Những bức ảnh chụp trên Hỏa tinh được NASA đăng lên website trông khá giống một sa mạc ở Trái đất.
Những bức ảnh trên Hỏa tinh được chụp bởi chiếc xe rover tên là Perseverance đã làm dậy sóng cộng đồng Internet kể từ khi công nghệ robot mới nhất của NASA hạ cánh xuống "Hành tinh đỏ" vào tháng 2/2018.
Mặc dù là hai hành tinh khác nhau, Trái đất và Hỏa tinh vẫn có những sự tương đồng. Một số bức ảnh trên Hỏa tinh trông khá giống hình ảnh tại sa mạc Atacama, Chile ở Trái đất. Cơ quan NASA đã dành thời gian và tài chính để khám phá vùng đất tương tự Hỏa tinh này.
Nhóm ARADS của NASA đang thử nghiệm với chiếc xe rover nguyên bản trên Hỏa tinh tại sa mạc Atacama ở Chile vào năm 2018. (Ảnh: NASA).
“Các bạn có thể tranh luận về việc Thung lũng Dry Valleys ở Nam Cực hay vùng trung tâm phía bắc Atacama mới là địa điểm nóng nhất trên Trái đất. Thế nhưng, một vài nơi ở Atacama chỉ có mưa sau mỗi 20 năm, thậm chí 100 năm sau mới có mưa”, ông Brian Glass, một nhà nghiên cứu của Atacama Rover (ARADS) cho biết. Nghiên cứu này dùng sa mạc Atacama để thử nghiệm các công cụ và kỹ thuật thực địa cho những sứ mệnh lên Hỏa tinh trong tương lai.
Do sa mạc Atacama giống một vùng đất chết và hoang vắng, NASA đã đến điều tra và thấy nơi đây gần như là một “bản sao” của Hỏa tinh. Họ cho thử nghiệm những chiếc xe rover từ năm 1997. Chiếc rover mới nhất sử dụng các công cụ nguyên bản, chúng cố gắng tìm kiếm và phát hiện sự sống ở đây.
“Vì nếu không thể tìm thấy sự sống ở một trong những nơi cằn cỗi nhất trên Trái đất, đừng nghĩ đến chuyện lên sao Hỏa tìm kiếm điều đó”, ông Glass giải thích.
Sa mạc Atacama kéo dài hơn 1.600 km ở nửa phía bắc của Chile giữa Thái Bình Dương và dãy núi Andes. Glass nói rằng để biết những nơi như sa mạc Atacama cằn cỗi đến mức nào, hãy nghĩ đến tín hiệu hữu cơ (ví dụ như sự sống) đối với tiếng ồn xung quanh.
“Tín hiệu ở sa mạc Mojave và những khu vực xa xôi thuộc đất liền của nước Mỹ vẫn khá to. Bạn vẫn có thể gặp cây bụi, xương rồng, vi sinh vật, bọ cạp, côn trùng; ở đó vẫn có một hệ sinh thái”, điều tra viên Glass nói.
Giống như Hỏa tinh, sa mạc Atacama có địa hình khắc nghiệt với những bãi muối rộng lớn và những ngọn núi lửa cao ngất ngưởng, bao gồm cả ngọn núi đang hoạt động mạnh nhất trên Trái đất. Ở đây, bầu trời về đêm rất tối và có những trạm quan sát thiên văn lớn nhất thế giới.
NASA đã đến điều tra và thấy nơi đây gần như là một “bản sao” của Hỏa tinh. (Ảnh: Mark Johanson).
Nơi khô hạn nhất trên Trái đất
Khi các nhà khoa học nói Atacama là nơi khô hạn nhất trên Trái đất, họ đang nhắc tới thị trấn Yungay. Thị trấn này cách thành phố Antofagasta khoảng 88km, NASA đang có những nghiên cứu ở khu vực này.
Theo ông Glass, Yungay là một thung lũng dài với hai bên đồi bị xói mòn vì gió. Đất ở Yungay có màu nâu và khá cằn cỗi, không có dấu hiệu của sự sống.
Tại thị trấn Yungay có một bức tượng điêu khắc hình bàn tay cao gần 11 m. Bức tượng này được gọi là Mano del Desierto, được một nghệ sĩ người Chile tên là Mario Irarrázabal đặt ở gần thị trấn vào năm 1992.
Dù Yungay vốn từ lâu được xem là nơi khô hạn nhất ở Atacama, nghiên cứu gần đây chỉ ra rằng danh hiệu này thực ra thuộc về vùng Maria Elena South, nằm gần thị trấn mỏ nitrate khoảng 273 km về phía bắc.
Cả hai địa điểm đều không có bất kỳ cơ sở vật chất hay điểm du lịch nào, nhưng chúng là những điểm mấu chốt để đánh giá mức độ "trống rỗng" của Atacama và những điểm tương đồng với sao Hỏa. Hơn nữa, vì thung lũng McMurdo Dry Valleys ở Nam Cực đặc biệt khó chạm tới, nhiều nhà khoa học tin rằng thung lũng này thậm chí còn khô hạn hơn.
Bức tượng điêu khắc hình bàn tay cao gần 11m được gọi là Mano del Desierto.
Núi lửa và mạch nước phun
Trong khi Hỏa tinh là “nhà” của ngọn núi lửa cao nhất trong Hệ Mặt trời - Olympus Mons, sa mạc Atacama chứa núi lửa hoạt động mạnh nhất trên Trái đất - Ojos del Salado.
Ngọn núi màu nâu xám này cao khoảng 7.000m so với mực nước biển và là đỉnh núi cao nhất thứ hai ở bán cầu tây sau ngọn Aconcagua ở Argentina. Tuy nhiên, hồ miệng núi lửa vĩnh viễn của ngọn núi này được cho là hồ nước cao nhất trên thế giới.
“Khi nhìn vào dãy núi đầy ấn tượng này, xung quanh là những ngọn núi lửa cao trên 6.000 m, bạn sẽ thấy mình thật nhỏ bé”, anh Ercio Mettifogo, người quản lý tour du lịch mạo hiểm Puna de Atacama cho biết.
Để leo lên đỉnh Ojos del Salado, người leo núi không cần nhiều kỹ thuật leo dù độ cao của núi không nhỏ, nhưng gió mạnh trên núi lên đến 119 km/h và nhiệt độ -29 độ C chắc chắn là một thử thách cho họ. Phần lớn các chuyến leo núi diễn ra trong khoảng từ tháng 11 đến tháng 4, thời gian leo kéo dài 8 ngày đối với các chuyên gia leo núi và 12 ngày cho các nhà leo núi không chuyên.
Theo anh Mettifogo, Atacama Altiplano thường được ví như cao nguyên Tây Tạng. Khu vực gần núi Ojos del Salado là nơi có khoảng 17 ngọn núi cao trên 6.000 m đã trở thành một trung tâm du lịch mạo hiểm.
Xa hơn về phía bắc, gần thị trấn du lịch San Pedro de Atacama, một kỳ quan địa nhiệt khác của Atacama là mạch nước phun El Tatio, được mệnh danh là vườn quốc gia Yellowstone mini với 80 mạch nước phun sôi ùng ục và khói bốc lên nghi ngút.
Trong bức tranh toàn cảnh của những ngọn núi lửa phủ đầy tuyết trắng, El Tatio là khu vực mạch phun nước rộng nhất ở bán cầu Nam và cao nhất trên Trái đất với độ cao hơn 4.300 m so với mực nước biển.
Mạch nước phun El Tatio được mệnh danh là vườn quốc gia Yellowstone mini với 80 mạch nước phun sôi ùng ục và khói bốc lên nghi ngút. (Ảnh: Shutterstock).
Bãi muối và các loài chim hồng hạc
Phần lớn sa mạc Atacama đều cằn cỗi như trên Hỏa tinh, nhưng vùng đất này nổi bật với màu sắc của những bãi muối tuyệt đẹp, được gọi là salares, với những dòng nước mặn nuôi dưỡng sự sống của một số loài động vật, bao gồm chim hồng hạc.
Ở đây tụ hợp nhiều loài hồng hạc, trong đó có loài Andes quý hiếm với đôi chân màu vàng và đôi cánh điểm đen, loài hồng hạc James nhỏ hơn với đôi chân màu đỏ gạch và chiếc mỏ màu vàng sáng. Ngoài ra, loài hồng hạc có màu lông hồng nhất trong tất cả các loài là hồng hạc Chile. Chim hồng hạc Chile sống phổ biến ở dọc vùng Nam Mỹ, trải từ vùng Argentina đến Ecuador.
Những chú chim với bộ lông tơ màu hồng dễ dàng được tìm thấy ở các công viên Andes như Khu bảo tồn Quốc gia Los Flamencos, ở gần San Pedro và Vườn quốc gia Nevado Tres Cruces, gần thành phố Copiapó.
“Những bãi muối còn nổi tiếng với các đầm phá nhiều màu sắc”, anh Gabriel Rojas của Turismo Atacamensis, hướng dẫn viên đưa du khách đi bơi ở đầm phá màu ngọc lam ở Salar de Pedernales, phía bắc Vườn quốc gia Nevado Tres Cruces. Ở Pedernales còn có các hồ bơi màu đỏ máu, xanh navy và xanh ngọc lục bảo, tất cả nối liền nhau trên con đường mòn đi bộ dài khoảng 3 cây số.
Một số nhà khoa học tin rằng, nếu loài người tìm thấy những tín hiệu về sự sống trên Hỏa tinh, đó sẽ là các ao muối mang tính lịch sử hình thành ở những nơi như miệng núi lửa Gale Crater và được cho là giống với những gì được tìm thấy ở Altiplano của Nam Mỹ.
Một chú chim hồng hạc lội kiếm ăn trong đầm phá ở Khu bảo tồn Quốc gia Los Flamencos. (Ảnh: Shutterstock).
Bầu trời trong xanh nhất thế giới
Sa mạc Atacama không chỉ là nơi thử nghiệm của NASA cho những sứ mệnh lên Hỏa tinh trong tương lai, mà còn là nơi một số quan sát hành tinh tiên tiến nhất được thực hiện trên Trái đất.
Phía bắc Chile là nơi có khoảng 70% cơ sở vật chất cho ngành Thiên văn học trên toàn cầu. Dự án lớn nhất trong những năm 2020 bao gồm Kính viễn vọng Magellan khổng lồ và Kính viễn vọng cực lớn đều sẽ được đặt trên những ngọn đồi trọc trong một vài năm tới.
“Khi màn đêm buông xuống, sự im lặng và bóng tối sẽ lên ngôi, nó không bị ảnh hưởng bởi ánh đèn và âm thanh ồn ào của thành phố, nơi đó sẽ biến thành một lối đi lên thiên đường khiến bạn cảm nhận như có thể chạm tay vào vũ trụ”, ông Cristóbal Vergara, nhà sáng lập Turismo Tembeta, công ty quản lý các tour ngắm sao từ thành phố La Serena.
Thung lũng Elqui nằm ở rìa phía nam của sa mạc Atacama, đã trở thành trung tâm chính không chỉ dành cho các nhà khoa học mà còn cho những người yêu thích ngắm sao.
“Dọc các dãy núi vẫn còn sương mù từ biển Thái Bình Dương, tạo thành một vài đám mây nhỏ và khiến bầu trời trở nên trong xanh”, Vergara nói thêm. Để phục vụ nhu cầu ngắm sao của du khách, có gần một chục đài quan sát gần trung tâm du lịch Vicuña mở cửa hàng ngày cho các khách du lịch muốn ngắm sao với hy vọng có thể nhìn cận cảnh bầu trời Jackson Pollock.
Nhiều cơ sở nghiên cứu như Gemini South, Cerro Tololo, La Silla và Las Campanas cũng mở cửa cả những ngày cuối tuần cho du khách tham quan.
Năm 2015, thung lũng Elqui được mệnh danh là Thánh địa Bầu trời đêm Quốc tế đầu tiên trên thế giới. Nhờ đó, các nhà nghỉ có mái trong suốt để ngắm sao bắt đầu mọc lên như nấm, các du khách có thể thoải mái nằm ngủ dưới một bầu trời đầy sao.
Đầm phá màu ngọc lam ở Salar de Pedernales, phía bắc Vườn quốc gia Nevado Tres Cruces. (Ảnh: Mark Johanson).
Ông Vergara nói rằng phần tuyệt nhất lúc ngắm sao ở đây là du khách được ngắm sao ở “một nơi với những khám phá vĩ đại, những tiến bộ về công nghệ và những phát hiện về thiên văn học mới có thể giúp ích cho tương lai của nhân loại”.
Atacama có thể không lạnh, khắc nghiệt hoặc "ngoài hành tinh" như sao Hỏa, nhưng vùng đất này cho thấy một "bản sao" của Hỏa tinh ở ngay Trái đất. Việc đến đây tham quan giúp cho du khách được trải nghiệm cảm giác du lịch trên Hỏa tinh như thế nào.