Đoạn video mới công bố đã hé lộ phần nào sự hủy diệt tàn khốc trên Trái đất mà khủng long gặp phải sau thảm họa thiên thạch cách đây 66 triệu năm.
Theo Express, toàn bộ khủng long tồn tại trên Trái đất được cho là đã bị quét sạch bởi thiên thạch có đường kính 10-15km, khi nó đâm xuống vùng đất ngày nay là Mexico.
Video đồ họa do kênh Science Channel đăng tải trên YouTube, cho thấy cảnh hủy diệt trên quy mô toàn cầu. Video bắt đầu với cảnh thiên thạch đâm xuống Trái đất, sau đó tạo ra nguồn năng lượng lan tỏa ngầm dưới lòng đất. Một phần phản lực tác động ngược trở lại vũ trụ tạo nên đám mây dày đặc.
Chỉ 1% năng lượng của vụ va chạm là tác động được đến phần lõi Trái đất, nhưng cũng đủ để khiến Trái đất rung lắc dữ dội. Động đất mạnh tới 11 độ richter xảy ra liên tục, theo lời dẫn trong video.
Thảm họa thiên hạch không chỉ tạo ra sự hủy diệt trên mặt đất, mà còn cả trên bầu trời, khiến những sinh vật to lớn không cách nào sống nổi.
Lời dẫn video nói tiếp: “Các sinh vật nhỏ bé chui xuống lòng đất ẩn náu, để tránh nhiệt độ nóng chảy đến cực độ trên mặt đất. Chưa dừng lại ở đó, những cơn bão điện liên tục sạc điện vào mây như một cục pin khổng lồ, khiến sấm chớp không dứt”.
Khủng long đối mặt với thảm họa sau khi thiên thạch đâm xuống Trái đất.
“Những tảng đá bị hất tung lên bầu trời, trở nên nóng rực và rơi xuống trở lại mặt đất khiến các sinh vật chết rải rác. Vài giờ trước Bắc Mỹ còn là thiên đường sinh sống của khủng long, giờ thì đã trở thành địa ngục”, lời dẫn nói.
“90 phút sau va chạm, khu vực cách xa Mexico như Mông Cổ cũng bị thiêu đốt bởi nhiệt độ 150 độ C. Không một sinh vật nào có thể tồn tại được ở nhiệt độ này”. Cho đến nay, các nhà khoa học vẫn tranh cãi về việc các loài khủng long nhỏ hơn sống sót ra sao sau thảm họa.
Nhà cổ sinh học Ken Lacovara thì cho rằng, khủng long sống được lâu lắm cũng chỉ vài tháng. “Chúng chết đột ngột, bị thiêu cháy. Những con may mắn hơn thì sống thêm được vài tháng”.
Nhưng sự tuyệt chủng của khủng long lại là cơ hội cho các sự sống khác trỗi dậy và sau này là con người. Không còn những kẻ săn mồi khổng lồ, những động vật có vú nhỏ hơn như loài gặm nhấm bắt đầu sinh sôi, mở đường cho sự tiến hóa của con người hàng triệu năm về sau.
Alice Roberts, một người dẫn bộ phim tài liệu về khủng long trên BBC từng nói: “Nếu thiên thạch không hủy diệt loài khủng long thì sẽ không có chúng ta ngày nay”.