống cổ đại cũng như để thu thập thông tin về hệ sinh thái cổ đại.

Vốn là đá ban đầu là nhựa cây rỉ ra, hổ phách có thể bao bọc quanh côn trùng nhỏ hoặc các dạng sống khác rồi bảo quản chúng trong tình trạng gần như hoàn hảo để con người có thể chiêm ngưỡng hàng triệu năm sau đó.

Trà Mi (Theo ScienceDaily)
Danh mục

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Khoa học vũ trụ

Danh nhân thế giới

Ngày tận thế

1001 bí ẩn

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Khoa học quân sự

Lịch sử

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Hỏi đáp Khoa học

Công nghệ mới

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Ứng dụng khoa học

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Video